Nhiều bất cập trong việc nhập khẩu thực phẩm vào Việt Nam

Việc đưa thực phẩm tươi sống đến với người tiêu dùng Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là về tiêu chí, tần suất, thời gian kiểm tra thực phẩm. Đó là ý kiến của đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra tại hội thảo trao đổi ý kiến công tư giữa doanh nghiệp Nhật Bàn và các Bộ, ngành Việt Nam về lĩnh vực thực phẩm.

Ngày 14/3, tại TP Hồ Chí Minh, Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Văn phòng Jetro Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo trao đổi ý kiến công tư giữa doanh nghiệp Nhật Bản và các Bộ, ngành Việt Nam về lĩnh vực thực phẩm.

Công khai các tiêu chí về thực phẩm

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản phản ánh: Hiện nay, theo quy định của Việt Nam đối với thực phẩm lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam, trước khi nhập khẩu, nhà nhập khẩu phải làm thủ tục đăng ký công bố hợp quy với Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế sau khi tiến hành đánh giá hợp quy đối với sản phẩm nhập khẩu.

Cụ thể, hồ sơ cần thiết để công bố hợp quy sẽ khác nhau phụ thuộc vào việc sản phẩm cần công bố đã có quy chuẩn kỹ thuật tại Việt Nam hay chưa.

Tuy nhiên, trong trường hợp sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật tại Việt Nam, sau khi làm hồ sơ đăng ký và mặc dù đã nộp kết quả kiểm nghiệm thành phần của sản phẩm nhưng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế vẫn thường xuyên yêu cầu nộp kết quả kiểm nghiệm bổ sung để xác nhận xem trong sản phẩm này có chứa các chất đặc biệt hay không.

Vì vậy, mong Chính phủ Việt Nam nghiên cứu công khai các tiêu chí về việc thực phẩm nào và thành phần nào thì cần phải nộp kết quả kiểm nghiệm bổ sung.

nhieu-bat-cap-trong-viec-nhap-khau-thuc-pham-vao-viet-nam
Quang cảnh buổi hội thảo.

Giải thích vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lê Văn Giang cho biết: Về vấn đề kiểm nghiệm, Việt Nam quy định rằng, sẽ công nhận các kết quả kiểm nghiệm từ phía Nhật Bản nếu như kết quả đó được công bố từ các phòng kiểm nghiệm đã đạt tiêu chuẩn.

Do đó, khi sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam sẽ chỉ kiểm tra thêm một số yếu tố như quy định của Việt Nam có quy định chỉ tiêu kỹ thuật nào đó mà trong phiếu kiểm nghiệm cung cấp từ phía Nhật Bản không đáp ứng đủ. Còn trong trường hợp chưa có hợp quy thì số lượng sản phẩm có quy chuẩn kỹ thuật là không có nhiều.

Ở Việt Nam cũng giống như các nước, số lượng nhóm sản phẩm thực phẩm theo quy định quy chuẩn kỹ thuật không đều và rất hạn chế. Nên phải dựa vào bản chất sản phẩm nó được cấu tạo từ thành phần gì và chúng tôi có văn bản để căn cứ vào đó để ra các chỉ tiêu cần phải kiểm tra.

Đối với các nhóm an toàn thực phẩm khác như vi sinh thì tại Việt Nam đã có văn bản chung, trong đó có danh sách theo nhóm sản phẩm thực phẩm và danh sách này đã được công bố trên các trang mạng của Chính phủ và chúng tôi sẵn sàng cung cấp danh sách bằng bản tiếng Nhật nếu phía doanh nghiệp Nhật Bản yêu cầu.

Kiểm tra mẫu thử trở thành chướng ngại

Tần suất kiểm tra mẫu thử thực phẩm mỗi lần nhập khẩu và thời gian kiểm tra kéo dài 7 ngày với thịt động vật và 4 ngày với rau củ quả đang trở thành chướng ngại trong việc mang thực phẩm tươi sống đến với người tiêu dùng tại Việt Nam.

Theo đại diện doanh nghiệp Nhật Bản, thực tế hiện nay, việc kiểm tra mẫu thử động vật theo nguyên tắc được tiến hành đối với mỗi lần nhập khẩu.

