Mua rượu phải xuất trình chứng minh thư?

Gần một tháng sau khi NĐ 105/2017/NĐ - CP về sản xuất, kinh doanh... rượu có hiệu lực, trong đó quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, nhưng đa số các cửa hàng vẫn phớt lờ quy định. Họ cho rằng, quy định này rất khó thực hiện khi không thể xác minh được độ tuổi của khách hàng.

Mua rượu phải xuất trình chứng minh thư?

Nhiều cửa hàng rượu cho rằng quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi khó thực hiện. Ảnh: K.O

Chỉ cấm không chưa đủ

Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu (thay thế Nghị định 94/2012) chính thức có hiệu lực từ 01/11/2017, một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu là bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động...

Tuy nhiên, đã gần một tháng sau khi Nghị định chính thức có hiệu lực, cả người bán lẫn người mua rượu đều trả lời họ “không biết” hoặc “chỉ biết sơ sơ”. Những nơi biết đến quy định thì cho rằng “không dễ làm”. Theo khảo sát của phóng viên, chỉ có một số cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh rượu có thương hiệu mới treo bảng "Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi".

Anh Nguyễn Văn Dũng - một khách hàng đang chọn rượu tại một cửa hàng trên phố Thái Hà (Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng chưa nắm rõ về quy định đó nhưng trước việc kinh doanh rượu đang diễn ra tràn lan thì quy định đó là cần thiết. Hiện tại, bất kỳ ai, ở đâu cũng có thể mua rượu với nồng độ cồn cao song không có cơ quan nào kiểm tra, quản lý. Nhiều đơn vị kinh doanh thì vì lợi nhuận mà cố tình phớt lờ những quy định của Chính phủ”.

Bạn Nguyễn Thanh Thúy - một nhân viên bán hàng tại cửa hàng tạp hóa trên đường Lạc Long Quân (Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng có biết sơ sơ về quy định này nhưng với những người bán hàng như chúng tôi thì việc xác định tuổi của khách hàng qua ngoại hình bên ngoài là rất khó. Còn nếu mình yêu cầu kiểm tra giấy tờ của khách hàng thì lại rất tế nhị, cách làm này chẳng khác gì đuổi khách hàng”.

Bà Nguyễn Cẩm Tú – chủ một cửa hàng bán rượu trên phố Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cùng chung quan điểm: “Tôi cũng đã tìm hiểu những quy định trên nhưng không biết cách làm. Muốn kiểm soát được độ tuổi chỉ có cách buộc khách hàng phải xuất trình chứng minh thư nhưng điều này chưa có trong quy định nên rất khó để áp dụng. Mong các cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể chúng tôi làm theo, thuận tiện cho cả người mua và người bán”.

Ngay kể cả trên các website hay trên một số trang mạng xã hội, việc rao bán rượu vẫn diễn ra đầy rẫy. Trên các website này không hề có bất kì một dòng chữ nói đến việc cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Chỉ cần khách hàng có nhu cầu, các đơn vị này vẫn cung cấp đầy đủ sản phẩm mà không cần biết độ tuổi của khách hàng.

Quy định khó khả thi

Rõ ràng, quy định đã có nhưng cả người mua lẫn người bán vì nhiều lý do vẫn phớt lờ quy định. Tại Việt Nam có đến 6% các vụ tai nạn giao thông do rượu, bia (4.800/12.000 người chết), thiệt hại một năm khoảng 2,9% GDP; 60% các vụ bạo lực gia đình đến từ rượu, bia và 15% giường bệnh tâm thần dành cho người loạn thần cũng do rượu... Những con số trên đã khiến Chính phủ đưa ra những quy định thắt chặt quản lý việc kinh doanh, sử dụng rượu bia.

Theo các chuyên gia, người ở tuổi vị thành niên chưa hoàn thiện thể chất và tinh thần, khả năng nhận thức và làm chủ hành vi còn nhiều hạn chế, cho phép nhóm đối tượng này sử dụng rượu là rất nguy hiểm. Chính vì vậy, quy định cấm bán rượu cho đối tượng dưới 18 tuổi là thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, chúng ta cần làm thế nào để tránh trường hợp phát động rồi để đấy giống như việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng hay cấm cởi trần, mặc quần áo lót nơi hội họp đông người,...; có lời nói hoặc cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa nơi công cộng; hành vi say rượu, bia tại ở công sở... (NĐ 73/2010/NĐ-CP).

Theo PGS-TS Trịnh Hòa Bình, nhà Tâm lý học - Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam quy định cấm bán rượu cho đối tượng dưới 18 tuổi là một chủ trương tốt, cần được vận dụng: “Tôi muốn lấy một ví dụ từ câu chuyện cấm hút thuốc lá nơi công cộng.

Chúng ta cũng đã có những quy định cụ thể, thậm chí Luật Phòng chống tác hại thuốc lá còn đưa ra các hình phạt về việc hút thuốc lá ở nơi công cộng nhưng cuối cùng chúng ta cũng không thực hiện được. Từ đấy, dẫn đến câu chuyện có cần thiết quy định việc cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi hay không. Bởi vì người ta sợ rằng quy định này cũng không thực hiện được. Tôi nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được. Cái chính là chúng ta có quyết liệt để làm hay không”.

Do vậy, để quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi đi vào cuộc sống, chuyên gia Trịnh Hòa Bình đã đưa ra một số giải pháp: “Việc đầu tiên mà chúng ta cần làm là tuyên truyền để đưa pháp luật vào đời sống hàng ngày, việc làm này không thể làm ngày một ngày hai mà cần làm thường xuyên, liên tục từ các nhà quản lý đến mỗi người dân.

Bên cạnh việc tuyên truyền thì cũng cần có chế tài phạt người mua và chế tài phạt cả người bán. Đồng thời có những hình thức xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân chống đối lại chủ trương. Chúng ta cần phải in những dòng quảng cáo, cảnh báo, đe dọa về tác hại của rượu bia giống như trên các bao thuốc”.

“Ngoài ra, khâu hậu kiểm cũng rất quan trọng. Chúng ta cần có lực lượng tranh tra, kiểm tra ở các địa bàn để sớm phát hiện ra những sai phạm và có hình thức xử lý nghiêm. Giống như ở Singapore, người ta giải quyết vệ sinh môi trường tuyệt vời vì ngoài phạt nặng, họ có đủ người giám sát, xử phạt...Một khi mình biến những điều đó trở thành pháp lệnh thì tất cả đều phải thực hiện. Còn thực tiễn có thể bây giờ thực hiện chưa tốt nhưng không thể vì chưa tốt mà không làm” ông Bình cho hay.

Tại một quán nhậu trên phố Trần Vỹ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chúng tôi cũng đã thực hiện một phép thử khi để cho một hành khách dưới 18 tuổi gọi rượu. Tuy nhiên, phục vụ của quán vẫn nhanh chóng mang rượu ra mà không hề có bất kì một câu hỏi tuổi của khách hàng. Khi thực khách đặt câu hỏi: “Em chưa 18 thì có được uống rượu không chị?” thì nhân viên trả lời: “Cái này tùy thuộc ở bạn”.

Theo GiaDinh