Lật tẩy trò "thôi miên" cướp tài sản và cách phòng tránh

Có nhiều vụ việc chiếm đoạt tài sản mà nạn nhân không hiểu vì sao mình lại bị rơi vào cái bẫy đó và đều lý giải rằng mình đã bị… thôi miên.

Những vụ được cho là bị "thôi miên" chiếm đoạt tài sản

Lật tẩy trò

Người dân tập trung tại khu vực chợ Chùa để vây bắt người phụ nữ nghi thôi miên lừa đảo. (Ảnh cắt từ clip).

Sáng 18/4, trên mạng xã hội đăng tải đoạn video dài hơn 6 phút về thông tin người dân vây bắt 1 phụ nữ nghi vào nhà người dân thôi miên để lừa đảo tiền.

Trong đoạn clip cả trăm người dân đổ dồn ra vây bắt. Do bức xúc nên một số người dân đã chửi bới, xô đẩy và dùng dép, tay đánh vào người phụ nữ lạ này. Quá sợ hãi nên người phụ nữ này khóc lóc, van xin và kêu oan mình không phải lừa đảo.

Qua xác minh được biết sự việc xảy ra tại địa bàn chợ Chùa (xã Diễn Hạnh, Diễn Châu, Nghệ An). Danh tính người phụ nữ trên được xác định là Bùi Thị B (SN 1975; trú xóm 3, xã Diễn Bình, Diễn Châu).

Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, chị B đi xe máy đến nhà anh Nguyễn Văn Khương. Lúc này anh Khương vừa đi ra ngoài về nhà. Thấy người phụ nữ hỏi "anh có phải anh Khương không?". Anh Khương trả lời đúng thì người phụ nữ trên liền nói "cho em mượn 20 triệu đồng để lo cho con đi xuất khẩu lao động".

Vì chưa gặp người phụ nữ này bao giờ và thấy ánh mắt người này có nghi vấn cứ nhìn chằm chằm nên anh Khương nghi ngờ bị lừa đảo. Khi anh Khương chạy xuống bếp thì người phụ nữ lên xe máy đi mất.

Nghĩ đây là người lừa đảo, anh Khương đã đi tìm và sau hơn 20 phút, anh Khương phát hiện người này vẫn đang quanh quẩn trong xã. Khi chạy đến để bắt giữ lại, người phụ nữ này van xin và cho biết mình không phải lừa đảo mà do túng thiếu quá nên đến xin vay.

Sau 1 lúc tra hỏi, anh Khương đã để người này đi. Tuy nhiên biết được câu chuyện này nên người dân đã nói anh Khương bắt lại để đưa lên công an làm rõ. Ngay sau đó, anh Khương cùng người dân đuổi theo và đến khu vực chợ Chùa (xã Diễn Hạnh) thì mới bắt được.

Tại đây, rất đông người dân ra vây bắt, hùa vào chửi bới. Người phụ nữ liên tục khóc lóc van xin và kêu oan.

Nhận được tin báo, Công an xã Diễn Hạnh lập tức xuống ổn định tình hình trật tự và đưa người phụ nữ trên về xã để làm việc. "Tại xã thì chị B liên tục khóc. 20 phút sau mới làm việc được. Chị này nói không phải lừa đảo, thôi miên mà túng thiếu quá nên đi vay."

Đây không phải là lần đầu tiên mà người được cho là nạn nhân cho rằng mình bị đối tượng thôi miên để lừa đảo.

Lật tẩy trò

Người phụ nữ bị cho là thôi miên, cướp tài sản bị bắt giữ (ảnh cắt từ clip).

Lật tẩy trò

Sau đó, bị túm tóc, hành hung...

Cách đây 1 năm, đoạn clip chia sẻ về việc một người phụ nữ bị bắt kèm lời cảnh báo về nạn thôi miên ở Đại Từ, Thái Nguyên đã khiến dư luận vô cùng hoang mang.

