Liều mạng đi thẩm mỹ, mặt chi chít 'hố bom'

Tất cả bệnh nhân đều không biết mình đã được bôi hay sử dụng loại thuốc gì trên làn da.

Dù đã có nhiều cảnh báo về việc giao phó làn da cho các cơ sở làm đẹp không chuyên môn nhưng nhiều chị em vẫn phớt lờ, bất chấp hậu quả.

May đẹp, xấu chịu

Mới đây, chị Lê Thị T. (ngụ quận 1, TP.HCM) đến BV đa khoa Sài Gòn trong tình trạng mặt ửng đỏ, sưng phù che mất tầm nhìn của mắt. Chị T. cho biết vừa điều trị laser Fractional CO2 để trẻ hóa da.

Sau khi bắn laser xong, chị T. được nhân viên của thẩm mỹ viện cho mỹ phẩm về bôi lên mặt. Ngỡ mỹ phẩm đắt tiền thì sẽ có tác dụng tốt, không ngờ ngày đầu, cả mặt và mắt chị T. sưng lên.

Sang ngày thứ hai thì càng phù và che mất tầm nhìn của mắt nên chị vội đến bệnh viện khám. Chị T. được chẩn đoán dị ứng với mỹ phẩm sau khi bắn laser.

Sau thời gian nằm bệnh viện một ngày, da mặt chị T. mới phục hồi và chị được cho thuốc về uống.

Không may mắn như chị T., một bệnh nhân nữ chưa đầy 30 tuổi đến khám tại BV Da liễu TP.HCM với khuôn mặt đầy vết lõm sâu 2-3 cm, đỏ ngứa.

Chị này cho biết do mặt xuất hiện những nốt đỏ nên đã đến một cơ sở làm đẹp và được tiêm thuốc để cải thiện tình trạng da. Sau ba tháng, da chị bắt đầu lõm sâu vào. Phải mất vài tháng nữa cho thuốc hết tác dụng, bác sĩ mới can thiệp khôi phục làn da cho chị, khả năng cao là phải chịu sẹo lõm suốt đời.

Cách đây không lâu, BV Trưng Vương cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ tiêm chất làm đầy ở một cơ sở làm đẹp khiến mặt mũi suýt bị hoại tử, phải nhập viện điều trị.

Bệnh nhân tìm thấy cơ sở tiêm chất làm đầy có quảng cáo trên Facebook, có địa chỉ ở một chung cư tại quận 3.

Giá tiêm chất làm đầy nhập từ Hàn Quốc không có giấy phép nhập khẩu của ngành y tế chỉ 1,5 triệu đồng. Người thực hiện cũng chỉ là tay ngang, không phải nhân viên y tế mà là người chăm sóc da.

Sau khi tiêm chất làm đầy ba ngày, trên da bệnh nhân xuất hiện tổn thương để lại sẹo. Dự kiến số tiền điều trị cho bệnh nhân có thể lên đến 20-30 triệu đồng, gấp 10 lần số tiền bệnh nhân bỏ ra làm đẹp.

Liều mạng đi thẩm mỹ, mặt chi chít 'hố bom'

Mặt mũi suýt bị hoại tử khi tiêm chất làm đầy xách tay tại một chung cư. Ảnh: TL

Quá tin quảng cáo

ThS-BS Trần Bích Ngân, chuyên khoa Da liễu, BV đa khoa Sài Gòn, cho biết thường tiếp nhận các bệnh nhân gặp biến chứng sau khi điều trị bằng laser, lăn kim hoặc bôi các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Gần đây còn thường gặp các trường hợp xóa xăm bị nhiễm trùng, bị dị ứng với chất màu xăm.

Theo BS Ngân, laser xâm lấn là loại điều trị có thể tạo mày và bong tróc da sau đó, cần một thời gian nghỉ dưỡng nhất định mà bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc cụ thể.

Sau khi bắn laser, da sẽ bị tổn thương và hoàn toàn có cách bảo vệ da an toàn là bôi một loại thuốc giữ ẩm tốt, trong đó vaseline là loại cơ bản nhất giúp ngăn ngừa sự mất nước của da và vừa rẻ tiền.

Tuy vậy, khi bôi vaseline thường tạo cảm giác rất nhờn rít nên bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bôi với chi phí cũng không quá cao. Tuy nhiên, rất nhiều nơi lại lựa chọn các mỹ phẩm đắt tiền vài triệu đồng, hoàn toàn mới mẻ với làn da của chị em và không lường được là nó sẽ gây ra dị ứng hay không.

“Một số nơi lăn kim quá mức đến nỗi tạo ra những mảng sẹo to cứng, nhiều bệnh nhân lại tưởng hết sẹo, ai ngờ là bị mảng sẹo cứng mà kim nhỏ đâm cũng không thủng.

