Người Việt sẵn sàng chi trả cao cho thực phẩm đảm bảo an toàn?

Ngày 15/11, Tọa đàm Việt – Pháp về văn hóa ẩm thực và an toàn vệ sinh thực phẩm đã diễn ra tại TP.HCM.

Người Việt sẵn sàng chi trả cao cho thực phẩm đảm bảo an toàn?

Văn hóa ẩm thực giữa Pháp và Việt Nam có nhiều mối tương đồng, đặc biệt, sự giao thoa giữa hai nền ẩm thực Đông và Tây trong nhiều năm qua đã giúp cho nền ẩm thực hai nước xích lại gần nhau hơn, qua đó, bổ sung, làm giàu cho nhau.

Ông Bertrand Lortholary, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam cho biết, một phần của văn hóa ẩm thực Việt Nam chịu ảnh hưởng từ nền ẩm thực của Pháp và ngược lại, văn hóa ẩm thực Pháp cũng bị ảnh hưởng bởi ẩm thực đa dạng của Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2018 tới, hai nước Việt Nam và Pháp sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, qua đó càng khẳng định sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong suốt những năm qua.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hành vi tiêu dùng thực phẩm ngày càng thay đổi, ông Bertrand Lortholary cho rằng, sự chia sẻ, giao lưu giữa các nền văn hóa là rất quan trọng, trong đó có sự chia sẻ về niềm tin chất lượng sản phẩm.

Tọa đàm là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp của Việt Nam và Pháp cùng nhau trao đổi, chia sẻ những thay đổi trong xu hướng người tiêu dùng tại Việt Nam và Pháp. Qua đó, tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo chất lượng thực phẩm đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng hiện nay.

Ông Võ Mầu, đại diện Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam cho biết, Việt Nam vẫn chưa đảm bảo hoàn toàn chất lượng sản phẩm nông sản. Do vậy, đã hình thành một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam rất thích các sản phẩm rau, củ, quả ngoại nhập, bởi sản phẩm này có những tiêu chuẩn về an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Hơn nữa, họ không ngại và sẵn sàng chi trả cao hơn 20% cho sản phẩm nhập khẩu mà trong nước vẫn có sản phẩm tương tự.

Qua nghiên cứu về thay đổi về yêu cầu người tiêu dùng Việt Nam, bà Đinh Tường Lan, đại diện Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp phát triển quốc tế Pháp CIRAD cho biết, người tiêu dùng Việt Nam dành khoảng 40% tổng thu nhập cho chi tiêu thực phẩm.

Bên cạnh đó, hệ thống bán lẻ cũng tăng nhanh chóng, cùng với sự tồn tại của các kênh phân phối truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ thực phẩm được người dân rất quan tâm với 80% người dân sẵn sàng chi trả cao cho sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

Tại tọa đàm, các đại biểu phân tích, để chất lượng thực phẩm an toàn, Nhà nước đã tiến hành thanh kiểm tra; đồng thời, có nhiều chính sách hỗ trợ tiêu thụ thực phẩm an toàn và truyền thông đến người dân. Song, nhiều đại biểu cho rằng, vẫn còn những khó khăn, bất cập, trong đó, khó khăn về nguồn nhân lực, kỹ thuật, kinh phí đảm bảo duy trì hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Theo bà Đinh Tường Lan, cần thiết có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ liên ngành giữa các Sở, ban, ngành liên quan tại Việt Nam; sự quan tâm của lãnh đạo nhà nước hơn nữa trong vấn đề đảm bảo chất lượng lương thực, thực phẩm đến tay người tiêu dùng Việt Nam cũng như xuất khẩu đi các nước.

Theo infonet