Kèm theo những dòng thông báo: “Cảnh báo mọi người chú ý. Hiện tại, một nhóm thôi miên xuất hiện ở Ký Phú - Đại Từ - Thái Nguyên. Bắt được 1 người và chạy thoát 1 người. Mọi người ra đường nhớ cẩn thận không tiếp xúc với người lạ nhé”.

Như để thêm phần tin cậy, kèm theo thông tin là một đoạn clip ghi lại cảnh công an xã Lục Ba, huyện Đại Từ bắt giữ một đối tượng phụ nữ có hành vi thôi miên, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Đoạn cảnh báo và clip đã được chia sẻ rộng rãi ở khắp các diễn đàn mạng cùng nhiều lượt comment. Rất nhiều người đã bày tỏ sự sợ hãi, hoang mang, đặc biệt là những người dân sinh sống tại Thái Nguyên.

Theo dõi trong clip thấy hình ảnh một người phụ nữ trung tuổi, tóc ngắn, đang bị lực lượng chức năng khống chế. Bên cạnh đó, có nhiều người dân vây quanh và có những lời quát mắng.

Trong clip còn xuất hiện hình ảnh một người túm tóc định hành hung người phụ nữ bị cho là đi thôi miên, cướp tài sản. Một đồng chí trong trang phục công an xã can ngăn kịp thời hành động này.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu sự việc thực chất đây chỉ là một vụ trộm cắp điện thoại. Công an huyện Đại Từ cho biết "thời điểm bắt giữ đối tượng, có nhiều người dùng điện thoại để quay video đưa lên mạng facebook, sau đó được chia sẻ nhanh chóng.

Qua lấy lời khai và điều tra thực tế, chúng tôi không thấy có hiện tượng thôi miên hay đánh thuốc mê để chiếm đoạt tài sản trong vụ việc này. Do vậy, những thông được chia sẻ trên mạng xã hội việc đối tượng Quý thôi miên hay đánh thuốc mê là không có cơ sở”.

Cách đây chưa lâu, có nhiều bạn trẻ chia sẻ nhau hàng loạt những thông tin về nhóm phụ nữ chuyên đi lưa đảo, thôi miên để cướp tài sản của người khác. Các đối tượng chỉ cần chạm nhẹ vào người bạn thì bỗng nhiên bạn đều lột sạch tài sản của mình đưa cho họ mà không hề hay biết gì.

Một cô gái đã chia sẻ status của mình trên facebook về một vụ việc xảy ra khi có một người phụ nữ lạ nhờ cô gái này tắt hộ máy iPhone 5 khi đang đứng đợi bạn một mình.

Trước đó, vụ việc hai "nữ quái" chuyên vẩy nước "thôi miên" lên mặt nạn nhân trước khi đánh cướp tài sản đã bị bắt tại chợ Xuân La (Q.Tây Hồ, Hà Nội) khiến dư luận bàng hoàng.

Theo lời người dân, giữa tháng 12/2013, hai người phụ nữ bịt kín mặt thường lân la hỏi chuyện các khách đang mua hàng, thậm chí lừa đảo cả người bán hàng ở chợ. Sau khi hỏi vài câu bâng quơ, hai người này vẩy vào mặt người bán hàng một thứ nước kỳ lạ và người bán hàng đột nhiên trao hết tài sản cho hai người này.

Những nạn nhân tại đây đều cảm thấy chóng mặt, đầu óc quay cuồng sau khi bị dính "thuốc" và không còn nhớ gì cho đến khi nghe được tiếng người tri hô cướp. Hai nữ quái này đã bị cơ quan chức năng bắt tại trận trong lúc giả vờ bán thuốc, hỏi thăm rồi "thôi miên" để cướp tài sản người khác.

Lật tẩy trò "thôi miên" cướp tài sản

Những thông tin trên mạng xã hội về các vụ cướp do trúng thuốc mê, thôi miên đã khiến nhiều người lo lắng.

