Nên sấy hay lau tay bằng giấy sau khi rửa tay và mối nguy hại không ai ngờ tới

Sau khi đi toilet, đa phần chúng ta sẽ đi rửa tay (sở dĩ ghi là "phần lớn" là vì có nhiều người chẳng buồn rửa). Nhưng câu chuyện sau khi rửa mới là thứ cần để bàn đến ngày hôm nay.

"Năm người, mười ý" - con người là những sinh vật rất hay tạo ra tranh cãi và bất đồng. Chẳng tìm đâu xa, chỉ riêng việc nên lau hay sấy sau khi rửa tay trong WC công cộng cũng đủ để khiến cả nhân loại chia thành hai phe, cãi cọ ỏm tỏi rồi.

Tại sao phải cãi nhau? Cần biết rằng bạn rửa tay không chỉ để sạch, mà còn để không làm lây lan vi khuẩn có hại ra ngoài cộng đồng. Và nếu vì mục đích ấy, bạn bắt buộc phải làm khô tay, vì tay ẩm sẽ là môi trường rất thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập.

Trong các nhà vệ sinh công cộng, bạn sẽ có 2 lựa chọn: lau bằng giấy, hoặc dùng máy sấy tay.

Nên sấy hay lau tay bằng giấy sau khi rửa tay và mối nguy hại không ai ngờ tới

Nếu lau bằng giấy, đó rõ ràng không phải là cách làm phù hợp với môi trường, nhất là trong bối cảnh mỗi năm con người đang quá lãng phí giấy. Vậy nên nhiều người chọn dùng máy sấy tay, dù có thể lâu hơn một chút nhưng sạch sẽ và tốt cho môi trường hơn.

Tuy nhiên, có những thứ tưởng vậy mà không phải vậy. Việc dùng máy sấy tay trong các nhà vệ sinh công cộng hóa ra lại ẩn chứa một nguy cơ bất ngờ.

Máy sấy tay có thể thổi virus xa tới phạm vi 3 mét, khả năng lây lan tăng hàng trăm lần

Đúng là như vậy đấy! Trong rất nhiều thử nghiệm thì việc sử dụng máy sấy tay trong các nhà vệ sinh công cộng làm tăng khả năng lây lan của các loại vi khuẩn, nấm, virus vào không khí. Trong đó có nhiều loại virus nghe là thấy "rùng mình", như herpes, viêm gan, tiêu chảy, nôn mửa...

Mỗi loại máy sấy cũng cho kết quả khác nhau. Các loại máy sấy sử dụng lực gió thổi để làm khô tay có khả năng làm vi khuẩn phát tán cao hơn gấp 60 lần so với các loại dùng nhiệt. Và quan trọng nhất là nếu so với sử dụng khăn giấy, tỉ lệ lây lan cao hơn tới 190 lần.

Nên sấy hay lau tay bằng giấy sau khi rửa tay và mối nguy hại không ai ngờ tới

Máy sấy tay có thể làm tăng khả năng lây lan của vi khuẩn

Để kiểm chứng điều này, các chuyên gia từ ĐH Westminster London đã sử dụng một loại virus mang tên MS2. Virus này chỉ có thể lây nhiễm sang vi khuẩn nên vô hại với con người, nhưng có tính chất gần giống với các loại virus nguy hiểm.

Tiếp theo, họ đặt những mô hình người đã được phủ chất đánh dấu vi khuẩn (agar plates) gần các máy sấy tay, rồi kích hoạt máy.

Kết quả thì sao? Một chiếc máy sấy tay công suất lớn với vận tốc gió lên tới 134 m/s có thể thổi virus trong phạm vi 3m, và phân tán dễ hơn gấp 190 lần so với sử dụng khăn giấy.

Chúng bám vào phần mặt với mô hình trẻ em, và phần bụng với người lớn. Hơn nữa, máy sấy còn khiến vi khuẩn bám lại các bề mặt lâu hơn bình thường.

Theo các chuyên gia, đây là một phát hiện quan trọng về con đường lây lan của vi khuẩn, rất có ích đối với những môi trường công cộng như bệnh viện, nhà hàng...

Chúng ta nên làm gì sau khi rửa tay?

Với phát hiện này, hiển nhiên chúng ta phải lựa chọn khăn giấy, vì dù thế nào thì bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng vẫn quan trọng nhất.

