Giá lợn (heo) hôm nay 13.12: Bộ Nông nghiệp dự báo giá giảm sâu đến nửa năm 2018

Đó là đánh giá của ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khi trao đổi với Dân Việt về giá cả thị trường thịt lợn và dự báo nguồn cung sản phẩm chăn nuôi dịp tết Nguyên Đán.

Đánh giá về ngành chăn nuôi trong năm qua, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, nhìn chung chăn nuôi trong năm 2017 vẫn phát triển theo đúng nhịp độ, ngành chăn nuôi gia cầm, ngành trứng, bò sữa, bò thịt vẫn tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên ngành hàng thịt lợn không đạt được kết quả như mong muốn. Ngành thịt lợn có sức sản xuất rất cao, tuy nhiên khả năng hấp thụ của thị trường có hạn nên không đẩy giá tiêu thụ thịt lợn lên, khiến cho ngành thịt lợn gặp nhiều khó khăn.

Giá lợn (heo) hôm nay 13.12: Bộ Nông nghiệp dự báo giá giảm sâu đến nửa năm 2018

Theo ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, khả năng giá lợn hơi hôm nay và thời gian tới vẫn sẽ giảm sâu, thậm chí giá lợn hơi có thể giảm đến nửa đầu của năm 2018. Ảnh: IT

Đến thời điểm này theo ông Dương: “Mặt hàng thịt lợn chưa có sự khởi sắc, giá cả vẫn xuống sâu và giữ tương đối lâu, giá thịt lợn giảm sâu có thể kéo dài đến nửa đầu của năm 2018, điều này khiến chúng tôi băn khoăn thực sự”.

Đề cập đến nguồn cung và giá cả các sản phẩm chăn nuôi dịp tết Nguyên Đán, ông Dương nhận định: “Ngoài khó khăn riêng của những người chăn nuôi lợn, năm nay các sản phẩm chăn nuôi cơ bản đáp ứng thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước trong năm qua. Người tiêu dùng đều được sử dụng sản phẩm thịt lợn giá rẻ, chất lượng tốt. Đặc biệt dịp tết Nguyên Đán này sản phẩm chăn nuôi rất dồi dào, chúng ta không sợ khủng hoảng thiếu như các năm trước. Tôi cho rằng đây là mặt tích cực của ngành chăn nuôi trong năm 2017".

Trả lời câu hỏi làm thế nào để “xốc” lại giá thịt lợn để người chăn nuôi không rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài, ông Dương cho biết, tham gia chuỗi liên kết là một trong những vấn đề cấp bách người chăn nuôi cần làm ngay. Bộ NN&PTNT xác định rõ tầm quan trọng, vai trò của liên kết, chuỗi liên kết giá trị trong nông sản nói chung, đặc biệt đối với ngành chăn nuôi vì tính hàng hóa của ngành chăn nuôi rất rõ, nhất là ngành thịt lợn.

Nếu chúng ta không tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết, khủng hoảng đối với ngành lợn sẽ tiếp tục kéo dài. Hiện nay chúng ta rất khó kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta rất khó kiểm soát cung cầu và nếu cả hai vấn đề đó chúng ta không kiểm soát được thì ngành chăn nuôi khó phát triển bền vững, và như vậy giá lợn hơi (giá heo hơi) sẽ khó tăng lên được. 

“Muốn phát triển bền vững, người sản xuất phải có lợi nhuận. Tham gia chuỗi liên kết, người chăn nuôi sẽ không đơn độc, nếu họ đều có lợi nhuận thì chuỗi đó phát triển theo thời gian. Họ cùng có trách nhiệm chia sẻ và giải quyết vấn đề môi trường, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và vấn đề thị trường. Chuỗi liên kết là giải pháp có tính chất then chốt để cho chăn nuôi phát triển bền vững trong thời gian tới, đấy cũng là nội dung quan trọng của tái cơ cấu trong phát triển chăn nuôi của năm 2018 và những năm sau” – ông Dương khẳng định.

Đầu năm 2018, Bộ trưởng sẽ chủ trì tổng kết 10 năm đánh giá chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, trong đó sẽ tìm ra các giải pháp để thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững và hội nhập. Ngành chăn nuôi chắc chắn sẽ hội nhập trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiêp. Tổ chức lại ngành chăn nuôi là giải pháp then chốt trong tái cơ cấu để chúng ta đạt được mục tiêu đề ra.

Ông Dương khẳng định: “Trong chuỗi liên kết doanh nghiệp (DN) có vai trò trung tâm, chủ chốt, rồi đến hợp tác xã, người chăn nuôi, ngân hàng, hiệp hội, còn nhà nước tham gia với vai trò kiến tạo. DN là người phát hiện ra tín hiệu của thị trường, từ đó tổ chức và dẫn dắt người chăn nuôi làm theo. Các dự án đầu tư vào nông nghiệp, vào chăn nuôi được khuyến khích tạo điều kiện hết sức khi có tổ chức chuỗi liên kết, có nông dân tham gia và ký kết lâu dài với nông dân trong 3 năm.

“Sự hỗ trợ của nhà nước về tín dụng, khuyến nông, đào tạo cũng sẽ thay đổi, thay vì hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi, nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho DN, từ đó DN sẽ làm việc trực tiếp với các hộ lớn, HTX làm trực tiếp với các hộ nhỏ.

Sản phẩm sẽ được HTX đưa ra thị trường, hoặc đưa sản phẩm cho DN, DN sẽ tổ chức giết mổ chế biến và đưa sản phẩm ra nhiều phân khúc thị trường, thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu. Làm như thế, ngành chăn nuôi mới giải quyết được những tồn tại, tránh được những vấn đề tương tự như ngành chăn nuôi lợn trong năm qua” – ông Nguyễn Xuân Dương cho biết.

Theo danviet