Loạn "chợ đen" ở Trung Quốc

Ở Tung Quốc, bất cứ thứ gì người dân không thể tiếp cận được bằng con đường chính thức, họ sẽ tìm đến chợ đen. 

Khi cha ruột bị chẩn đoán mắc ung thư (UT) phổi, nhân viên môi giới chứng khoán Yin Min (51 tuổi) ở Thượng Hải phải đối mặt với hai chọn lựa: một là trả 3.000 usd/tháng để cha mình được sử dụng thuốc đặc trị có phép; hai là chỉ tốn một khoản tiền ít hơn nhiều nếu dùng thuốc thành phẩm (là loại thuốc thay thế cho thuốc phát minh, không có giấy phép nhượng quyền, mua bán trên chợ đen).

Dĩ nhiên, loại thuốc này không được phép lưu hành trên thị trường chính thức. Yin Min đã chấp nhận cho cha mình sử dụng nguồn thuốc đen này, được rao bán công khai trên mạng.

Cũng như Yin Min, giá thuốc đắt đỏ là nỗi lo lớn nhất của bất kỳ người nhà bệnh nhân UT nào ở Trung Quốc (TQ), vì cuộc chiến với UT luôn dai dẳng, đầy áp lực, là gánh nặng cả tinh thần lẫn tài chính. Hãng tin Reuters đã phỏng vấn ngẫu nhiên 30 bệnh nhân (32-81 tuổi) mắc nhiều chứng UT khác nhau, 2/3 số này thừa nhận, họ chỉ tìm đến các kênh rao bán thuốc điều trị UT trên mạng. Theo họ, bác sĩ điều trị cũng làm ngơ, như một thái độ đồng tình, khi biết họ sử dụng thuốc không có giấy phép.

Liu Xuemei (61 tuổi) bị UT da, phải tìm thuốc thay thế Zadaxin - một loại thuốc ngăn chặn sự phát triển và lây lan của các tế bào UT có giá quá đắt. Lý do duy nhất khiến bệnh nhân UT và người nhà họ phải tìm đến các kênh phân phối không chính thống là do họ không kham nổi những hóa đơn thuốc điều trị UT bộn tiền.

Cụ thể như Yin Min mua thuốc chợ đen cho cha rẻ chỉ bằng 1/13 số tiền trên toa thuốc chính thức. Tuy cơ quan quản lý dược phẩm TQ đã yêu cầu kiểm tra tất cả các loại thuốc mới có trên thị trường trước khi thông qua bán chính thức, nhưng do không đủ chuyên viên thực hiện quy trình này, nên dẫn đến việc cập nhật thuốc mới chậm trễ. Việc này có nghĩa, nếu muốn được nhận thuốc qua hệ thống bảo hiểm y tế, người bệnh phải tự thanh toán, khiến hóa đơn đội lên cao, vượt khả năng của họ.

Loạn
Em bé Trung Quốc may mắn thoát khỏi bọn buôn người, trở về với gia đình - ẢNH: THE ATLANTIC

Trong năm 2015, TQ có khoảng 4 triệu trường hợp mắc mới UT. Với mức độ tăng nhanh như hiện nay, dự báo đến năm 2025, chi phí chăm sóc y tế cá nhân ở TQ sẽ tăng gấp bốn lần, lên đến 1.840 tỷ USD. Đã vậy, không ai bảo đảm sẽ có bao nhiêu bệnh nhân tiếp cận được thuốc mới hay phải tiếp tục mòn mỏi chờ phê duyệt, đành tự tìm đến nguồn thuốc bán chợ đen.

Li Tiantian từng là bác sĩ, sáng lập chuyên trang sức khỏe - y tế DXY.com cho biết, những loại thuốc được cấp phép bán ở Mỹ, Anh thì phải sau từ 5-7 năm mới được bán chính thức ở TQ, người bệnh UT không thể chờ đợi nổi. Tỷ lệ bệnh nhân UT sống sót trong vòng 5 năm kể từ khi phát hiện bệnh ở TQ chỉ khoảng 30%, bằng một nửa ở Mỹ.

