'Giải cứu' nông sản Việt khỏi nghi ngờ 'không an toàn'

Các chuyên gia cho biết, cần tìm ra phương án giúp Nông sản trong nước thoát khỏi vòng nghi ngờ về vệ sinh an toàn thực phẩm tồn tại bấy lâu nay.

Nông sản trong nước bị nghi ngờ về vệ sinh an toàn thực phẩm

Mới đây, trong cuộc hội thảo về nông nghiệp sạch diễn ra tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nông sản Việt Nam đang chịu sức ép rất lớn cả thị trường trong nước lẫn quốc tế. Thị trường ngoài nước sự lép vế rất rõ rệt vì chịu ảnh hưởng của những nước lớn cả về chất lượng, công nghệ lẫn tiếp thị.

Theo bà Lan, vấn đề lớn nhất của nông sản Việt Nam là không có thương hiệu do Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng thô mà không có thương hiệu thì rất khó có thể phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Trong nước, nông sản Việt Nam đang phát triển theo hướng tích cực hơn. Đây cũng là thị trường tiêu thụ chính cho nông sản nước ta. Tuy nhiên, khách hàng trong nước ngày càng hiện đại, khó tính hơn. Vậy vấn đề ở đây chính là chất lượng phải được nâng cao.

“Nông sản trong nước vẫn đang bị đặt trong vòng nghi ngờ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể nông sản ngon đấy, thơm đấy nhưng mà không sạch thì không ai dám mua.

Bên cạnh đó, những sản phẩm nhập từ nước ngoài với nguồn gốc rất mập mờ bị đánh tráo là nông sản Việt khiến người tiêu dùng rất e ngại khi nhắc tới tên gọi nông sản Việt. Qua đó để thấy rằng, nông sản Việt đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề từ chất lượng cho tới thị trường” – Bà Lan chia sẻ.

'Giải cứu' nông sản Việt khỏi nghi ngờ 'không an toàn'

Nông sản trong nước vẫn đang bị đặt trong vòng nghi ngờ về vệ sinh an toàn thực phẩm

Đồng quan điểm, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết hiện nay có thể để tham gia vào việc sản xuất nông sản sạch thì nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là đất đai manh mún, hiểu chưa thấu đáo về pháp luật.

“Ví dụ như hiểu nhầm về VietGAP, tham gia vào hệ thống chất lượng này theo hướng khuyến khích chứ không hề bắt buộc. Nhưng nông dân lại luôn nghĩ là mang mác VietGAP thì mới có người mua.

Nhưng then chốt ở đây là làm sao hướng dẫn nông dân sản xuất nông sản theo một quy trình sạch đúng tiêu chuẩn, chứ không phải chạy theo nhãn mác. Kĩ thuật công nghệ cũng là một trong những cái khó của nông dân, vì nhiều thứ quá mới mẻ và phức tạp. E ngại về đầu ra sản phẩm cũng là khó khăn về tâm lí mà hầu như nông dân nào cũng mắc phải” – Bà Hạnh nhấn mạnh.

Hợp tác 4 nhà là cần thiết, doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi tiêu thụ

Trong thời mở cửa và hội nhập, yêu cầu cơ bản để nông sản có sức cạnh tranh là sản phẩm phải sạch, ngon, số lượng lớn, giá rẻ và có chiến lược thị trường tốt. Cái gốc rễ của vấn đề là từ khâu quy hoạch, nơi nào trồng cây gì cho phù hợp, ai đảm trách cung ứng giống tốt, liên kết và hỗ trợ nhau giữa nông dân và doanh nghiệp như thế nào? Vì vậy trong sản xuất nông nghiệp hiện nay rất cần sự “Liên kết 4 nhà” gồm: Nhà nông - nhà nước - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề trên, chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết, Hợp tác 4 nhà là vô cùng cần thiết cho sự phát triển của nông sản Việt. Tuy nhiên, chúng ta đề ra cơ chế hợp tác này đến 10 năm rồi nhưng vẫn chưa thể thực hiện triệt để được vì một số lí do. Trong đó, nắm vai trò chủ chốt và quan trọng nhất là nhà doanh nghiệp. Bởi không ai hiểu thị trường được bằng doanh nghiệp. Đã làm ăn chuyên nghiệp, đưa sản phẩm ra thị trường thì doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hóa mới có thể trụ vững được.

