Người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ như thế nào?

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề được Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm hiện nay. Thực tiễn cho thấy quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, dù Việt Nam đã có hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khá rõ ràng.

Bị xâm phạm quyền lợi, người tiêu dùng vẫn chưa biết khiếu nại ở đâu

Câu chuyện chai nước ngọt chứa dị vật của Tân Hiệp Phát, Khaisilk bán khăn lụa nguồn gốc Trung Quốc, giả danh thương hiệu Việt làm nóng dư luận trong thời gian qua cho thấy người tiêu dùng vẫn chưa nắm rõ luật, khi quyền lợi của mình bị xâm hại chưa biết khiếu nại tới cơ quan nào. 

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8, thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Tiếp sau đó, ngày 27 tháng 10 năm 2011 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2011.

Người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ như thế nào?

Công tác triển khai thi hành hệ thống những văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng đã tạo ra ý thức bảo vệ người tiêu dùng mạnh mẽ trên toàn quốc với mục tiêu xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng. Điều 47 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi cả nước. Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, văn bản pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chỉ đạo hoặc phối hợp với các cơ quan khác trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuyên truyền phổ biến pháp luật và hiểu biết liên quan đến người tiêu dùng. 

Hệ thống các cơ quan Nhà nước bảo vệ người tiêu dùng:

Trung ương

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, trong đó Trung ương nắm vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo tuỳ theo nhiệm vụ, chức năng của mình, trong đó đứng đầu là Bộ Công Thương. Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chính về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tiếp đó, Cục Quản lý cạnh tranh là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cục có nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền..

Bên Cạnh Cục quản lý cạnh tranh, còn có một cơ quan khác rất quan trọng đến quản lý bảo vệ người tiêu dùng đó là Cục quản lý thị trường với nhiệm vụ thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, xử lý các vi phạm hành chính về tiêu dùng. Có thể nói, quản lý thị trường là một trong những lực lượng nòng cốt để giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua công tác chống hàng giả, hàng nhái..

Người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ như thế nào?

Địa phương 

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương. Sở Công Thương là cơ quan giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn. 

Ủy ban nhân dân cấp huyện:  Là cơ quan quyết định đơn vị giúp Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn huyện mình.

Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là bộ phận trực thuộc Cục Quản lý cạnh tranh giúp Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Chi tiết về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương được quy định cụ thể tại Điều 35 Nghị định 99/2011/NĐ - CP ngày 27/10/2011. 

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước, toàn xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò vô cùng quan trọng và toàn diện trong sự nghiệp bảo vệ người tiêu dùng nhưng cần phải có tham gia chủ động, tích cực của các bên liên quan thì quyền lợi người tiêu dùng mới được bảo vệ nhanh chóng và hiệu quả nhất. 

Theo tieudung