Bệnh nhân UT máu Lu Yong, thành viên chủ chốt của một nhóm kinh doanh qua mạng bị bắt năm ngoái vì kinh doanh những loại thuốc chưa được thông qua ở TQ, nhưng sau đó đã được trả tự do. Trước pháp luật anh ta là tên tội phạm, nhưng với hơn 1.000 bệnh nhân UT máu khác, anh ta là “người hùng” vì nhờ anh ta họ mới có thể tiếp cận được thuốc thành phẩm giá rẻ từ Ấn Độ để điều trị căn bệnh hiểm nghèo.

Năm 2004, Lu Yong tìm được nguồn mua thuốc thành phẩm có công thức tương tự Iressa (một loại thuốc chống UT), nên đã ngỏ ý bán lại cho các bệnh nhân UT máu với giá rẻ hơn thuốc gốc nhiều lần do hãng dược AstraZeneca phân phối. Lu Yong cho biết, anh không có chọn lựa khác, đành chấp nhận phạm tội hoặc chờ chết vì không có tiền mua thuốc “xịn”.

Trường hợp của Lu Yong đã làm dấy lên tranh cãi giữa vấn đề pháp lý và đạo đức, buộc nhà chức trách phải giải cho được bài toán làm sao có thuốc chất lượng cho bệnh nhân UT, không bỏ mặc họ đơn độc trong cuộc chiến giành lấy sự sống.

Ở TQ, bất cứ thứ gì người dân không thể tiếp cận được bằng con đường chính thức, họ sẽ tìm đến chợ đen. Nếu việc mua thuốc thành phẩm trên thị trường chợ đen là vì túi tiền bệnh nhân quá eo hẹp thì việc mua nội tạng, buộc người khác phải đánh đổi sức khỏe, sinh mạng, lại xuất phát từ những đối tượng thừa tiền. Nội tạng người là một trong những “món hàng” mà không nơi nào dễ mua bằng ở TQ.

Bác sĩ Campbell Fraser thuộc ĐH Griffith đã tìm hiểu về thị trường này và sửng sốt khi biết những bộ phận trên cơ thể con người đều được định giá cụ thể. Quả thận giá trung bình 85.000 USD, lá gan giá 160.000 USD, tim có giá 190.000 USD. Chính phủ TQ dù đã rất nỗ lực nhưng với nhu cầu thực tế 300.000 người cần thay thế nội tạng mỗi năm, trong khi số hiến tặng chỉ khoảng 12.000 trường hợp thì buôn bán nội tạng vẫn là một thị trường “siêu lợi nhuận” hấp dẫn.

Loạn
Một bệnh nhân mòn mỏi chờ được hiến nội tạng - ẢNH: DAILY MAIL

Một thanh niên 21 tuổi giấu tên đã chia sẻ hành trình bán thận để trả nợ bài bạc của mình khiến nhiều người rùng mình. Quả thận của cậu được bán với giá 7.000 USD qua lời mời chào trên mạng. Đầu tiên, người ta đưa cậu đến bệnh viện làm các xét nghiệm cần thiết. Sau đó, có người dẫn cậu vào khách sạn, chờ đợi nhiều tuần trong khi nhóm buôn nội tạng tìm… người mua tương thích với điều kiện của cậu.

Đến ngày “định mệnh”, họ bịt mắt, tống cậu lên xe, đưa đến một nông trại, nhanh chóng thực hiện ca mổ lấy thận. Hôm sau, cậu tỉnh dậy và thấy mình đang ở một vùng quê hẻo lánh, xa lạ…

Cuối tháng 8/2014, tòa án Bắc Kinh đã xét xử một đường dây buôn bán nội tạng trái phép quy mô gồm 15 bị cáo (có cả một số bác sĩ), kinh doanh trái phép nội tạng cho hơn 50 trường hợp. Đây là một trong những vụ án lớn liên quan đến hoạt động chợ đen của “mặt hàng” nội tạng tại TQ.

