Mất tiền vì điện thoại lạ, điện thoại lừa...

Mới đây, một anh bạn đồng nghiệp đưa lên trang cá nhân của mình cảnh báo về nạn gọi điện thoại lừa người nhận gọi lại để kiếm tiền cước.

Chuông điện thoại di động reo lên rồi vụt tắt. Thì ra là một cú nhá máy. Nhá máy tới hai lần để người nhận thêm tin tưởng là có người muốn gọi mình. Số điện thoại gọi đến là "00916382443". Nhìn thoáng qua, người ta dễ lầm đây là một cuộc gọi của thuê bao Vinaphone (091…). Chỉ cần gọi lại là nạn nhân sẽ bị trừ tiền vào tài khoản mệt xỉu luôn, thậm chí hết sạch cả tài khoản trả trước. Bởi đây là một cuộc gọi quốc tế.

Mất tiền vì điện thoại lạ, điện thoại lừa...
Số "00916382443" vừa nhìn thoáng qua dễ lầm đây là một cuộc gọi của thuê bao Vinaphone (091…).

Nhìn kỹ thì có tới 2 số 0 ở đầu số. Theo quy ước, một số 0 là gọi trong nước bằng di động và hai số 00 là gọi quốc tế. Số 91 đầu này là mã quốc gia của Ấn Độ - thiên đường của các công ty dịch vụ điện thoại quốc tế. Giá cước điện thoại quốc tế theo phương thức bình thường từ Việt Nam đi Ấn Độ hiện là 4.114 đồng/phút (MobiFone); 3.600 đồng/phút (Viettel); 500 đồng / 6 giây đầu tiên (Vinaphone).

Thật ra cái chiêu trò nhá máy để người dùng gọi lại mà lừa tiền cước này "xưa như Diễm" rồi. Từ cả chục năm trước, khi giá cước điện thoại quốc tế còn ở trên mây, không ít người đã trở thành nạn nhân của chiêu nhá máy quốc tế như vậy.

Những nạn nhân "may mắn" chỉ bị lừa mất tiền cho những cuộc gọi điện thoại quốc tế thông thường. Còn những người "xui tận mạng" là bị những số điện thoại vệ tinh (có hai đầu số +881 và +882) có tiền cước từ vài USD tới 15 USD/phút.

Càng nghiệt hơn là với điện thoại vệ tinh, chỉ cần chuông máy bên kia reng là cước bắt đầu được tính theo kiểu "chuông reo là bắn". Hai đầu số này thuộc hệ thống vệ tinh di động toàn cầu, không thuộc sự quản lý của quốc gia nào nên các nhà mạng của nước sở tại không thể truy hoàn cước cho khách hàng được. Hậu quả là có những nạn nhân mới gọi lại, không thấy ai trả lời mà đã bị mất tiền cước hơn 100.000 đồng.

Bọn lừa tiền cước điện thoại này gồm cả trong nước và ở nước ngoài. Nhiều người từng nhận được những tin nhắn SMS của người nào đó xưng tên một người bạn hay người thân của mình cho biết có chuyện cần liên lạc, nhưng hết tiền cước, đề nghị gọi lại cho số XXX nào đó.

Người viết từng nhận tin nhắn: "Em Nhung đây. Máy em hết tiền, mượn máy bạn để nhắn tin. Gọi lại ngay cho em ở số XXX có chuyện gấp lắm." Có ông anh một thời gian ngắn sau khi mua chiếc TV mới đã nhận được tin nhắn SMS báo trúng giải thưởng may mắn nhiều triệu đồng, đề nghị gọi điện thoại cho số XXX để làm thủ tục nhận giải.

Gọi vào số máy đó, có người nhấc nghe nhưng để im không trả lời. Tới chừng người gọi ngắt máy thì đã bị trừ tiền cước rồi. Thường gặp nhất là chiêu lừa người ta nhắn tin SMS trả lời tới đầu số có giá cước cao.

Cách đây không lâu từng xảy ra nhiều vụ kẻ xấu mạo danh nhà mạng điện thoại gọi điện thoại tới báo tin nợ cước nhiều triệu đồng và yêu cầu thanh toán ngay theo hướng dẫn của chúng nếu không sẽ bị cắt điện thoại trong 1 hay 2 giờ nữa.

Nói chung là đủ mọi chiêu trò lừa đảo. Bọn lừa đảo ngày càng tinh vi và tinh tướng, nghĩ ra đủ kiểu để lừa thiên hạ.

Rất nhiều cú nhá điện thoại được thực hiện lúc nửa khuya để người nhận hoặc trong lúc chưa tỉnh ngủ mắt nhắm mắt mở không coi kỹ số điện thoại, hoặc sáng sớm thức dậy thấy có cuộc gọi lỡ bèn gọi lại.

Bây giờ hệ thống viễn thông chấp nhận dùng dấu + thay cho mã 00 quốc tế nên tuy tiện lợi nhưng càng dễ gây nhầm lẫn cho người dùng "ngây thơ nên chuốc vô số tội".

Mà cho dù có dùng mã truyền thống 00 thì với quá nhiều mã di động như hiện nay, người ta cũng dễ bị nhầm lẫn. Chẳng hạn như trường hợp số "0091…" dễ bị nhầm là của mạng Vinaphone.

Mất tiền vì điện thoại lạ, điện thoại lừa...
Giới trẻ, dân thành thị mà lơ mơ còn dính chấu huống chi các ông bà lớn tuổi và người nhà quê.

Các nhà mạng di động nói rằng khi phát hiện, họ sẽ chặn ngay các đầu số lừa đảo đó. Nhưng thực tế, chúng như đầu Phạm Nhan thôi, chặt cái này, mọc ngay cái khác. Hơn nữa, việc thanh toán các cuộc gọi quốc tế vẫn phải thông qua các nhà mạng địa phương và họ được hưởng một tỷ lệ tiền cước.

Vậy nên, giải pháp khả thi nhất vẫn là ta phải tự cứu lấy mình. Bây giờ, dịch vụ gọi quốc tế đã trở nên mặc định cho các thuê bao chứ không cần phải đăng ký như xưa. Vì thế, nếu không có nhu cầu gọi điện quốc tế, đặc biệt là với máy của những người lớn tuổi, ta nên yêu cầu nhà mạng tắt dịch vụ này.

Xin đừng nhầm lẫn với dịch vụ chuyển vùng quốc tế (roaming) chỉ sử dụng được khi ở nước ngoài. Việc dùng các ứng dụng hay tính năng chặn cuộc gọi thực tế chỉ có thể sử dụng khi ta biết rõ những số điện thoại muốn chặn mà thôi.

Suy đi tính lại, giải pháp an toàn và có thể làm ngay trong vòng 1 nốt nhạc là kiên quyết kiên định lập trường nêu cao tinh thần cảnh giác không bao giờ gọi lại cho các số điện thoại lạ, đặc biệt là từ nước ngoài.

Tốt nhất là cứ theo chân lý: "Ai thật sự cần thì sẽ gọi lại cho mình." Mà hiện nay, việc nhận các cuộc gọi từ quốc tế gọi đến hoàn toàn miễn phí. Nhà mạng chỉ tính cước các cuộc gọi đi quốc tế. Còn chuyện tò mò hoặc hay quên mà mất cảnh giác, phạm sai lầm thì "hồn ai nấy giữ, ví ai nấy hao".

Theo phunuonline