"Điệp khúc 20/11: Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy - "Yêu" thế nào là đủ hả các mẹ?

Nói thật, đây không phải là lần đầu tiên tôi đọc được những lời than thở kiểu này về những món quà tặng thầy cô giáo vào ngày 20/11.

<img alt="" Điệp="" khúc="" 20="" 11:="" muốn="" con="" hay="" chữ="" phải="" yêu="" lấy="" thầy="" -="" "yêu"="" thế="" nào="" là="" đủ="" hả="" các="" mẹ?"="" data-cke-saved-src="http://baoventd.org/websites/images/baoventd/2016-11/diep-khuc-2011-muon-con-hay-chu-phai-yeu-lay-thay-yeu-the-nao-la-du-ha-cac-me.jpg" src="http://baoventd.org/websites/images/baoventd/2016-11/diep-khuc-2011-muon-con-hay-chu-phai-yeu-lay-thay-yeu-the-nao-la-du-ha-cac-me.jpg" style="width: 600px; height: 400px; margin-left: 5px; margin-right: 5px;">
“Muốn sang thì bắc cầu Kiều - Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. (Ảnh: Internet)

Từ bé chí lớn, biết bao nhiêu thế hệ từ học sinh trở thành phụ huynh đã nghe ra rả câu này của các cụ không biết bao nhiêu lần cho xuể. Ai ai cũng bảo “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” mà không biết là nên “yêu” thế nào cho phải?

Cứ đến ngày lễ ngày lạt gì là cả “thị trường phụ huynh” lại nhao nhao lên sôi sùng sục không thua kém gì thị trường chứng khoán ngày ông Trump đắc cử vì không biết nên chọn quà gì tặng thầy cô cho độc?

Cái lệ này đã tiếp diễn mãi hóa thành quen, có mà dở hơi hay “ngây thơ bò tơ Củ Chi 7 món” lắm mới không hiểu ý. Ấy thế mà có phải là “có lòng” thì sẽ được nhận được nhận đâu, còn lắm chuyện nhiêu khê nữa kìa.

Ôi các chị ạ,

Nói thật, đây không phải là lần đầu tiên tôi đọc được những lời than thở kiểu này. Ai chẳng biết giáo dục từ lâu đã không còn là một sự mưu cầu con em mình sẽ được hướng đến một sự nghiệp học hành, dạy dỗ đúng đắn với những người thầy cầm cân nảy mực nghiêm túc chính trực.

Mà phải cái thời nay á, chuyện thầy cô “cầm cân nảy mực” có vẻ cũng lỗi thời rồi, thay vào đó là cầm roi, cầm thước kẻ, cầm chổi thậm chí có thầy cô còn “máu” hơn dùng cả tay không thượng đòn vào mặt học sinh như trailer phim kiếm hiệp bom tấn của Lưu Đức Hoa hay Châu Nhuận Phát khiến ngành giáo dục cũng phải kêu trời suốt mấy năm liền.

Con của cậu tôi, mới 3, 4 tuổi thôi, bình sữa cầm lên uống đôi khi còn sặc, hát nói nhiều từ còn ngọng líu ngọng lô... thế mà đi nhà trẻ đôi khi còn bị cô đánh bầm tím tay dù ở nhà bố mẹ xót đến không dám vỗ mạnh vào mông con.

Đấy là ở nhà trẻ còn dùng máy quay cho phụ huynh đi làm dễ theo dõi đấy nhé. Thế nên sao mà tôi không hiểu nỗi lòng của các chị được: Không tặng quà thì sợ cô đì con mình.

Tặng quà thì lại lo thành một tiền lệ không tốt, cũng chẳng biết đủ điều kiện để đu theo “sự nghiệp tặng quà” cho thầy cô nữa không?

Mà lại có những nhà dư dả của ăn của để, đã tặng là tặng thật đắt tiền để thầy cô “thương xót quan tâm con em nhiều hơn, cháu nó dại lắm ạ...”.

