Hoa quả to lạ có phải là thực phẩm biến đổi gen?

Theo chuyên gia, có những thứ hoa quả to lạ trên thị trường không phải là thực phẩm biến đổi gen, mà do các nhà khoa học chọn lọc giống mà có. Không nên cái gì lạ, để lâu không hỏng cũng quy cho thực phẩm biến đổi gen.

Cần có thời gian mới biết rõ về cây trồng biến đổi gen

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, phải mất hàng nghìn năm trong thiên nhiên mới có thể xảy ra việc biến đổi gen. Nhưng qua công nghệ sinh học có thể thực hiện việc biến đổi gen trong thời gian ngắn.

Hoa quả to lạ có phải là thực phẩm biến đổi gen?

Ảnh minh họa.

Cây trồng biến đổi gen, giảm thuốc trừ sâu bằng công nghệ sinh học hiện đại có ích và hợp lý sẽ làm tăng đa dạng sinh học và bảo đảm môi trường. Cây trồng tự nó biến đổi gen chứ không làm ảnh hưởng và biến đổi theo người. Ở các nước đông dân cần thực phẩm biến đổi gen để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế qua tác động của công nghệ sinh học.

Để tạo thực phẩm biến đổi gen cần chọn sinh vật cho gen và sinh vật nhận gen không có tiền sử gây hại cho con người, môi trường và vật nuôi. Phải chọn phương pháp truyền gen an toàn, bền vững và không có tác dụng phụ. Đáng tiếc là việc nghiên cứu và đưa thực phẩm biến đổi gen vào sản xuất ở Việt Nam chậm, và người tiêu dùng e ngại.

Hiện nay đã có 27 nước trên thế giới dùng thực phẩm biến đổi gen, và rất nhiều dân nghèo được hưởng lợi. Còn Việt Nam mới có ngô, đậu nành biến đổi gen (GMO) được Bộ NN-PTNT chính thức cho phép làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Thực phẩm), biến đổi gen hiểu nôm na là họ cắt đoạn AND tốt này, nối với một khúc tốt khác để thành cấu trúc gen mới theo ý các nhà khoa học.

Như cây ngô rất cần trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng không chịu được hạn, nhà khoa học đã gây biến đổi gen để ra loại ngô có năng suất cao, chịu được hạn. Chưa thể nói trước được cây trồng biến đổi gen thế nào đối với con người, cần phải có thời gian mới trả lời được.

Hoa quả to lạ có phải là thực phẩm biến đổi gen?

Ảnh minh họa.

Minh bạch thông tin cho người tiêu dùng

Gần đây thông tin người Việt đã và đang ăn, uống gián tiếp lẫn trực tiếp thực phẩm chế biến từ cây trồng GMO nhập khẩu nhiều năm nay, nhưng trên bao bì đều không công bố rõ chúng là sản phẩm biến đổi gen, dẫn đến việc người tiêu dùng mua chúng về tiêu thụ mà hoàn toàn không hay biết. Họ nghi ngại cây trồng biến đổi gen cho động vật ăn thì gián tiếp gây thay đổi gen cho con người.

Ông Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, khái niệm thực phẩm biến đổi gen với đa số người dân vẫn rất xa lạ, thiếu hiểu biết. Hiện nay khoa học trên thế giới vẫn có 2 luồng nghiên cứu trái ngược về thực phẩm biến đổi gen, nhưng chưa có nghiên cứu nào minh chứng rõ cây trồng biến đổi gen tác động thế nào với cơ thể con người lâu dài.

GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, quyền lợi của người dân cần phải được tôn trọng thông qua việc minh bạch thông tin trên báo chí cũng như trên nhãn sản phẩm. Hãy thông tin tuyên truyền về thực phẩm biến đổi gen và quy định bắt buộc dán nhãn lên sản phẩm thực phẩm biến đổi gen để người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn ăn hay không.

Thực phẩm biến đổi gen là tiến bộ lớn của nhân loại, ăn hay không ăn thực phẩm biến đổi gen là tự nguyện của người dân. Cơ quan chức năng và nhà sản xuất cần ghi rõ có dùng “thực phẩm biến đổi gen” lên bao bì, nhãn mác sản phẩm để người dân tự lựa chọn.

Người dân cũng nên biết, có những thứ hoa quả to lạ trên thị trường không phải là thực phẩm biến đổi gen, mà do các nhà khoa học chọn lọc giống mà có. Không nên cái gì lạ, để lâu không hỏng cũng quy cho thực phẩm biến đổi gen.

Chúng ta cũng nên thay đổi thuật ngữ cây trồng biến đổi gen bằng cây trồng công nghệ sinh học - đúng hơn vì nó là tiến bộ, thành tựu lớn của công nghệ sinh học và tránh hiểu nhầm cho người dân, gây khiến người dân rụt rè trong ứng dụng thực phẩm biến đổi gen.

Theo GĐ