Bệnh nhân của chúng ta bây giờ bị phủ đầu bởi quá nhiều thông tin nên đến khi gặp bác sĩ giải thích vẫn chưa hẳn là đã hiểu ra” - BS Ngân lo ngại.

Theo BS Ngân, nhiều bệnh nhân rất liều khi sẵn sàng làm “chuột bạch” cho những loại thuốc không rõ nguồn gốc và những thủ thuật cần người có chuyên môn được đào tạo kỹ càng mới thực hiện được như laser, lăn kim.

BS Trần Kim Phượng, Trưởng khoa Thẩm mỹ da BV Da liễu TP.HCM, cũng cho biết khoa thường xuyên tiếp nhận những ca nhẹ thì viêm da tiếp xúc, bong tróc, nặng thì nứt da, rịn dịch, chảy mủ, để lại sẹo sau khi sử dụng các mỹ phẩm nguồn gốc không rõ ràng từ các cơ sở làm đẹp.

“Thường bệnh nhân không biết là mình được bôi thuốc gì lên da và bác sĩ phải đoán. Tương tự, điều trị bằng laser, lăn kim cần người có chuyên môn, cơ sở uy tín vì đây là can thiệp xâm lấn, can thiệp da hơi nhiều, điều kiện vô trùng tốt.

Ngoài ra, các dụng cụ như kim lăn, thuốc bôi lên da phải được kiểm nghiệm và có nguồn gốc rõ ràng” - BS Phượng chia sẻ.

Không thể chữa sạm, nám da một lần

Những quảng cáo cho rằng chữa sạm, nám da một lần là hết không có cơ sở bởi người trong ngành đều biết không có phương pháp chữa khỏi sạm, nám hoàn toàn mà chỉ cải thiện tối đa.

Có trường hợp bị rất nhẹ, có thể nhìn thấy hết hẳn nhưng nếu không có chế độ chăm sóc đặc biệt cũng rất dễ tái lại.

Ngoài ra, có nhiều quảng cáo nặn mụn sẽ hết mụn là hoàn toàn không khoa học bởi việc điều trị mụn cần có phác đồ, kết hợp nhiều biện pháp như uống thuốc lẫn thoa...

BS TRẦN KIM PHƯỢNG

Để chọn loại laser điều trị cho mình, chị em nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu. Bác sĩ da liễu sẽ dựa trên đặc điểm của từng loại da, vấn đề thẩm mỹ hay bệnh lý, mức độ đi nắng và thói quen chăm sóc da của từng người, đồng thời xem xét các chống chỉ định trước khi lựa chọn phương pháp phù hợp.

BS TRẦN BÍCH NGÂN

Theo plo

-----------------

Xem thêm:

"Tiền mất, tật mang" vì lăn kim làm đẹp da mặt

Phương pháp lăn kim đang được quảng cáo thổi phồng, không chỉ chữa sẹo, lỗ chân lông to mà còn giúp trị thâm...

Lạm dụng lăn kim dễ gây dị ứng, nhiễm khuẩn da

Phương pháp lăn kim đang được quảng cáo thổi phồng, không chỉ chữa sẹo, lỗ chân lông to mà còn giúp trị thâm, trị nám, làm trẻ hóa làn da… Tuy nhiên, không ít chị em ôm trái đắng “tiền mất, tật mang” vì trót… lăn kim.

Nám đen mặt vì lăn kim

Mặc dù da mặt khá mịn màng nhưng chị Lê Huyền N. (Ba Đình, Hà Nội) vẫn không ưng vì màu da “bánh mật” của mình. Thấy bạn bè rỉ tai cách trẻ hóa làn da, trắng da bằng lăn kim, “rẻ mà hiệu nghiệm” nên chị cũng thử. Chị N. cho hay, mới làm cũng thấy da sáng lên chút, nhưng được vài ba tuần, lại đâu vào đấy.

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, chị Mai Kim T. (Hà Nội) chia sẻ: “Mình sợ lăn kim tới già. Cũng tìm đến cơ sở có uy tín, tìm hiểu rõ ràng vậy mà sau ba ngày lăn kim, mặt chị T. tấy đỏ, sưng và giờ đóng vẩy đen kín cả mặt…”. Theo lời chị T., vốn dĩ chị có dấu hiệu nám hai bên má và sẹo rỗ do trứng cá để lại.

Nghe lời quảng cáo của một cơ sở thẩm mỹ về việc lăn kim không chỉ giúp xóa sẹo rỗ mà còn điều trị được cả vết nám chỉ với vài liệu trình nên chị quyết định theo. Không ngờ, nám, sẹo chưa thấy hết mà cả khuôn mặt bị “cày xới” đến đóng vảy thâm đen hết.