Nên sấy hay lau tay bằng giấy sau khi rửa tay và mối nguy hại không ai ngờ tới

Tuy nhiên, việc lãng phí giấy là không hề tốt. Hãy lau tay một cách hạn chế và tiết kiệm hơn - ví dụ mỗi lần chỉ lau bằng 1 tờ giấy chẳng hạn. Ngoài ra, bạn có thể tập thói quen mang theo khăn vải chuyên dùng để lau tay. Chỉ cần nhớ giặt nó thường xuyên là được.

Theo Ttvn

--------------------

Xem thêm:

Tránh xa máy sấy tay nếu không muốn bị điếc và nhiễm bệnh

Một nghiên cứu mới nhất cho thấy, âm thanh phát ra từ máy sấy tay siêu tốc cao gấp 11 lần và số lượng vi khuẩn trên máy sấy là cao hơn 27 lần bình thường.

Thông thường những nhà vệ sinh công cộng hiện đại thường cho người dùng hai lựa chọn: một máy sấy hoặc khăn giấy. Đa phần mọi người lựa chọn máy sấy siêu tốc để rút ngắn thời gian làm khô tay mà không hề biết rằng việc làm này rất có hại.

Ngoài nguy cơ tăng khả năng lây lan virus lên đến 1.300 lần thì tiếng ồn phát ra từ loại máy này còn gây tổn thương lớn cho thính giác của chúng ta. 

Đây là kết luận mới các chuyên gia thế giới vừa công bố và khuyến cáo đến người dân. Theo đó, máy sấy tay sử dụng không khí phản lực hiện đại có khả năng làm khô tay trong vài giây, bắn ra không khí ở tốc độ 400mph để thổi hơi. Cùng với đó, tiếng ồn phát ra cực mạnh lúc mọi người sấy tay được ví như mũi khoan khí nén tác động đến tai ở khoảng cách gần.

 Tránh xa máy sấy tay nếu không muốn bị điếc và nhiễm bệnh

  Máy sấy trong nhà vệ sinh công cộng đang làm tăng nguy cơ hỏng thính giác. Ảnh: Dailymail. 

Theo một công ty trợ thính, điều này có thể gây thiệt hại lâu dài cho những người đã có vấn đề về thính giác hoặc trẻ em và người cao tuổi.

Phát ngôn viên của Audiologist.co.uk, Jonathan Ratcliffe cho biết: "Khi sử dụng máy sấy tay cấp tốc này, người sử dụng như đứng trước một công nhân xây dựng đang khoan bê tông và... tiếng ồn phát ra cũng tương tự như vậy". 

Các nhà nghiên cứu từ Goldsmiths, Đại học London vào năm 2013 đã nghiên cứu cường độ âm thanh decibel đo từ máy sấy tốc độ cao cao gấp 11 lần mức bình thường.

 Tránh xa máy sấy tay nếu không muốn bị điếc và nhiễm bệnh

Nên hạn chế sử dụng máy sấy tay siêu tốc ở nhà vệ sinh công cộng nếu không muốn bị hỏng thính giác. 

Ông Ratcliffe nói: "Hầu hết các nhà vệ sinh là không gian nhỏ bao quanh là tất cả các gạch, thép không gỉ và gương. Điều đó có nghĩa là bất kỳ âm thanh nào cũng có thể được khuếch đại và áp lực lên trống tai tăng lên". Những ảnh hưởng này rất nguy hiểm đối với trẻ em, vì máy thường nằm ở cùng độ cao như đầu của chúng.

Trước đó, năm 2014, một nghiên cứu khác của Đại học Leeds cũng tìm thấy số lượng vi khuẩn trên máy sấy là cao hơn 27 lần so với khăn giấy.

Trước đó năm 2005, có một nghiên cứu được thực hiện tại Đức chỉ ra lau tay bằng giấy giúp lấy đi 24% vi khuẩn. Trong khi đó, máy sấy lại làm tăng con số lên 17%.

Có vẻ như tất cả các phát hiện này đang ủng hộ việc sử dụng lại phương pháp truyền thống để lau tay, thay vì thiết bị sấy được cho là hiện đại và sang trọng. Những cơ sở nên đánh giá lại vấn đề này đầu tiên là bệnh viện, phòng phẫu thuật và các nhà hàng… Đây là những địa điểm quan trọng trong việc kiểm soát sự lây lan của bệnh tật.

Theo vietq