Vì vậy, doanh nghiệp phải học từng ngày, học để hiểu thị trường, hiểu nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao hơn nữa. Một khi hiểu rõ thị trường, doanh nghiệp mới có thể quay lại hướng dẫn nông dân sản xuất đúng chuẩn. Nếu không có doanh nghiệp làm cầu nối thì nông dân bơ vơ vô cùng, bơ vơ trong sản xuất, bơ vơ trong tiêu thụ. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đảm nhận vai trò giám sát chất lượng sản phẩm nữa.

Tất nhiên ngoài doanh nghiệp thì 3 nhà khác đều đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi tiêu thụ. Nông dân là người trực tiếp sản xuất thì phải “biết mình, biết người” để tiết chế những nguyên tắc về sản xuất sản phẩm cũng như tôn trọng hợp đồng với doanh nghiệp.

Còn Nhà nước rõ ràng cần đóng vai một người trọng tài công tâm về tất cả các khâu. Các nhà khoa học công nghệ thì cần tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp để tạo nên mối liên hệ khép kín về đầu tư khoa học công nghệ. Gần đây, những nhà đầu tư lớn như VinEco đầu tư vào nông sản thì tôi tin sự liên kết 4 nhà sẽ có một bước phát triển mới, tốt đẹp hơn, thành công hơn.

Theo các chuyên gia, một trong những doanh nghiệp đi đầu trong vấn đề này là VinEco, 250 hợp tác xã và hộ sản xuất đầu tiên thuộc các lĩnh vực Rau, Nấm, Gạo, Trái cây đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty VinEco theo khuôn khổ của Dự án liên kết 1,000 Hộ sản xuất.

'Giải cứu' nông sản Việt khỏi nghi ngờ 'không an toàn'

VinEco là vừa là người sản xuất, vừa là người kết nối để đưa sản phẩm ra thị trường

Theo Hợp đồng được ký kết, VinEco đã và sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình hướng dẫn các hộ sản xuất có nhu cầu về quy trình sản xuất rau an toàn; Thu mua tiêu thụ sản phẩm; Hướng dẫn và hỗ trợ thủ tục chứng nhận VietGap và Hỗ trợ tài chính. Với việc kiểm soát khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị, Chương trình sẽ cắt giảm được tối đa các khâu trung gian, tập trung nâng cao chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường.

Bà Vũ Tuyết Hằng, Tổng Giám đốc Cty VinEco nói: “Vai trò của VinEco là vừa là người sản xuất, vừa là người kết nối để đưa sản phẩm ra thị trường. Cái lợi thế của chúng tôi là chúng tôi có đầu ra thông qua các hệ thống siêu thị có sẵn, do đó khi nông dân làm việc với VinEco thì sẽ được cam kết về tiêu thụ sản phẩm nên nông dân yên tâm với mục đích là tạo ra các sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng”.

"Trước đây, chúng tôi phải cạnh tranh với những nông sản trôi nổi, không có nguồn gốc quả thật rất khó khăn. Sản phẩm của chúng tôi sạch, ngon nhưng thị trường đâu có biết. Nhưng khi tham gia VietGAP, sau này là VinEco thì quả thật chúng tôi được đảm bảo rất tốt về thị trường" - ông Tống Quang Phong, Tổ trưởng tổ hợp tác quýt đường xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, Đồng Tháp cho biết.

Ông Trương Văn Dư, Giám đốc Công ty CP Green Farm, Mộc Châu, Sơn La tâm sự: "Trước đây tôi đã có suy nghĩ về việc chuyên nghiệp hóa sản xuất nông sản, tôi đã thử trồng một vài giống cây cho năng suất cao trong điều kiện tốt, mà cụ thể ở đây là cà chua. Kết quả thu được rất khả quan. Tuy nhiên, về thị trường tiêu thụ rất khó khăn. Nhưng từ khi kết hợp với VinEco thì sản phẩm của tôi được tiếp cận với một nguồn thị trường rộng lớn và rất thích hợp với sản phẩm".

Theo Vietq