Giải mã tin đồn gây ung thư: Hộp sữa chua, bình nước tinh khiết có an toàn không?

Các chuyên gia khuyên mọi người hãy hạn chế sử dụng đồ nhựa để đựng thực phẩm nóng. Nên dùng các dụng cụ kim loại hoặc thủy tinh nếu được.

LTS: Ở kỳ này, chúng tôi xin tiếp tục cung cấp thông tin về những loại nhựa được dùng làm bao bì đang lưu hành trên thị trường của Ths Nguyễn Cao Luân - thành viên nhóm truyền thông phi lợi nhuận Ruy Băng Tím về phòng chống ung thư.

4. Low Density Polyethylene

Low Density Polyethylene (LDPE), cũng tương tự như HDPE, cũng là loại nhựa hầu như trơ về mặt hóa học, nhưng kém bền vật lý hơn HDPE một chút, có thể chịu được 95oC trong thời gian ngắn, hoặc 80oC trong thời gian dài.

Do tính bền vật lý và hóa học, LDPE thường được dùng để chế tạo các chai lọ đựng hóa chất, găng tay nylon, túi nylon…

Giải mã tin đồn gây ung thư: Hộp sữa chua, bình nước tinh khiết có an toàn không?

Một số sản phẩm nhựa LDPE thường gặp.

Ghi nhớ:

• Để sử dụng hàng ngày, nếu không gặp nhiệt độ cao thì LDPE cũng là một lựa chọn tốt. Nhưng vì khả năng chịu lực vật lý kém, nó dễ bị trầy xước, gãy vỡ hơn HDPE, nên được khuyến cáo là chỉ nên dùng trong thời gian ngắn rồi thay thế nếu thấy có dấu hiệu biến dạng vật lý.

5. Polypropylene

Polypropylene (PP) là loại nhựa có cấu trúc gần tương tự như 2 loại nhựa PE (LDPE và HDPE), tính bền vật lý và trơ hóa học cũng tương tự. PP loại kém bền nhất có nhiệt độ nóng chảy khoảng 130oC. Do đó, cũng chỉ thích hợp để đựng các thực phẩm nóng đến khoảng 110 – 120oC.

Các sản phẩm nhựa PP thường được tìm thấy là các hộp chuyên đựng thực phẩm, bàn ghế nhựa, một số loại bao nylon, ly nhựa, dao nhựa, muỗng (thìa) nhựa…

Giải mã tin đồn gây ung thư: Hộp sữa chua, bình nước tinh khiết có an toàn không?

Một số sản phẩm gia dụng từ nhựa PP

Ghi nhớ:

Đây là loại nhựa có thể dùng an toàn hàng ngày, theo kiến thức của thế giới cho đến nay. Các lời khuyên về sử dụng nhựa PP cũng tương tự như nhựa HDPE.

6. Polystyrene

Polystyrene (PS) là loại nhựa rất phổ biến, có thể ở dạng cứng (hộp đĩa CD, dao cạo râu) hoặc dạng xốp. Dạng xốp của nó còn được gọi là Styrofoam.

PS được dùng nhiều trong công nghiệp đóng gói và đựng thực phẩm như chén, đĩa, dao thìa (muỗng) nhựa, hộp xốp (hộp cơm, hộp xôi), khay đựng thịt, hộp cứng đựng thức ăn (hộp sữa chua)…

Giải mã tin đồn gây ung thư: Hộp sữa chua, bình nước tinh khiết có an toàn không?

Một số sản phẩm thông dụng từ PS

Lưu ý: Rất nhiều sản phẩm dễ nhầm lẫn giữa nhựa PS và nhựa PP, như ly nhựa, dao muỗng (thìa) nhựa… Mọi người cần lưu ý để phân biệt. Một cách gần đúng là các sản phẩm từ PS thường đục, còn các sản phẩm từ PP thường trong suốt.

Đây cũng chính là loại nhựa làm nên các miếng xốp dùng để chèn vào thùng chứa các vật dễ hư vỡ do va đập, và là loại nhựa bị "ăn mòn" trong vụ dầu cá năm ngoái (thực chất hiện tượng là hòa tan).

PS từ lâu đã bị nghi ngờ là không tốt khi sử dụng cho đóng gói thực phẩm, một phần do tính kém bền vật lý và hóa học của nó. Các vấn đề về PS gần đây lại được đưa ra lại vì WHO từ năm 2002 đã nâng mức cảnh báo của styrene, một trong những thành phần dễ bị thôi nhiễm ra nhất từ PS, lên nhóm có thể gây ung thư cho người.

Trong khi đó, không chỉ styrene mà một số hợp chất thơm cũng được tìm thấy trong nước nóng đựng trong chai nhựa PS, tuy nhiên nghiên cứu này không chỉ ra được lượng thôi nhiễm đó có ở mức nguy hiểm hay không.

Đến nay, số lượng các nghiên cứu về vấn đề này vẫn còn hạn chế, và chưa thật sự nêu bật được mối nguy hại của PS.

Ghi nhớ:

Hạn chế tối đa việc dùng hộp xốp, ly, chén bát, muỗng (thìa) bằng nhựa PS để đựng thực phẩm, nhất là thực phẩm nóng.

