Lịch sử ra đời và ý nghĩa Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

Ai cũng biết, ngày 20/10 là Ngày Phụ nữ Việt Nam nhưng thực tế, lịch sử ra đời và ý nghĩa của ngày này thì không phải ai cũng hiểu tường tận.

Lịch sử ra đời Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10

Lịch sử dân tộc Việt Nam còn mãi ghi đậm dấu ấn chói ngời của những nữ anh hùng hào kiệt không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, đứng lên chống giặc ngoại xâm giành tự do. 

Trước đây, dưới chế độ phong kiến xưa, người phụ nữ Việt Nam phải chịu nhiều bất công, tủi cực do sự trói buộc của lề thói phong kiến. Dù vậy, họ vẫn kiên cường vươn lên để sống, để chăm sóc gia đình.

Lịch sử ra đời và ý nghĩa Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

Qua quá trình dài đấu tranh và chứng tỏ được vai trò quan trọng trong gia đình và cũng vùng lên đấu tranh theo phương châm “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, phụ nữ Việt Nam dũng cảm kiên cường chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của nước nhà.

Bởi vậy, từ năm 1927 những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ.

Thế rồi, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập.

Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ.

Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.

Chính vì vậy, vào ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập, để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày Phụ nữ Việt Nam".

Ý nghĩa của Ngày Phụ nữ Việt Nam

Ngày 20/10 hàng năm được chọn là Ngày Phụ Nữ Việt Nam, đó là sự ghi nhận của đất nước với những con người được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: “Cần cù, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”.

Đây là ngày đầu tiên trong lịch sử nước ta, một đoàn thể quần chúng của phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai, nhằm đoàn kết, động viên lực lượng phụ nữ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Đây cũng là lần đầu tiên, người phụ nữ Việt Nam được cầm lá phiếu bầu cử, tham gia các công tác chính quyền và xã hội, nắm giữ nhiều trọng trách trong bộ máy Nhà nước và các đoàn thể quần chúng.

Bác từng nói: “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trong bản Di chúc bất hủ để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Người viết:

 “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”.

Vào những ngày này, nhiều hoạt động chào mừng ngày 20/10 tại Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh phụ nữ, chỉ riêng phụ nữ Việt Nam, trân trọng đóng góp của họ với gia đình và xã hội.

Đặc biệt, nhiều cơ quan tổ chức lễ trao thưởng cho nhân viên là nữ nếu có thành tích xuất sắc trong công việc. Các chương trình văn nghệ chào mừng ngày 20/10 cũng được tổ chức nhiều và khá công phu.

An Mai (Tổng hợp)

Theo giadinhphapluat