Người Việt coi chừng hết thuốc chữa vì mua kháng sinh dễ như ra chợ mua rau

Các hiệu thuốc từ thành thị tới nông thôn, đâu đâu cũng bán kháng sinh tràn lan, dễ dãi chẳng khác gì mớ rau, con cá ngoài chợ... Đây là thực trạng rất đáng báo động về việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi tràn lan tại nước ta.

Người Việt coi chừng hết thuốc chữa vì mua kháng sinh dễ như ra chợ mua rau

Mua thuốc kháng sinh ngoài tiệm thuốc rất dễ dàng

Không ở đâu như ở Việt Nam, việc mua bán thuốc kháng sinh lại dễ dàng như vậy: không cần đơn thuốc, chẳng cần chỉ dẫn của bác sĩ cũng có thể mua được hàng chục loại kháng sinh khác nhau trên thị trường.

Thậm chí nhiều người chỉ hắt hơi, sổ mũi cũng ngay lập tức “tống” kháng sinh vào cơ thể, miễn cần biết hậu quả, tác dụng như thế nào. Trong khi đó, các hiệu thuốc từ thành thị tới nông thôn, đâu đâu cũng bán kháng sinh tràn lan, dễ dãi chẳng khác gì mớ rau, con cá ngoài chợ...

Đây là thực trạng rất đáng báo động về việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi tràn lan tại nước ta đang gây ra nhiều mối nguy hại về sức khỏe và cả kinh tế - xã hội cho cộng đồng do kháng kháng sinh gây ra.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, tình trạng kháng kháng sinh đang là vấn đề quan ngại mang tính toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Trong đó, Việt Nam được xem là quốc gia có tình trạng kháng kháng sinh nghiêm trọng nhất và đứng hàng đầu trên thế giới do không kiểm soát được việc sử dụng kháng sinh trong cộng đồng.

Theo nhiều chuyên gia y tế, kháng kháng sinh là tình trạng các vi khuẩn, vi rút, nấm, ký sinh trùng... kháng lại thuốc kháng sinh đã nhạy cảm với các vi sinh vật này trước đây. Hay nói cách khác là các thuốc kháng sinh thường dùng chữa bệnh không còn tác dụng trên lâm sàng, không thể tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, ngay cả khi chúng ta sử dụng kháng sinh với nồng độ cao và thời gian dài.

Đây thực sự là hiểm họa to lớn bởi lẽ vi khuẩn gây bệnh sẽ lộng hành, phát triển mà không còn sợ hãi trước các “vũ khí” của con người. Những vi khuẩn kháng thuốc sẽ gia tăng nhanh chóng, lan rộng và gây bệnh trước sự bất lực của các bệnh viện và y, bác sĩ.

Mới đây, tại hội nghị khoa học toàn quốc về hồi sức cấp cứu và chống độc, GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam đã cảnh báo về thực trạng hầu hết bệnh viện ở Việt Nam đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều nhóm kháng sinh.

Đặc biệt nghiên cứu tại các tỉnh phía Nam cho thấy, vi khuẩn đường ruột Ecoli kháng kháng sinh lên tới 74,6%, tỷ lệ kháng của vi khuẩn gây nhiễm trùng K. pneumoniae lên tới gần 60%, còn khuẩn A.baumannii gây nhiễm khuẩn bệnh viện có tỷ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh ở mức trên 90%.

Với nhóm kháng sinh Carbapenem là nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay cũng có tỷ lệ kháng thuốc lên tới 50%. Trong khi đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng không ít lần cảnh báo về việc nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ thứ nhất có hiệu quả thì tại Việt Nam đã phải sử dụng tới các loại kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một số loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng kháng thuốc nói chung và kháng kháng sinh nói riêng, nhưng có thể thấy rõ chính tình trạng sử dụng thuốc tràn lan như hiện nay trong đời sống là nguyên nhân cơ bản. Thống kê cho thấy, trong hơn 5 năm qua, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần.

Trong đó có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra cho người dùng mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỷ lệ này lên tới 91%. Nhiều cuộc điều tra của Bộ Y tế và một số tổ chức độc lập về tình trạng lạm dụng kháng sinh ở Việt Nam đã cho những kết quả thực sự “giật mình”.

Trong các bệnh viện ở nước ta có tới 50% chi phí khám chữa bệnh dành cho tiền thuốc điều trị thì thuốc kháng sinh chiếm tới 33%. Tỷ lệ sử dụng kháng sinh ở các bệnh viện tuyến trung ương chiếm gần 30% chi phí điều trị, trong khi các bệnh viện tuyến dưới là xấp xỉ 45%.

Không chỉ có lĩnh vực y tế mà việc sử dụng tràn lan kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi cũng đang trở thành một vấn đề nhức nhối, góp phần tạo nên cuộc “khủng hoảng” kháng sinh đối với con người. 

Không thể phủ nhận sự phát triển của y học và các loại kháng sinh giúp cho con người có được công cụ hữu hiệu chống lại những bệnh nhiễm trùng, vi khuẩn nguy hiểm đe dọa tới sức khỏe và tính mạng. Tuy nhiên, rất đáng lo ngại khi thứ “vũ khí” quan trọng này ngày càng mất đi sự hiệu nghiệm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả cộng đồng, cũng như từng cá nhân.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, các bệnh thông thường như: ho, cảm cúm hay chỉ một vết cắt cũng có thể gây tử vong cho con người.

Tệ hơn, đối với Việt Nam, với tốc độ kháng kháng sinh nhanh chóng mặt như hiện nay thì chỉ vài năm nữa thôi là có thể xảy ra tình trạng nhiều loại bệnh thông thường cũng không có thuốc chữa khỏi vì vi khuẩn đã kháng mọi loại kháng sinh.

Trước thực trạng báo động trên, Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh, trong đó Bộ Y tế đã quyết định thành lập nhóm kỹ thuật và hệ thống giám sát kháng thuốc giai đoạn từ năm 2017-2020.

Tăng cường xây dựng các quy định pháp luật nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm dụng kháng sinh khi kê đơn thuốc của bác sĩ và buôn bán kháng sinh tràn lan trên thị trường. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền khuyến cáo người dân và cán bộ y tế nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen để hạn chế sử dụng tiến tới giảm bớt sự lệ thuộc vào kháng sinh mỗi khi ốm đau.

Theo SGGP