Qua các vụ phạm tội trên cũng chưa có kết luận cuối cùng về khả năng đối tượng có thể dùng biện pháp thôi miên để trộm cắp tài sản hay không. Nhưng trên thực tế có rất nhiều vụ phạm tội mà đối tượng vì một cách nào đó đã khiến nạn nhân nghe theo mọi lời đề nghị để đưa tiền cho chúng.

Hiện nay cũng có nhiều người bị mắc lừa với thủ đoạn như sau: các đối tượng thường vô tình gặp nạn nhân (thường là phụ nữ, những người già) rồi vờ nói ra bệnh tật hoặc một nhược điểm trên khuôn mặt của họ kiểu như bị mộng mắt, bị nám da… rồi mách thuốc chữa… Hoặc nhiều đối tượng còn đến các cửa hàng kinh doanh nói có mối hàng giá rẻ, rồi lòng vòng dùng các trò “ảo thuật”…

Và không hiểu với các chiêu thức lừa tinh vi đánh vào tâm lý muốn chữa bệnh, đánh vào lòng tham của nạn nhân hay là dùng các biện pháp thôi miên mà nhiều người đã nghe theo sự dẫn dụ của đối tượng tháo tất tật đồ trang sức đeo trên người, thậm chí còn về tận nhà mở tủ đưa tiền cho chúng…

Trong đại đa số các trường hợp mất tiền không thể lý giải được kể trên, người bị hại đều tin rằng họ đã bị thôi miên. Tất cả đều cho rằng, họ không nhìn thấy những kẻ đó lấy tiền của họ và trong khi mọi chuyện diễn ra, họ hầu như không tỉnh táo.

Thậm chí, nhiều người còn khẳng định, những kẻ đó đã dùng mắt nhìn xoáy vào họ rất lâu để họ u mê đi và cứ thế tự tay lấy tiền đưa cho chúng. Phải chăng, vì bị thôi miên mà họ mất tài sản?

Thực chất, khi thực hiện vụ án, bọn tội phạm đã lên kế hoạch chi tiết tiếp cận “con mồi”. Chúng dành thời quan sát hoạt động của nạn nhân, khi tổ chức trộm cướp tài sản, chúng sẽ dùng chiêu cũ là tạo những tình tiết làm phân tán “con mồi” lợi dụng sơ hở để cho đồng phạm trộm cắp đồ.

Vì thế, người dân cần tránh tâm trạng hoang mang, lo sợ trước những tin đồn thất thiệt về “thuật thôi miên, đánh thuốc mê” cướp tài sản đang bị kẻ xấu lợi dụng để truyền bá trong thời gian gần đây.

Làm gì để tránh bị lừa đảo

Mặc dù về cơ bản, thuật thôi miên không thể được thực hiện nếu không có sự chấp thuận từ người được thôi miên.

Nhưng để đề phòng trường hợp do bị dẫn dụ mà vô tình đồng ý, người dân cần tránh chăm chú nhìn vào mắt người lạ; thường xuyên cử động để người lạ không thể nhìn lâu vào mắt và gáy của mình, hoặc chủ động làm việc khác, đầu óc luôn suy nghĩ sang vấn đề khác khi đang tiếp xúc để ngắt mạch dẫn dắt của họ.

- Nếu có cảm giác nghi ngờ, không thoải mái khi có người lạ đến bắt chuyện, bạn nên từ chối tiếp chuyện và bỏ đi.

- Đang nói chuyện, nếu cảm giác mi mắt nặng, chân tay khó cử động, bạn cần cắt câu chuyện với người lạ ngay lập tức.

- Luôn luôn nhớ ngắt câu chuyện đang nói, thỉnh thoảng quay đi nhìn phía khác, tránh nhìn lâu vào mắt đối tượng.

- Chủ động làm việc khác để chấm dứt sự dẫn dắt của kẻ xấu như xem đồng hồ, chỉnh lại quần áo hoặc quay sang gọi điện thoại cho ai đó.

Theo GĐ

---

Xem thêm:

+ Video Clip: “Chiều” cướp từ A-Z, trao thân đổi 3 mạng người

Nguồn: ANTV Youtube