Các chị ạ,

Chắc hẳn nhiều người trong số các chị đây sẽ nhăn mày lè lưỡi mắng tôi là thể loại “sống thực dụng, thứ gì cũng quy ra vật chất, nhìn rừng chỉ thấy cây, thích ăn con sâu làm rầu nồi canh” nên mới phiến diện quy ép quan trọng hóa việc tặng quà cho các thầy cô giáo. Nhưng cũng không thể phủ nhận được đây là một thực trạng có thật đã diễn ra từ rất lâu rồi.

Khi viết bài này, tôi có trao đổi ý kiến mẹ. Mẹ tôi - một người phụ nữ thuộc thế hệ trước đã thủng thẳng nói rằng mỗi thế hệ đều có cách tri ân khác nhau.

Như thế hệ của mẹ tôi, ngày 20/11 là một ngày hội vui thực thụ: Từng tốp học sinh hẹn nhau đi thăm cô từ trước, một món quà nhỏ tự làm, một nhành hoa, một bức tranh... cũng đủ làm thầy cô rất vui.

Nhưng thế hệ này của chúng ta có lẽ hoa hay tranh cũng không còn đủ nữa. Vì xã hội xoay vần, nên chúng ta cũng phải nhảy theo nhịp của xã hội - tặng quà có tính thực dụng cao, mang nặng tính vật chất cho thầy cô vì những nỗi lo riêng có thật ở trong lòng.

Nhưng tôi cũng tin rằng, nỗi lo ấy cũng chỉ dành cho vài cá nhân riêng lẻ. Vì đọc báo đâu đó vẫn thấy những nhà giáo không những tận tụy trên giảng đường ngoài giờ còn sẵn sàng quăng mẻ lưới bắt thêm cá bồi dưỡng cho đám trẻ học sinh vùng cao, hay tình nguyện ra đảo xa phục vụ giáo dục đứng lớp cho lớp học chỉ hơn chục đứa.

Nói đi thì phải nói lại, nhà giáo vốn không phải là một công việc đơn giản. Mà trẻ em ở độ tuổi nào cũng thế, chúng nhạy cảm, mong manh và luôn muốn được chú ý quan tâm đặc biệt.

Cái nghề nhà giáo ấy cũng vậy - nhạy cảm, mong manh và luôn phải đặc biệt chú ý đến lũ học trò vụng dại tồ tệch ấy. Người ôm lấy những nỗi niềm của tuổi dại khờ lại càng là người phải chịu nhiều tâm sự không tên nhất.

Nhiều khi chính chúng ta - những phụ huynh đầu tắt mặt tối hùng hục quần quật với cơm áo gạo tiền, lên mạng thì đọc toàn những tin giáo viên tiêu cực nên vô hình chung lại mất thiện cảm với nghề giáo chúng ta hằng ngưỡng vọng lúc nào không hay, mà quên mất đây là những người dìu dắt, vỗ về và khuyến khích hướng thiện cho con em mình những khi “rời xa vòng tay gia đình là bão tố”... để lại vô tình làm tổn thương họ bằng suy nghĩ “Ai cũng như ai, cứ nhồi quà cho thật đậm tay là xong”.

Có những thầy cô giáo đầy lòng tự trọng tự hào với nghề mình làm, tự tôn vinh bản thân mình bằng năng lực và phẩm chất đáng quý. Tiền bạc đến đối với họ chỉ càng làm mất đi cái giá trị đáng phải giữ.

Không ai có thể trả lời cho câu hỏi này: Nên tặng quà hay không nên. Xã hội này vốn đa dạng và con người cũng phải học cách thích nghi theo từng thay đổi của nhịp sống.

Thôi thì chúng ta cũng đừng buồn hay chạnh lòng quá đỗi. Chỉ cần nhớ lại rằng trong đời ai cũng đã từng được học qua những thầy cô giáo tâm huyết với nghề, thương trò như con ruột thì lại có thể thở trút một hơi, tiếp tục sống và “tin ở hoa hồng”.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Theo trithuctre