Làm thế nào để được hưởng 80% bảo hiểm y tế khi sinh con trái tuyến?

Khi sinh con trái tuyến, bảo hiểm y tế sẽ chi trả mức hưởng với tỷ lệ quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Độc giả Nguyễn Lâm (Hải Dương): Vợ tôi đã đóng bảo hiểm y tế tại cơ quan làm việc, còn 2 tháng nữa vợ tôi sẽ sinh con. Vì muốn được sinh con ở bệnh viện lớn hơn nên vợ tôi định không sinh con ở bệnh viện theo như trong thẻ bảo hiểm y tế(BHYT) được công ty cấp phát. Vậy vợ tôi có được hưởng 80% bảo hiểm không?

Làm thế nào để được hưởng 80% bảo hiểm y tế khi sinh con trái tuyến?

Trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến thì vẫn được chi trả BHYT theo mức hưởng với tỷ lệ quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014. Ảnh minh họa

Trả lời:

Vợ bạn tham gia BHYT tại công ty theo đối tượng người lao động và nếu không thuộc đối tượng tham gia BHYT nào khác theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì khi đi khám, chữa bệnh (bao gồm cả khi đi sinh con) thì vợ bạn sẽ được chi trả 80% chi phí khám, chữa bệnh theo điểm đ khoản 1 Điều 22 Luật này.

Trường hợp vợ bạn khám chữa bệnh trái tuyến thì vẫn được chi trả BHYT theo mức hưởng với tỷ lệ quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 như sau:

– Khám chữa bệnh trái tuyến ở tuyến huyện: Được chi trả với mức 100% chi phí khám chữa bệnh.

– Khám chữa bệnh trái tuyến ở tuyến tỉnh: BHYT chi trả 60% chi phí khám chữa bệnh đối với điều trị nội trú

– Khám chữa bệnh trái tuyến ở tuyến Trung ương: BHYT chi trả 40% chi phí khám chữa bệnh đối với điều trị nội trú.

Như vậy, vợ bạn muốn được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế thì phải có giấy chuyển tuyến.

Bên cạnh đó , căn cứ theo quy định tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, khi vợ bạn sinh con, vợ bạn sẽ được hưởng chế độ thai sản khi đáp ứng điều kiện:

– Lao động nữ sinh con

– Đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đáp ứng 2 điều kiện: đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên và trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, phải đóng BHXH từ 3 tháng trở lên.

Khám chữa bệnh BHYT và chế độ thai sản trong BHXH là 2 quyền lợi, chế độ khác nhau và có các điều kiện hưởng riêng biệt. Do đó, việc vợ bạn sinh con tại bệnh viện trái tuyến chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi BHYT chứ không ảnh hưởng đến việc hưởng chế độ thai sản.

Theo vietq