Luật sư 'tiết lộ' về sức khỏe và tinh thần của Trịnh Xuân Thanh

Luật sư (LS) Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, sau khi được Cơ quan điều tra, Bộ Công an cấp giấy chứng nhận bào chữa ông đã được tiếp xúc với bị can Trịnh Xuân Thanh.

Bị can Trịnh Xuân Thanh (ảnh cắt từ chương trình thời sự của VTV)

Chiều tối 15/12, trao đổi qua điện thoại với PV, LS Lê Văn Thiệp cho biết, ông được Cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận bào chữa cho bị can Trịnh Xuân Thanh từ ngày 8/12. Sau đó ông đã được tiếp xúc với thân chủ. “Cơ quan điều tra đã tạo điều kiện tốt nhất trên tinh thần tôn trọng pháp luật để LS làm việc”, LS Thiệp cho biết.

Nói về sức khỏe của Trịnh Xuân Thanh, LS Thiệp cho biết, qua tiếp xúc ông thấy bị can này vẫn khỏe mạnh bình thường. “Tinh thần của bị can Trịnh Xuân Thanh cũng bình thường. Bị can này được giam giữ ở nơi có điều kiện rất tốt nên không có vấn đề gì”, LS Thiệp cho hay.

Trước một số câu hỏi của phóng viên, LS Thiệp đã từ chối trả lời vì cho rằng vụ án này rất đặc biệt không thể nói nhiều.

Bị can Trịnh Xuân Thanh (SN 1966), nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây lắp dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVC), nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ông này bị bắt để điều tra về hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng sự xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên, gây thất thoát, thua lỗ hơn 3.298 tỷ đồng (giai đoạn 2011- 2013).

Ngoài ra Trịnh Xuân Thanh còn bị điều tra về vụ án Tham ô tài sản do HĐXX Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội công bố tại phiên tòa phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land.

Ngày 31/7, sau 1 năm lẩn trốn ở nước ngoài, Trịnh Xuân Thanh đã đến cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an để đầu thú.

Trước đó, Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương đưa các vụ đại án ra xét xử trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, trong đó có vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm.

Theo Dân Việt

---------------------------

Xem thêm:

Những dự án nghìn tỷ “bết bát” dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh

Dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh, hàng loạt các dự án lâm vào cảnh “bết bát”, điển hình như dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, chỉ vì sự yếu kém về năng lực, kinh nghiệm của PVC khiến khối tài sản này rơi vào tình trạng “chết yểu”.

Ông Trịnh Xuân Thanh từng có thời gian dài làm “sếp” của Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Từ năm 2007 ông Thanh làm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), rồi lên chức Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT PVC. Tuy nhiên, nhiều dự án có liên quan đến PVC dưới thời ông Thanh đều có vi phạm hoặc lâm vào cảnh “bết bát”.

Điển hình như dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ, Thanh tra Chính phủ đã đưa ra kết luận về những vi phạm có liên quan đến nhà thầu là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) tại thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch.

nhung-du-an-nghin-ty-“bet-bat”-duoi-thoi-ong-trinh-xuan-thanh

Dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ sau nhiều năm "đắp chiếu"

Dự án nhiên liệu sinh học  Phú Thọ có tổng mức đầu tư khi phê duyệt là 1.317,5 tỷ đồng, giá trị gói thầu EPC hơn 59 triệu USD nhưng trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư PVB và nhà thầu Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) đã điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC tăng thêm hơn 14,3 triệu USD. Mặc dù dự án được khởi công đầu tiên tuy nhiên theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ dự án vẫn đang ở tình trạng đầu tư dở dang và dừng thi công từ tháng 11/2011.

Nguyên nhân chủ yếu khiến dự án bị dừng thi công là do PVC chưa có năng lực, kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án nhiên liệu sinh học, điều này là vi phạm Luật Đấu thầu. Việc dừng thi công dự án cũng vi phạm hợp đồng EPC và gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư và khiến dự án khó tiếp tục thực hiện.

Cũng vì thiếu năng lực cả về tài chính, kỹ thuật và năng lực mà nhà thầu PVC đã phải dừng thi công dự án nên thiết bị, máy móc bị han gỉ, vốn đã đầu tư 1.534 tỷ đồng chưa phát huy, tăng chi phí vốn vay và các chi phí khác; việc thi công các gói thầu, dự án thành phần thuộc nhà máy cũng bị ngừng trệ.

Đánh giá của Thanh tra Chính phủ cho thấy, việc nhà thầu PVC dừng thi công đã vi phạm hợp đồng EPC nghiêm trọng, trong khi đó chủ đầu tư và nhà thầu chưa có giải pháp nên dự án ngày càng lâm vào tình trạng bế tắc.

Không chỉ làm nhà thầu EPC của dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ mà PVC cũng đảm đương nhiệm vụ làm tổng thầu EPC Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Mặc dù chính thức khởi công dự án vào tháng 2/2011 và dự kiến vận hành vào năm 2015 nhưng đến nay dự án này vẫn chưa đi vào hoạt động.

Được biết, dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất thiết kế 1.200 MW, với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD), mỗi năm dự kiến sản xuất được 6,739 tỷ kWh điện thương phẩm do Petro Vietnam làm chủ đầu tư.

Liên quan đến các sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ IV và V cũng kết luận, trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng Công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế.

Theo đó, đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự…

Theo Thiên Di (Người đưa tin)