Chỉ vài tháng trước, một nữ bệnh nhân người Canada tiết lộ, chỉ sau ba ngày tìm kiếm trên thị trường chợ đen, chị đã tìm được người bán nội tạng phù hợp với giá khá “chát”, tính bằng trăm ngàn USD. Rõ ràng, “thị trường” nội tạng ở TQ hiện vẫn đang tấp nập người mua kẻ bán. Tột cùng của sự suy đồi là việc bán cả những đứa trẻ. Trên các trang mạng, diễn đàn, những kẻ bắt cóc đã ngang nhiên rao bán những đứa trẻ đáng thương khiến không ít người phẫn nộ.

Một bé trai bị rao bán với giá gần 15.000 USD, gấp đôi giá bán một bé gái. Ở TQ ngày nay vẫn chuộng bé trai hơn bé gái. Tuy chính quyền TQ không công bố số liệu nhưng Bộ Ngoại giao nước này ước tính, mỗi năm có đến khoảng 20.000 trẻ bị bắt cóc và rao bán trên các trang web. Theo truyền thông TQ, con số thực tế còn cao hơn, ước tính khoảng 200.000 trường hợp. Hầu hết những đứa trẻ này đều mất tích vĩnh viễn. Năm 2014, cảnh sát TQ triệt phá đến bốn đường dây bắt cóc trẻ em, tạm giữ 1.000 nghi can.

Năm 2015, cảnh sát cũng đã giải thoát được 37 trẻ bị bắt, chờ bán. Một chợ đen là chợ đẻ thuê cũng xuất hiện tràn lan trên các trang mạng ở TQ. Nhiều gia đình khá giả nhưng hiếm muộn đã tìm đến dịch vụ này, chấp nhận chi hàng chục ngàn, thậm chí hàng trămngàn USD để thuê người mang thai hộ.

Một báo cáo của New York Times ước tính, mỗi năm TQ có khoảng 10.000 trẻ chào đời từ… hợp đồng đẻ thuê; thậm chí có cả những trường hợp kèm theo điều khoản chọn giới tính cho thai nhi trong hợp đồng. Khi thai thi được 50 ngày tuổi, công ty môi giới sẽ đưa thai phụ đi kiểm tra giới tính. Nếu kết quả không đúng mong đợi, thai nhi sẽ bị phá bỏ, thai phụ nhận 3.200 USD tiền bồi dưỡng.

Thiết bị di động công nghệ cao cũng là một trong những mặt hàng sôi động trên thị trường “đen”. Năm 2014, khi iPhone 6 và iPhone 6 Plus làm mưa làm gió trên thế giới, người dân TQ đua nhau săn tìm những chiếc điện thoại mới cáu cạnh vì thời điểm đó iPhone chưa được phân phối chính thức ở TQ (chỉ đặc khu hành chính Hồng Kông mới có).

Loạn
Kẻ buôn lậu iPhone 6 bị bắt khi chuẩn bị tuồn hàng ra chợ đen - ẢNH: EMAZE

Tay buôn họ Liu là một trong những người đã kiếm đậm từ việc mua đi bán lại điện thoại. Mỗi chiếc iPhone 6 được Liu bán hơn 1.300 USD, gấp đôi giá bán ở Hồng Kông. Không chỉ Liu, rất nhiều người đã lóa mắt bởi cách kiếm tiền quá hấp dẫn này, tranh thủ tham gia những đường dây buôn lậu iPhone. Tuy nhiên, cơn sốt đã giảm khi iPhone 7 ra mắt.

Theo luật pháp TQ, những người mua đi bán lại iPhone qua chợ đen phạm hai tội: trốn thuế nhập khẩu (ở mức khá cao) và tiếp tay cho hoạt động tiêu thụ các thiết bị di động mà chưa thông qua kiểm tra về độ an toàn, bảo mật từ cơ quan chức năng TQ.

Muôn hình vạn trạng chợ đen ở TQ cho thấy đang có quá nhiều lỗ hổng trong quản lý của chính quyền. Đồng thời, TQ cũng thiếu hẳn những quy định điều chỉnh ở một số lĩnh vực nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Sự bất cập này vô tình đã “tiếp tay” cho những kẻ trục lợi phi pháp.

Theo Phunuonline (tổng hợp)