Ngoài vàng miếng, Nhà nước muốn độc quyền huy động vàng cá nhân

NHNN đang đưa ra dự thảo sửa đổi với quy định Nhà nước độc quyền huy động vàng từ cá nhân, kinh doanh vàng tài khoản.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến.

Trong dự thảo Nghị định mới, NHNN đề xuất một loạt giải pháp về thủ tục cấp, thu hồi Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng, hoạt động huy động vàng, cũng như nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất vàng...

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 24, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên, theo dự thảo Nghị định sửa đổi, NHNN bổ sung quy định kinh doanh vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bao gồm hoạt động kinh doanh vàng khác.

Ngoài vàng miếng, Nhà nước muốn độc quyền huy động vàng cá nhân
Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 24, Nhà nước sẽ độc quyền huy động vàng từ tổ chức, cá nhân. Ảnh: Lê Hiếu.

Hoạt động kinh doanh vàng khác ở đây bao gồm huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng tài khoản. Đây đều là những hoạt động chưa được quy định cụ thể tại Nghị định 24.

NHNN cho rằng huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản là hoạt động tiềm ẩn rủi ro đối với các doanh nghiệp tham gia, gây nhiều tác hại tiêu cực đối với chính sách tiền tệ và nền kinh tế.

Trước đây, thị trường vàng từng biến động rất mạnh trong cuộc khủng hoàng kinh tế toàn cầu năm 2008. Hoạt động huy động - cho vay vốn bằng vàng đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, làm gia tăng tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế.

Sau khi Nghị định 24 được áp dụng, tình trạng này đã được chấm dứt. Nhưng việc vay vàng của người dân hiện nay để bán lấy tiền mua vàng nguyên liệu sản xuất lại gây rủi ro biến động giá vàng cho doanh nghiệp. Còn nếu dùng vàng của dân để làm nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, khi dân đến rút vàng mà chưa bán được vàng trang sức để mua vàng trả lại dân.

Ngoài vàng miếng, Nhà nước muốn độc quyền huy động vàng cá nhân
Biến động giá vàng miếng SJC trong nước một năm vừa qua. Nguồn: SJC.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản giai đoạn 2007-2009 đã xuất hiện một số sàn giao dịch vàng. Các giao dịch quy mô lớn trên sàn vàng ảnh hưởng đến nền kinh tế, làm giảm hiệu quả của chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Điều này tiềm ẩn rủi ro thị trường vàng bị lũng đoạn bởi các nhà đầu tư có tiềm lực lớn với các cơn sóng vàng ảo...

Theo đó, NHNN đề xuất trong dự thảo Nghị định 24 sửa đổi quy định Nhà nước độc quyền hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản.

Nội dung dự thảo sửa đổi Nghị định 24, NHNN cũng cho biết sức hấp dẫn của vàng miếng hiện nay đang suy giảm.

Từ năm 2014 đến nay, doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống có xu hướng giảm, nhiều thời điểm giảm hơn 50% so với năm 2013. Tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế đã bị loại bỏ.

Số liệu NHNN cho biết trước đây có khoảng 12.000 doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh vàng kinh doanh mua, bán vàng miếng. Sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, số lượng điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng trên toàn quốc đã giảm còn khoảng 2.242 điểm.

Từ năm 2012 đến nay, NHNN chưa cấp phép cho đơn vị nào nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các đơn vị tự cân đối nguồn vàng nguyên liệu trên thị trường.

Theo zing