Gần 1.200 giáo viên bị nợ lương 3 tháng ở Hải Dương bây giờ ra sao?

Lương và phụ cấp của hơn 1.000 giáo viên hợp đồng tại các cơ sở giáo dục, phổ thông công lập được tính hết tháng 5/2018, còn sang năm học tiếp theo thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Như Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin, tại Hải Dương năm 2017 xảy ra sự việc gần 1.200 giáo viên ở các cấp học bị nợ lương 3 tháng. Thậm chí, khi có phương án thanh toán tạm thời thì số giáo viên này không biết đi đâu về đâu trong năm 2018.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh lý giải, do đầu năm mới tỉnh giao chỉ tiêu cho các trường thì không có biến động về số lượng học sinh, số lớp. Tuy nhiên, vào năm học mới, tức là từ tháng 9, khi các trường bước vào khai giảng năm học thì số lượng học sinh sẽ biến động, tăng lên. Vì vậy dẫn đến tăng số lượng học sinh, thêm phòng học và tuyển thêm giáo viên hợp đồng đứng lớp.

 Số giáo viên không được hưởng lương trong 3 tháng tập trung nhiều nhất vào bậc học mầm non. Ảnh: Đ.Tùy

Số giáo viên không được hưởng lương trong 3 tháng tập trung nhiều nhất vào bậc học mầm non. Ảnh: Đ.Tùy

Năm học 2017 – 2018, tỉnh Hải Dương tăng 423 lớp học (trong đó tiểu học tăng 222 lớp, mầm non tăng hơn 100 lớp học). Khi lớp học tăng lên, các cơ sở giáo dục phải ký hợp đồng lao động với giáo viên nếu không sẽ không hoàn thành nhiệm vụ.

Trong khi đó, Sở nội vụ tỉnh thông tin, khi thực hiện Thông tư 39 của Bộ Tài chính về chế độ kiểm soát thanh toán các khoản chi, khi thanh toán tiền lương các đơn vị phải xuất trình quyết định giao chỉ tiêu biên chế.

Theo thông tư này, đơn vị nào ký hợp đồng với lao động vượt chỉ tiêu biên chế được giao thì Kho bạc Nhà nước tỉnh không thanh toán số tiền lương với lao động ký hợp đồng vượt biên chế đó.

 Việc hơn 1.000 giáo viên được trả lương sau 3 tháng chỉ là phương án tạm thời. Ảnh: Đ.Tùy

Việc hơn 1.000 giáo viên được trả lương sau 3 tháng chỉ là phương án tạm thời. Ảnh: Đ.Tùy

Chỉ tính trong năm học này, tỉnh Hải Dương giao tổng chỉ tiêu cho ngành giáo dục là 21.737, nhưng tổng số giáo viên sử dụng thực tế tại các cơ sở giáo dục công lập là 23.817 người (trong đó có 19.344 biên chế), vượt 2.080 lao động hợp đồng so với chỉ tiêu tỉnh giao.

Để giải quyết tình trạng này, tại kỳ họp thứ 5, khóa XVI HĐND tỉnh Hải Dương (từ ngày 11-13/12), nhiều đại biểu đã chấp vấn và buộc các ngành liên quan vào cuộc. Do đó, ngày 7/12/2017, UBND tỉnh ban có văn bản số 3707 cho phép thanh toán các khoản lương, phụ cấp cho giáo viên ký hợp đồng vượt chỉ tiêu tại các cơ sở mầm non, phổ thông công lập đến hết năm 2017.

Tuy nhiên, với văn bản trên chỉ là phương án tạm thời của năm 2017, còn các năm tiếp theo cũng như việc gần 1.200 giáo viên hợp đồng có được ký tiếp hay không lại là bài toán khó. Bởi lẽ, nếu ký tiếp thì sẽ sai luật, còn không thì tỉnh Hải Dương đối mặt vơi nguy cơ thiếu giáo viên đứng lớp.

 Công văn của UBND tỉnh Hải Dương gia hạn cho giáo viên hợp đồng ngoài biên chế. Ảnh: Đ.Tùy

Công văn của UBND tỉnh Hải Dương gia hạn cho giáo viên hợp đồng ngoài biên chế. Ảnh: Đ.Tùy

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội vào chiều nay (8/2), bà Nguyễn Thị Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cho biết: “UBND tỉnh vừa ban hành công văn số 282/UBND - VP về việc gia hạn thực hiện công văn số 370/UBND - VP ngày 07/12/2017 của UBND tỉnh Hải Dương tính đến hết năm học này".

Theo công văn 282 mới ban hành của tỉnh thì lương và phụ cấp của hơn 1.000 giáo viên hợp đồng tại các cơ sở giáo dục, phổ thông công lập được tính hết tháng 5/2018 (tức hết năm học 2017 – 2018). Còn sang năm học tiếp theo 2018 - 2019 thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Bà Tiến cho rằng, việc tỉnh Hải Dương ban hành công văn 282 là sự kịp thời đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của giáo viên thuộc diện trên. Đây cũng là sự quan tâm của các ngành, của tỉnh đối với giáo dục và thấu hiểu sự vất vả khó khăn hiện tại của những giáo viên hợp đồng vượt chỉ tiêu.

 Việc trong năm học mới 2018 - 2019, hơn 1.000 giáo viên hợp đồng tỉnh Hải Dương  có đươc tiếp tục trả lương hay không thì vẫn bỏ ngỏ. Ảnh: Đ.Tùy

Việc trong năm học mới 2018 - 2019, hơn 1.000 giáo viên hợp đồng tỉnh Hải Dương

có đươc tiếp tục trả lương hay không thì vẫn bỏ ngỏ. Ảnh: Đ.Tùy

"Trong lúc gia hạn công văn 370 của tỉnh cũng để các cơ sở giáo dục xếp lại theo đê án tinh giản. Thậm chí,sẽ có nhiều cơ sở giáo dục tư thực mở ra để đáp ứng yêu cầu học của học sinh và phụ huynh", Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh tâm sự.

Cho đến thời điểm hiện tại khi Tết Mâu Tuất đang cận kề, việc hơn 1.000 giáo viên được trả lương đến hết tháng 5/2018 là tín hiệu vui, nhưng bài toán năm học tiếp theo sẽ giải quyết như thế nào đối với số lượng giáo viên hợp đồng ngoài biên chế này lại là vấn đề khó.

Dẫu sao, Tết này gần 1.200 giáo viên hợp đồng của tỉnh Hải Dương vẫn có lương và niềm vui ấy vẫn chưa trọn vẹn…

Đức Tùy

Theo GiaDinh