"Nếu lựa chọn phương pháp lăn kim cần tìm đến các cơ sở y tế có chuyên môn. Bởi nếu không biết rõ tình trạng da lại lạm dụng lăn kim sẽ dễ gây tai biến cho da như thâm nám, tăng sắc tố sau viêm hay viêm nhiễm da…”.

BS. Lê Anh Tuấn
Khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Tương tự, chị Nguyễn Thanh H. (Đống Đa, Hà Nội) thất vọng tràn trề, bởi vốn dĩ khuôn mặt thi thoảng chỉ lốm đốm mụn giờ lại mọc lên chi chít mụn lớn, mụn bé chỉ sau khi lăn kim ở một cơ sở thẩm mỹ nhỏ cạnh nhà.

Theo lời chị H., đó là nơi chị thường đến đắp mặt làm đẹp, chủ cửa hàng cho hay “kim lăn kích thích lên vùng da điều trị làm tăng sinh tế bào mới, sợi collagen và elastin, từ đó phục hồi làn da tươi trẻ và săn chắc” nên chị đồng ý thực hiện. Mới đây, đi khám da liễu, chị được bác sĩ chẩn đoán mụn nổi do viêm da mà nên.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, BS. Lê Anh Tuấn, khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay: “Thực tế, lăn kim thường được chỉ định trong điều trị sẹo lõm, lỗ chân lông to và cũng có thể dùng trong làm đẹp da.

Tuy nhiên, kỹ thuật này không phải ai cũng có thể thực hiện được và không phải ai cũng thích hợp để dùng phương pháp lăn kim này trong điều trị. Nếu không đúng chỉ định thì lợi bất cập hại”.

BS. Tuấn cũng cho hay, so với các dụng cụ thẩm mỹ khác, chi phí dụng cụ lăn kim thường rất rẻ. Với dụng cụ lăn kim cơ thường chỉ khoảng 300 nghìn đồng/bộ, còn lăn kim máy cũng chỉ 2,5 triệu đồng/bộ và đầu kim khoảng 80 nghìn đồng/chiếc nên cơ sở làm đẹp nào cũng dễ dàng mua về thực hiện. Cũng chính vì vậy mà phương pháp lăn kim bị lạm dụng như hiện nay.

Mặt bị mụn tuyệt đối không lăn kim

Theo lý giải của BS. Lê Anh Tuấn, bản chất của lăn kim là tái tạo da. Khi kim lăn, tạo ra các tổn thương nhỏ li ti trên bề mặt da, theo cơ chế lành vết thương sẽ hình thành quá trình tái tạo, tạo ra một lớp da mới. Tuy nhiên, việc tái tạo thế nào, hiệu quả đến đâu cũng tùy từng cơ thể.

BS. Tuấn nhấn mạnh, phương pháp này thường được sử dụng trong điều trị sẹo lõm, lỗ chân lông giãn rộng, tuy nhiên cần phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Lăn kim cũng sử dụng trong làm đẹp, tạo ra những lỗ nhỏ li ti trên bề mặt da để giúp các mỹ phẩm thẩm thấu tốt hơn vào sâu trong da. Tuy nhiên, để phương pháp này đạt hiệu quả, phải được thực hiện đúng chỉ định, đúng kỹ thuật và được chuyên gia đào tạo bài bản làm.

BS. Tuấn cũng cho hay, không phải làn da nào cũng có thể lăn kim. Những chị em có làn da nám hay bị mụn tuyệt đối không nên lăn kim. Vì lăn kim sẽ tạo nên tổn thương với những làn da nhạy cảm, yếu.

Với người bị da mụn, kim sẽ mang vi khuẩn từ nốt mụn này sang nốt mụn kia và gây ra tình trạng viêm da lan tỏa trên khắp mặt.

Lăn kim là phương pháp gây chảy máu nhẹ nên độ vô trùng phải đúng theo tiêu chuẩn y tế, nếu không sẽ gây viêm nhiễm tại chỗ, gây nhiễm khuẩn, nhiễm virus herpes mụn rộp...

Nguy hiểm hơn là việc lây lan các bệnh qua đường máu như viêm gan B, HIV… Do vậy, tránh tuyệt đối việc dùng chung kim lăn.

“Cũng cần lưu ý, trên người châu Á có đặc điểm da type 4-5, ngăm đen rất dễ tăng sắc tố da; những người ở giai đoạn sau sinh, nám, tăng hoóc môn… thì lăn kim lại trở thành yếu tố kích động, làm tăng thêm các biểu hiện đen da, nám nặng…”, ông Tuấn cho biết.

Theo baogiaothong