Ma túy kẹo có thể khiến giới trẻ 'nghiện điên đảo' đe dọa tính mạng

Trước đây ma túy kẹo được bán nhiều ở các quán bar, vũ trường nhưng hiện nay nó đang dần thu hút nhiều bạn trẻ gây nên những hệ lụy khôn lường.

Ma túy dạng kẹo 'bủa vây' giới trẻ Hà Thành

Thông tin từ báo Công an Nhân dân, từ đầu năm 2017 tới nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra hơn 200 vụ mua bán, tàng trữ và sử dụng ma túy tổng hợp (MDMA), còn gọi là ma túy dạng kẹo.

Điển hình nhất, vừa qua, Cục Cảnh sát phòng chống ma túy Bộ Công an, có sự phối hợp của Công an TP. Hồ Chí Minh đã bắt quả tang một đối tượng đang mua bán trái phép gần 1,5 kg Methamphetamine và 3,7 kg MDMA (ma túy dạng kẹo). Khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng này tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh, còn thu thêm 2,432 gam MDMA cùng một số tang vật khác. Cùng thời điểm đó, lực lượng công an còn phát hiện 3 đối tượng khác đang tàng trữ khoảng 2 kg ma túy dạng kẹo (MDMA).

Ma túy tổng hợp dạng kẹo có tên khoa học là dimethyl (methylenedioxy), phenethylamine; tên chất là MDMA. “Kẹo” có nhiều thể hình, kích thước khác nhau, có loại bằng cúc áo nhỏ, có loại hình đầu lâu, hình mặt người, dạng viên nén, nhiều màu sắc và lô gô khác nhau đã du nhập vào Việt Nam khoảng từ năm 2012 đến nay, được một số thanh niên, học sinh, sinh viên sử dụng tập thể tại các quán bar, nhà hàng…

Được biết, giá một viên ma túy dạng kẹo trong khoảng từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/viên. Loại ma túy này thường xuất hiện tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke…

Ma túy kẹo có thể khiến giới trẻ 'nghiện điên đảo' đe dọa tính mạng

 Ma túy kẹo đang thu hút giới trẻ có thể khiến người chơi mệt mỏi, suy nhược, trầm uất. Ảnh: CAND

Người dùng ma túy kẹo có thể gây ảo giác, hưng phấn, tử vong

Theo Y học ghi nhận, người sử dụng loại kẹo này cùng với âm thanh lớn kích động trong nhiều giờ liền dẫn đến mất nước. Đã có một số “dân chơi” đổ gục tại chỗ.

Nguy hiểm hơn còn có một thông tin nguy hiểm lan truyền trong giới trẻ là: Sử dụng ma túy dạng kẹo thì không bị nghiện, mà chỉ có cảm giác nhớ. Chính vì sự thiếu hiểu biết, lầm tưởng trước thông tin trên, nên nhiều bạn trẻ từ “chơi thử cho biết” đã bị nghiện, lệ thuộc vào ma túy.

Người sử dụng loại ma túy dạng kẹo này cùng với âm thanh lớn kích động trong nhiều giờ liền sẽ dẫn đến mất nước. Nhiều trường hợp bị đột quỵ do sử dụng quá liều, hưng phấn nhảy quá sức.

Cũng giống như nhiều loại ma túy khác, sử dụng kẹo ma túy sẽ tạo ảo giác, hưng phấn ban đầu, nhưng sau khi hết thuốc sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, suy nhược, trầm uất. Đã có một số trường hợp phải vào bệnh viện cấp cứu đe dọa đến tính mạng.

Thông tin thêm về loại ma túy kẹo này, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết trên báo Hà Nội mới, nhiều loại ma túy thế hệ mới được bào chế thành những viên kẹo "bắt mắt" hay được trộn vào bánh quy, đồ uống khiến giới trẻ dễ bị lừa.

Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc ma túy do ăn bánh có trộn cần sa. Hơn nữa, với một số loại thuốc điều trị có thành phần ức chế thần kinh, việc sử dụng chúng ở liều cao cũng tạo cảm giác "phê", ảo giác. Điều đáng nói là hiện nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ lên mạng, tiếp cận với thông tin y tế sai lệch, chấp nhận tác dụng phụ, tăng liều dùng những loại thuốc nói trên để có được cảm giác "phê".

Có một đặc điểm chung của các ca ngộ độc ma túy thế hệ mới, đó là khi vào viện, họ đều bị ngộ độc nặng với những biểu hiện vượt quá giới hạn chịu đựng như: Co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, không kiểm soát được hành vi. Đa số các trường hợp này đều có thái độ không hợp tác với nhân viên y tế khi điều trị. Thậm chí, có bệnh nhân còn mang theo dao để gây gổ, dọa truy sát cán bộ y tế.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, có nhiều nguyên nhân dẫn giới trẻ đến với ma túy, trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là trẻ thiếu sự quan tâm của gia đình. Nhiều bệnh nhân được sinh ra trong gia đình khá giả, cha mẹ mải làm ăn nên không thường xuyên gần gũi, chăm sóc con mình... Bệnh viện chỉ là nơi điều trị triệu chứng, muốn cách ly trẻ với nguồn chất gây nghiện thì cần phải có sự vào cuộc của gia đình, cộng đồng và chính bản thân người nghiện.

Vì vậy, bên cạnh giải pháp tuyên truyền, cảnh báo về hậu quả của việc sử dụng ma túy thế hệ mới, các cơ quan chức năng và nhà trường, gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục, quản lý để ngăn ngừa tình trạng giới trẻ tiếp cận với loại chất vô cùng độc hại này.

Theo vietq