Cụ thể, việc kiểm tra mẫu thử đối với các mặt hàng thịt khoảng 7 ngày và mặt hàng rau, củ, quả là 4 ngày. Vì vậy, mong muốn Chính phủ có thể xem xét việc giảm tần suất kiểm tra mẫu thử và rút ngắn thời gian kiểm tra.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hoàng Trung cho biết: Quy trình kiểm dịch thực vật đối với rau, củ, quả, theo tinh thần cải cách của Chính phủ, hiện nay đối với sản phẩm nhập khẩu rau, củ, quả qua đường biên giới thì 4 tiếng đồng hồ là thông quan, qua đường sân bay là 10 tiếng.

Còn với trường hợp phía Nhật Bản nêu là 4 ngày thì mong đại diện phía Nhật Bản cung cấp đang diễn ra ở đâu để “chúng tôi cho kiểm tra và xử lý ngay những nơi làm ăn không đúng theo quy định”.

Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Đàm Xuân Thành khẳng định: Về tần suất kiểm tra mẫu thử căn cứ vào nguy cơ gây dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản trong nước và việc này được tuân thủ theo Luật Thú y năm 2015 và thông lệ quốc tế.

Về thời gian kiểm tra thông quan đối với sản phẩm động vật nhập khẩu vào Việt Nam đều áp dụng hệ thống đăng ký một cửa quốc gia nên rất nhanh.

Còn trường hợp lấy mẫu kiểm tra theo phản ánh của doanh nghiệp là 7 ngày thì không biết cụ thể thế nào nhưng theo quy định của Luật Thú y tối đa là 3 ngày. Hiện nay, theo mô hình giải quyết thủ tục thông qua hệ thống một cửa quốc gia thì tần suất kiểm tra có thể giảm.

Ông  Đàm Xuân Thành cũng lưu ý, khi khai báo hệ thống một cửa quốc gia đề nghị doanh nghiệp trước khi hàng về có đầy đủ thông tin cần thiết thì khai báo trước và chỉ trong vòng 15 phút sẽ được cán bộ kiểm tra hồ sơ trên mạng và cấp giấy để làm thủ tục khai báo với hải quan.

Riêng thời gian kiểm tra lấy mẫu (tính từ khi lấy mẫu đến khi có kết quả) là 3 ngày. Đây là thời gian phù hợp với quy định của quốc tế. Khi có kết quả rồi, thủ tục khai báo, thủ tục cấp giấy qua hệ thống điện tử, ký chữ ký số, doanh nghiệp có giấy luôn.

Tuy nhiên, có một cái vướng là hiện nay một cửa quốc gia cấp giấy thông qua hệ thống điện tử, nhưng đến khi mang hàng hóa lưu thông trong nước thì các lực lượng khác lại kiểm tra, nhất là đối với những địa phương quen làm thủ tục bằng giấy.

Vưa qua, Tổng Cục Hải quan cũng nhận nhiều phản ánh liên quan việc phối hợp lấy mẫu giữa các cơ quan chức năng tại cửa khẩu. Thực tế hiện nay, một doanh nghiệp muốn lấy được mẫu hàng tại cửa khẩu thì phải mời cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cơ quan hải quan (đơn vị trực tiếp giám sát hàng hóa tại cửa khẩu), cảng vụ. 

Dự kiến sắp tới Hải quan đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định và thông tư liên quan trong đó quy định cơ quan hải quan sẽ không thực hiện việc giám sát lấy mẫu.

Cụ thể, việc giám sát lấy mẫu chỉ dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro, còn việc lấy mẫu sẽ giao cơ quan kiểm tra chuyên ngành và cảng vụ, sau khi doanh nghiệp đăng ký thông tin lấy mẫu trên hệ thống một cửa quốc gia. Do đó, thời gian lấy mẫu chắc chắn sẽ giảm bớt được cho doanh nghiệp.

Hiện nay cơ quan hải quan đã quy định cụ thể trong thông tư 38 và văn bản đối với hàng hóa kiểm dịch thì được phép đưa về các địa điểm bảo quản do doanh nghiệp đăng ký với cơ quan hải quan và do cơ quan kiểm dịch xác nhận.

Do vậy, thời gian hàng hóa lưu giữ tại cửa khẩu không bị kéo dài. Điều này giải quyết những khó khăn và chi phí phát sinh cho doanh nghiệp trong thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa khẩu.

Đoàn Vũ

Theo TieuDung24h