7. Nhựa khác

Các loại nhựa khác 6 loại trên đều được gắn mác số 7. Trong đó, nhựa Polycarbonate là đáng quan tâm nhất. Đây là loại nhựa thường được dùng để làm thùng đựng nước (nhất là loại thùng 20 lít), vỏ vali, ốp lưng điện thoại, vỏ hộp CD, tôn nhựa…

Giải mã tin đồn gây ung thư: Hộp sữa chua, bình nước tinh khiết có an toàn không?

Sản phẩm thông dụng từ nhựa Polycarbonate

Theo một nghiên cứu năm 2011, bisphenol A- một thành phần của loại nhựa này là loại giả nội tiết tố thôi nhiễm ra nhiều nhất trong nước đựng trong nhựa polycarbonate. Tuy nhiên tất cả các loại nội tiết tố thôi nhiễm này đều nằm trong mức an toàn cho đường uống.

Ngoài ra, polycarbonate cũng được dùng làm nhiều sản phẩm cho trẻ nhỏ, trong đó có bình sữa. Các nghiên cứu đến giờ vẫn cho thấy mặc dù có thôi nhiễm bisphenol A, ngay cả ở điều kiện nhiệt độ cao như trong lò vi sóng thì hàm lượng bisphenol A thôi nhiễm cũng nằm trong mức an toàn theo tiêu chuẩn Mỹ.

Do đó, mặc dù loại nhựa này bị nhiều nơi cảnh báo, thậm chí kêu gọi bài trừ, nhưng các nghiên cứu đến giờ chưa cho thấy bằng chứng.

Thế nhưng vì mác số 7 chỉ nói lên được đấy là loại nhựa khác, nên cũng không thể chắc chắn đâu là nhựa polycarbonate, đâu không phải. Cho nên, mọi người, nhất là các bậc phụ huynh có con nhỏ, nên cẩn thận khi chọn bình sữa cho con mình.

Tốt nhất vẫn là cho bú mẹ, vì nhiều tài liệu khoa học đã chứng minh rằng sữa mẹ giúp trẻ giảm nguy cơ nhiều loại ung thư, đồng thời cũng giúp mẹ giảm nguy cơ ung thư vú, loại ung thư số 1 ở phụ nữ.

Ghi nhớ:

Đến nay, chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy mối liên hệ giữa sử dụng đồ nhựa và ung thư. Các vấn đề được quan tâm chủ yếu là khả năng thôi nhiễm các chất giả nội tiết tố vào thực phẩm.

Trong các loại nhựa, ưu tiên chọn nhựa an toàn cho đựng thực phẩm là: HDPE (số 2), PP (số 5), LDPE (số 4), PET (số 1). Còn lại các loại nhựa PS (số 6), PVC (số 3), nhựa khác (số 7) không nên đựng thực phẩm nóng.

Với thực phẩm nguội và nước uống, chưa thấy có sự khác biệt lớn giữa các loại nhựa này.

Nên chọn loại nhựa nào?

Tuy nhiên, cũng xin lưu ý rằng nhựa không phải là ưu tiên số một khi chọn dụng cụ đựng thực phẩm. Như đã nói ở phần 2, một báo cáo năm 2011 đã chỉ ra rằng, hầu hết các sản phẩm nhựa đều sẽ sinh chất giả nội tiết tố khi gặp nhiệt độ cao, chỉ khác nhau ở hàm lượng. Mặc dù vậy, như đã phân tích ở trên, hàm lượng các chất này đều nhỏ hơn mức an toàn.

Nhưng, xin nhớ cho, đó là các thí nghiệm với sản phẩm nhựa được làm từ các nước phương Tây. Chúng tôi không thể đảm bảo các kết quả trên có thể được lặp lại đối với các sản phẩm nhựa ở Việt Nam. Do đó, các chuyên gia khuyên mọi người hãy hạn chế sử dụng đồ nhựa để đựng thực phẩm nóng. Nên dùng các dụng cụ kim loại hoặc thủy tinh nếu được.

Nếu chỉ xét về mặt lý thuyết, nhựa - dù là loại gì, thì cũng vẫn có khả năng thôi nhiễm ít nhiều qua thời gian. Nếu phải thường xuyên tiếp xúc với các điều kiện khắc nghiệt (nắng mặt trời trực tiếp, nhiệt độ cao, cào xước nhiều…) thì khả năng này càng tăng. Cho nên, nếu được, nên dùng các loại vật chứa bền vật lý và ít nguy cơ thôi nhiễm hơn như thuỷ tinh, sành sứ.

Xin nhắc lại, lo ngại này của chúng tôi chỉ là về mặt lý thuyết. Tác động lên con người chắc chắn là có, nhưng tác động đó có đáng kể, đáng lo ngại hay không, chúng tôi hiện thời không có bằng chứng khoa học về việc này.

Nếu bạn vẫn muốn dùng nhựa để đựng các thực phẩm trên, hoặc lo ngại các sản phẩm đang sử dụng có an toàn không, thì bạn có thể xem chúng có đang được đựng trong nhựa PP hay PE không. Nhựa PP và PE vẫn vẫn là ưu tiên nhất về độ an toàn, vì khả năng thôi nhiễm cũng như mức độ độc hại của chất có thể thôi nhiễm là nhỏ nhất trong các loại nhựa trong bài.

Theo Ttvn