Ma trận thực phẩm bẩn: Lối thoát nào cho người dân?

Khi ăn thực phẩm bẩn, phản ứng rõ nhất là ngộ độc, về lâu dài chúng có thể gây đột biến gen - nguồn gốc của các bệnh ung thư nguy hiểm.

Với tình hình thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay, từ rau, trái cây, đến gạo, đến thịt, việc nhà nhà lo lắng về bữa cơm hàng ngày là hoàn toàn có cơ sở.

Theo thống kê của Bộ Y tế, giai đoạn 2006-2010, cả nước có 944 vụ ngộ độc thực phẩm với 33.168 người mắc và 259 người chết.

Còn việc phân biệt thực phẩm thì gần như không thể vì khi người bán đã cố tình lừa thì người mua sẽ rất khó để phát hiện.

 

Vậy làm thế nào để tránh thực phẩm bẩn?

ma-tran
"Con đường từ dạ dày đến nghĩa trang chưa bao giờ ngắn thế", Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh.

Ủng hộ cửa hàng thực phẩm sạch

Đây là cách đơn giản nhất và hiệu quả nhất. Hiện nay, thị trường không thiếu các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, có đóng gói bao bì, nguồn gốc xuất xứ, và hạn sử dụng rõ ràng.

Nếu nhà nhà dùng thực phẩm sạch, tẩy chay thực phẩm không rõ nguồn gốc, thì đến một lúc nào đó, các thực phẩm bẩn này sẽ tự động bị đào thải khỏi thị trường vì không có khả năng cạnh tranh. Điều này đã được chứng minh ở châu Âu. Các tiệm thức ăn nhanh của Mỹ thành công ở khắp nơi trên thế giới, nhưng khi đến một số nơi ở Châu Âu đã phải đóng cửa sớm vì không ai mua. Đây chính là sức mạnh của ý thức cộng đồng mà không điều gì có thể mạnh hơn được.

Điều duy nhất khiến các gia đình băn khoăn là giá thành của thực phẩm sạch cao quá! Theo lẽ thường, khi bạn đã biết lo cho sức khoẻ của mình thì có nghĩa là bạn không còn nằm trong số những người đói nghèo ở mức miễn có ăn để sống là được. Và nếu như thế, không lẽ bạn định giá mạng sống mình thấp hơn giá thực phẩm bẩn sao?

Ngoài các loại bệnh đường tiêu hoá tức thời, khả năng dẫn đến ung thư của các độc tố có trong thực phẩm bẩn là không nhỏ. Bạn muốn chọn mua thực phẩm sạch đắt tiền hơn hay muốn mua thực phẩm bẩn và trả một đống tiền cho việc điều trị, thuốc men, lẫn thời gian mất đi do bệnh tật? Đó là chưa kể việc tính mạng của bạn có thể bị đe doạ.

Nếu thực phẩm sạch chiếm được thị trường thì giá thành sẽ ngày càng thấp đi, và sẽ đến lúc thực phẩm bẩn không còn có khả năng cạnh tranh với thực phẩm sạch, cả về chất lượng lẫn giá cả.

"Kết nghĩa" với nhà nông

Hiện có khoảng 400 các bệnh truyền qua thực phẩm, chủ yếu là các bệnh tả, lỵ trực trùng, lỵ amip, tiêu chảy, thương hàn, cúm gia cầm…

Nếu ai cũng tự nuôi trồng, tự tiêu thụ được thế thì quá tốt. Thực phẩm bẩn không len vào đâu được. Có lẽ, đó cũng là lý do tại sao ở vùng quê này các cụ sống qua 90, minh mẫn, đi lại khoẻ mạnh, không bệnh tật là bình thường.

Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng có khả năng tự sản xuất và tiêu thụ như thế. Do đó, thay vì tự sản xuất, bạn hoàn toàn có thể ủng hộ những người nông dân nhỏ lẻ này bằng cách trở thành khách hàng quen thuộc của họ. Điều này cũng không khác gì việc bạn tự nuôi trồng là mấy.

Bất lợi duy nhất của giải pháp này là nguồn thực phẩm của bạn sẽ có thể không đa dạng. Nhưng bù lại, chất lượng và độ an toàn thực phẩm sẽ không có gì bàn cãi vì người bán và người mua đều ăn cùng một thứ.

Một câu quảng cáo rất ấn tượng ở nước ngoài về vấn đề thực phẩm bẩn này như sau: Hãy trả tiền cho người nông dân bây giờ hoặc trả tiền cho bác sĩ sau này! (Pay the farmers now or pay the doctors later).

Điều này cho thấy tình hình thực phẩm bẩn là vấn đề chung của nhiều nước, ngay cả các nước phát triển như Mỹ. Và lý do duy nhất mà thực phẩm bẩn tồn tại được là do người tiêu dùng đều thích cái gì "rẻ hơn." Nên chỉ cần người tiêu dùng chịu khó bỏ tiền ủng hộ những người nông dân chân chính, cho họ đất sống, thì cũng chính là tự cứu mình khỏi bệnh tật.

Yêu chính mình

Để tạo ra thực phẩm bẩn hay buôn bán thực phẩm bẩn, người bán là người đầu tiên chịu tiếp xúc với những thứ độc hại mỗi ngày. Không chỉ gây hại qua tiếp xúc trực tiếp, những chất độc hại đó còn tiếp tục gây hại gián tiếp và lâu dài qua việc ảnh hưởng bầu không khí và nguồn nước quanh khu vực bạn sinh sống.

Do đó, ngoài các bệnh ngoài da và hô hấp do việc đụng chạm và hít thở những thứ độc hại đó mỗi ngày, bạn còn có nguy cơ bị biến đổi gen, dẫn đến những bệnh di truyền không thể chữa được qua nhiều thế hệ.

Người mua có thể nhầm nhưng người bán thì không. Nếu bạn biết yêu chính mình và coi trọng mạng sống của bản thân, xin hãy nói không với các loại hoá chất độc hại.

Theo thống kê mới nhất của Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Bệnh Tật (CDC) của Mỹ, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở Việt Nam là bệnh ung thư.

May mắn, Viện Nghiên cứu Ung thư quốc gia của Mỹ khẳng định 80% nguyên nhân dẫn đến ung thư là do những yếu tố có thể kiểm soát được, bao gồm:

+ Dinh dưỡng và lối sống (30-60%)

+ Thuốc lá (30%)

+ Ô nhiễm không khí và nguồn nước (5%)

+ Rượu (3%)

+ Phóng xạ (3%)

+ Các loại thuốc, hoá chất (2%)

Do đó, ngoại trừ những trường hợp ung thư xảy ra do di truyền, chỉ cần bạn biết chọn cho mình một chế độ dinh dưỡng với những thành phần rau củ, trái cây, thịt sạch, bạn đã và đang tự loại mình ra khỏi danh sách tử thần của căn bệnh ung thư đang hoành hành ở Việt Nam.

Tác giả Nguyễn Thị Thanh Minh (32 tuổi) tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học tại Đại học Y Albert Einstein, Bronx, New York, Mỹ năm 2014. Với kinh nghiệm và kiến thức y học sẵn có, chị sẽ đưa ra lời khuyên cho độc giả Zing.vn cách chăm sóc sức khỏe hợp lý.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh (Zing)