Làm sao phân biệt cá tôm tầng đáy gần bờ để... né?

HĐND tỉnh Thừa thiên - Huế họp phiên chất vấn và câu chuyện “hậu Fosmosa” được mổ xẻ sâu: tình hình nước biển hiện nay như thế nào? Các chính sách về hỗ trợ người dân triển khai ra sao? Cá tôm ăn được chưa?

Làm sao phân biệt cá tôm tầng đáy gần bờ để... né?

Ông Phan Văn Thông - giám đốc Sở tài nguyên - môi trường Thừa Thiên - Huế, người phải trả lời

chất vấn nhiều nhất tại kỳ họp HĐND lần này - Ảnh: MINH TỰ

Sáng nay 31-8, HĐND tỉnh Thừa thiên - Huế họp phiên chất vấn, và câu chuyện “hậu Fosmosa” là vấn đề nóng nhất với bốn đại biểu liên tục chất vấn giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường.

Câu hỏi mở đầu phiên chất vấn của đại biểu Nguyễn Chí Quang - bí thư Huyện ủy Phú Lộc - chất vấn UBND tỉnh: cử tri đang cần biết cụ thể tình hình nước biển cụ thể hiện nay như thế nào? Các chính sách về hỗ trợ người dân khắc phục đã triển khai ra sao?

Cá biển ăn được rồi, trừ cá tầng đáy vùng gần bờ (?)

Ông Phan Văn Thông - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, thừa ủy quyền của UBND tỉnh, trả lời rằng tình hình môi trường của vùng biển Thừa Thiên - Huế hiện đã ổn như các thông tin công bố của Bộ Tài nguyên - môi trường.

Cụ thể, các thông số chất lượng nước biển và trầm tích biển (chất lắng dưới đáy biển) đã nằm trong giới hạn qui định của qui chuẩn quốc gia, có thể tắm biển, nuôi trồng thủy sản.

Chỉ có khu vực biển thuộc đảo Sơn Chà với diện tích khoảng 160km2 là vùng xoáy cục bộ, một số thông số cao hơn các vùng khác, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, và phải tiếp tục quan trắc, giám sát thường xuyên.

Hàm lượng các chất thải đã giảm dần theo thời gian nhờ cơ chế làm sạch tự nhiên, nên hệ sinh thái biển đã có dấu hiệu phục hồi tích cực.

Đại biểu Trương Công Nam (giám đốc Công ty Xây dựng và cấp nước Thừa Thiên - Huế) liền đưa tay hỏi ngay: báo cáo của Sở Tài nguyên - môi trường nói là các thông số nước biển đã nằm trong giới hạn cho phép nghĩa là sao?

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Cái Vĩnh Tuấn đề nghị trả lời thật cụ thể: cá tôm của ngư dân đánh bắt từ vùng xa bờ, gần bờ và trong đầm phá đã an toàn chưa?

Ông Phan Văn Thông trả lời: thông số quan trắc môi trường biển hiện nay so với trước khi xảy ra sự cố thì khi thấp khi cao tùy vào từng thời điểm, thời tiết, nhưng chắc chắn là thấp hơn qui chuẩn quốc gia.

“Có thể khẳng định rằng môi trường đã cơ bản ổn định, cả về nước biển, trầm tích biển và cả vùng đầm phá” - ông Thông nói.

Về câu hỏi “cá tôm ăn được chưa”, ông Thông nói đó là trách nhiệm trả lời của Sở Nông nghiệp PTNT và Sở Khoa học - công nghệ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Hồ Sĩ Nguyên (cũng vừa là đại biểu HĐND tỉnh) được mời trả lời câu hỏi trên.

Ông Nguyên cho biết sở đã thành lập một tổ công tác đóng tại các cảng cá để xác định nguồn gốc hải sản. Hiện các tàu đánh bắt xa bờ đã có hệ thống định vị, nên có thể xác định tàu đó đánh bắt hải sản xa bờ hay không.

“Cái khó vẫn là tâm lý người tiêu dùng ngại ăn hải sản, dù hải sản xa bờ thì không ảnh hưởng gì” - ông Nguyên nói.

Chủ tịch HĐND Lê Trường Lưu chốt lại: cần nói cho rõ cho người dân biết, hải sản đánh bắt xa bờ là an toàn, hải sản đánh bắt vùng gần bờ thì tầng nước mặt: ăn được, chỉ cá tôm tầng đáy thì chưa an toàn; tôm cá trong vùng đầm phá thì an toàn.

Nhiều lời thắc mắc dưới hàng ghế đại biểu: làm thế nào để biết cá tôm nào là tầng mặt, cá tôm nào là tầng đáy? Tuy nhiên, không thấy ai chất vấn câu hỏi này.

Làm sao phân biệt cá tôm tầng đáy gần bờ để... né?
Ngư dân nuôi cá ở vùng cửa biển Thuận An (Thừa Thiên - Huế) đang trông chờ người tiêu dùng ăn cá trở lại

để tiếp tục sản xuất - Ảnh: MINH TỰ

Không chỉ trông chờ vào quá trình làm sạch tự nhiên

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (tổng biên tập báo Thừa Thiên - Huế) chất vấn: hiện trên toàn vùng biển của tỉnh, có bao nhiêu cơ sở sản xuất có xả thải ra biển? Việc đánh giá tác động môi trường đối với những cơ sở này như thế nào?

Ông Phan Văn Thông cho biết đã kiểm tra các đơn vị sản xuất ở vùng bở biển của tỉnh có xả thải ra môi trường, chủ yếu là các cơ sở nuôi trồng thủy sản, gồm các khu nuôi tôm qui mô lớn của các công ty và nhiều nhất là các hồ tôm qui mô nhỏ của người dân.

Các cơ sở này đều có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, do nước thải và bùn thải vẫn còn tồn dư thức ăn, các vật tư, phân thủy sản...

Hầu như các cơ sở nuôi trồng qui mô lớn đề có hệ thống xử lý xả thải, còn các cơ sở nuôi trồng qui mô nhỏ thì hầu như không. Ngành tài nguyên - môi trường tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc kiểm soát xả thải của các đơn vị này.

Đại biểu Nguyễn Chí Quang chất vấn tiếp giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường: biển bị ô nhiễm do các hóa chất, trong đó chất độc xyanua và phenol.

Đây là can thiệp của con người thì việc khắc phục cũng cần phải có giải pháp của con người, chứ không thể chỉ là giải pháp tự nhiên, tức chỉ trông chờ vào quá trình làm sạch tự nhiên, nhất là với các chất độc?

Câu hỏi của ông Quang đã nhận được nhiều lời tán đồng của các đại biểu. Ông Phan Văn Thông chỉ trả lời ngắn gọn: giải pháp khắc phục sự cố này đòi hỏi nhiều giải pháp lớn và Bộ Tài nguyên - môi trường đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng các địa phương tiếp tục khắc phục.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường Thừa Thiên - Huế, các đối tượng chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển ở tỉnh này tập trung ở 27 xã, thị trấn thuộc năm huyện, thị xã vùng ven biển, với 187.760 người dân, chiếm 16,2% dân số toàn tỉnh.

Trong đó, số hộ dân làm nghề thủy sản bị ảnh hưởng là 12.194 hộ với 53.529 người dân. 

Theo tuoitre