Nhiều mỹ phẩm tự gắn logo "Hàng Việt Nam chất lượng cao" lừa người tiêu dùng

Lợi dụng uy tín của thương hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, một loạt các sản phẩm kem trắng da, dưỡng da, chống nám đã tự ý gắn logo của thương hiệu này lên sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng, thậm chí có cả những loại mỹ phẩm chứa độc chất.

Nhiều mỹ phẩm tự gắn logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao” lừa người tiêu dùng

Kem dưỡng trắng da mật ong Như Tiên có gắn logo Hàng Việt Nam chất lượng cao dù chưa được chứng nhận

Tự nhận là Hàng Việt Nam chất lượng cao

Được quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội, thậm chí cả các bảng quảng cáo treo ngoài trời, các loại kem trắng da, dưỡng da, tắm trắng mang thương hiệu Như Tiên của cơ sở sản xuất hóa mỹ phẩm Minh Xuân (Trường Thọ, Trường Long, Phong Điền, TP Cần Thơ) được giới thiệu như một loại mỹ phẩm cao cấp với hàng loạt các công dụng dưỡng da, trắng da, chống nám… hiệu quả chỉ sau 6 ngày sử dụng.

Điều đặc biệt, trên tất cả các sản phẩm của mỹ phẩm Như Tiên đều đóng logo Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Mặc dù logo Hàng Việt Nam chất lượng cao được in sắc nét trên bao bì của các sản phẩm Như Tiên, nhưng khi mang sản phẩm này đến Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao để kiểm chứng, chúng tôi nhận được thông tin: Cơ sở sản xuất hóa mỹ phẩm Minh Xuân cũng như các sản phẩm mỹ phẩm Như Tiên chưa từng được chứng nhận là Hàng Việt Nam chất lượng cao (!).

Ông Nguyễn Văn Phượng, cán bộ chuyên trách điều tra của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, để nhãn hiệu sản phẩm được chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao, doanh nghiệp phải có sản phẩm đạt tỉ lệ bình chọn tối thiểu 2% trên tổng số phiếu bình chọn nhóm sản phẩm. 

Sản phẩm của doanh nghiệp phải đáp ứng các quy định của nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Riêng đối với ngành thực phẩm, ngành dược phẩm, mỹ phẩm doanh nghiệp phải cung cấp được: Giấy chứng nhận đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (đối với ngành thực phẩm), quyết định cho phép lưu hành sản phẩm của Cục quản lý Dược (đối với dược phẩm, mỹ phẩm). 

Đồng thời, doanh nghiệp cam kết không vi phạm các quy định của cơ quan quản lý  thị trường về phân phối, bảo đảm chất lượng hàng hóa.

Và để đạt được nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm và doanh nghiệp đó phải trải qua một quy trình điều tra bình chọn nghiêm túc từ người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước. 

Kiểm tra lại dữ liệu từ Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, ông Nguyễn Văn Phượng khẳng định, sản phẩm mỹ phẩm Như Tiên và cơ sở sản xuất hóa mỹ phẩm Minh Xuân chưa được chứng nhận là Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Nhiều mỹ phẩm tự gắn logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao” lừa người tiêu dùng

Hàng loạt sản phẩm Như Tiên đều được gắn logo chất lượng cao

Chứa độc chất vẫn là hàng chất lượng cao

Ông Phượng cho biết, việc doanh nghiệp tự ý gắn logo Hàng Việt Nam chất lượng cao lên bao bì sản phẩm đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao vì đây không phải là logo thông thường mà là logo nhãn hiệu chứng nhận, phía dưới logo bao giờ cũng phải có dòng chữ “Do người tiêu dùng bình chọn”.

Việc tự gắn logo này sẽ tạo nên sự ngộ nhận cho người tiêu dùng vì chương trình điều tra bình chọn “Hàng Việt Nam chất lượng cao” đã được triển khai thực hiện 17 năm nên đã tạo được vị thế vững chắc trong lòng người tiêu dùng cũng như cộng đồng doanh nghiệp, logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao” trở thành biểu tượng của sự tín nhiệm và lựa chọn của người tiêu dùng.

Với những doanh nghiệp tự ý gắn logo Hàng Việt Nam chất lượng cao bị phát hiện, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ xác lập hành vi vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm, sau đó sẽ gửi công văn cảnh báo tới doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp gỡ bỏ logo hoặc thay bao bì. 

Nếu họ vẫn tiếp tục vi phạm, Hội sẽ đăng tải tên doanh nghiệp, sản phẩm trên các phương tiện truyền thông, gửi công văn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ, thanh tra Sở Khoa học công nghệ, quản lý thị trường các tỉnh nơi doanh nghiệp hoạt động để kiểm tra và bước cuối cùng là khởi kiện ra tòa án.

Ông Phượng cho biết, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao không có thẩm quyền để kiểm tra hay xử lý, mà chỉ có thể kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc.

Tình trạng lạm dụng logo Hàng Việt Nam chất lượng cao mặc dù có kiểm soát nhưng vẫn còn rất nhiều, thêm vào đó, Hội không có đủ nhân lực và điều kiện để đi kiểm tra nếu không có những thông tin vi phạm được cung cấp từ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Không chỉ có mỹ phẩm Như Tiên, một loạt kem Ốc sên – sữa dê Q10 của Công ty TNHH MTV SV-TM HPM Nam Anh Khương, Cty TNHH MTV sản xuất thương mại mỹ phẩm Lê Hoàng Hà My, Kem nám, tàn nhanh, trắng da, chống nắng Newone của Hóa mỹ phẩm Linh Chi, kem Sứ Tiên của Cty TNHH SX Mỹ phẩm Anh Đào… đều được gắn logo Hàng Việt Nam chất lượng cao tràn lan trong khi những sản phẩm, doanh nghiệp này chưa từng được Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao chứng nhận.

Nhiều mỹ phẩm tự gắn logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao” lừa người tiêu dùng

Nhiều mỹ phẩm tự gắn logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao” lừa người tiêu dùng

Nhiều mỹ phẩm tự gắn logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao” lừa người tiêu dùng

Nguy hiểm hơn, trong một số sản phẩm được gắn logo Hàng Việt Nam chất lượng cao này lại chứa độc chất có hại cho người sử dụng như Kem trắng da chống nắng, chống thâm, se khít lỗ chân lông, bảo vệ da, Ốc sên sữa dê Q10 của Cty TNHH MTV sản xuất thương mại mỹ phẩm Lê Hoàng Hà My được kiểm nghiệm có chứa ketoconazole, một hóa chất trị nấm có thể gây viêm nang lông, gây rụng tóc, mụn mủ, ngứa khô da, mề đay…

Mới đây nhất, ngày 24/8/2016, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã có quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại mỹ phẩm Lê Hoàng Hà My 120 triệu đồng do kê khai không trung thực các nội dung đã cam kết trong phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (địa chỉ sản xuất ghi trên Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm sản xuất tại địa chỉ: số 03 Đường 176, ấp 4A, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh nhưng thực tế tại địa chỉ trên không thực hiện sản xuất mỹ phẩm); 

Sản xuất mỹ phẩm có thành phần chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm hoặc vượt quá giới hạn cho phép đối với chất có quy định giới hạn nồng độ, hàm lượng sử dụng theo quy định của pháp luật hoặc sản xuất mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn cho người sử dụng (07 sản phẩm mỹ phẩm không đạt giới hạn thủy ngân và vi sinh vật)

Theo infonet