'Grab vốn 20 tỷ mà 3 năm lỗ 938 tỷ đồng, cũng có thể là trốn thuế'

Đại biểu Phạm Văn Hòa đoàn Đồng Tháp, cho rằng cần làm minh bạch các khoản nộp thuế của các doanh nghiệp để đảm bảo tính cạnh tranh.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 16/11, vấn đề chuyển giá, trốn thuế được rất nhiều đại biểu đặt câu hỏi với người đứng đầu Bộ Tài chính.

Nhiều đại biểu cho rằng chính sách thuế hiện nay đang thiếu tính minh bạch, khiến nhiều doanh nghiệp lợi dụng để tránh thuế, trốn thuế, dẫn tới giảm nguồn thu ngân sách.

Đặt nghi vấn về việc có hay không sự thông đồng giữa người nộp thuế với cán bộ thuế để giảm, trốn thuế. Đại biểu đoàn Đồng Tháp, ông Phạm Văn Hòa cho biết thời gian qua cơ quan thuế có rất nhiều cố gắng trong việc cải cách. Các khoản nợ thuế cũng được khắc phục theo từng năm, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập gây bức xúc, như thông đồng giữa người nộp thuế với cán bộ thuế, nhằm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn trả lại.

Tình trạng này khiến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trở nên tiêu cực, mất cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành.

Lấy ví dụ về trường hợp này, ông Hòa chia sẻ như Grab vốn điều lệ 20 tỷ nhưng sau 3 năm báo lỗ 938 tỷ đồng. Báo lỗ cũng có thể là trốn thuế.

'Grab vốn 20 tỷ mà 3 năm lỗ 938 tỷ đồng, cũng có thể là trốn thuế'
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thủ tục thuế với hộ kinh doanh hiện nay là thuế khoán có hội đồng thuế xã, phường, do Chủ tịch UBND xã, phường là Chủ tịch. Cơ quan thuế thực hiện phát tờ khai cho các hộ đăng ký kê khai.

"Hộ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ phải nộp thuế TNDN, còn dưới 100 triệu đồng thì chưa phải nộp", Bộ trưởng cho biết.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng cho biết trong quá trình làm, mức khoán sẽ được công khai ở trụ sở xã, phường và trang web cơ quan thuế. Tuy nhiên, quá trình làm không loại trừ thông đồng giữa cán bộ thuế và các hộ kinh doanh hạ mức khoán để ăn chia.

"Đó là một thực tế. Thời gian qua Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực thi công vụ cấp dưới. Nhiều cơ sở kinh doanh đã phải tăng mức khoán điều chỉnh trong năm và năm sau", Bộ trưởng chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định cần minh bạch hơn về vấn đề này, để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

'Grab vốn 20 tỷ mà 3 năm lỗ 938 tỷ đồng, cũng có thể là trốn thuế'
Cả Grab và Uber đều đang lỗ tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Về câu hỏi của đại biểu đoàn Đồng Tháp liên quan đến việc kiểm soát thuế đối với Uber, Grab, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói Luật quản lý thuế đang được hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền.

Trong thời gian qua, Uber, Grab cũng đã tự động kê khai doanh thu, kê khai thuế. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra cũng đã phát hiện ra và truy thu được số thuế của hai đơn vị này. 

Không chỉ thế, việc thu thuế của hoạt động thương mại điện tử trên Google cũng được thực hiện. Ngành thuế đã kê khai và phối hợp với các cơ quan, nhà mạng, bộ TTTT, để thu thuế kinh doanh trên mạng, kể cả kinh doanh trên Facebook.

Trước đó, cuối tháng 10, trong một cuộc họp báo, ông Đặng Duy Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Tổng cục Thuế cho biết cơ quan thuế đã hoàn thành kết luận thanh tra hoạt động chấp hành nghĩa vụ thuế của Grab và Uber.

Theo đó, Grab hoạt động kinh doanh ở Việt Nam từ tháng 2/2014, có vốn pháp định 20 tỷ đồng nhưng hiện tại đã lỗ lũy kế hơn 938 tỷ đồng. Số liệu báo cáo của Grab cho biết tổng doanh thu trong 3 năm từ 2014 đến 2016 là 1.755 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thuế đơn vị này đã kê khai nộp chỉ là 9,5 tỷ đồng.

Qua hoạt động thanh tra, Cục thuế TP.HCM đã xử lý thêm gần 3 tỷ đồng, trong đó có 2,3 tỷ đồng là truy thu thuế.

Đối với Uber, Cục thuế TP.HCM báo cáo tổng doanh thu của Uber từ năm 2014 đến hết tháng 6 năm nay đạt 2.706 tỷ đồng, số thuế công ty này đã nộp là gần 77 tỷ đồng. Qua quá trình thanh tra, cơ quan thuế đã xử lý tăng thu 66 tỷ đồng. Số truy thu này là do Uber hiểu sai công văn 1882 của Bộ Tài chính về chính sách thuế TNDN.

Theo zing