Nồi cơm điện nấu lên ăn không sợ tiểu đường. Liệu có thể không?

Các nhà khoa học đã phát minh ra những chiếc nồi cơm điện rất đặc biệt, có thể khiến cơm - một thực phẩm nổi tiếng là tác nhân gây tiểu đường - trở nên an toàn hơn.

Với khả năng sáng tạo vô tận của con người, gần như mọi nhu cầu của chúng ta hiện nay có thể được đáp ứng, miễn là... chồng đủ tiền. Ví dụ như chuyện ăn cơm: khoa học vẫn bảo rằng ăn gạo nhiều là tác nhân gây ra tiểu đường.

Và để giải quyết vấn đề này, người ta phát minh ra những nồi cơm điện đặc biệt, có thể loại bỏ tác nhân gây tiểu đường trong gạo khi nấu lên.

Nồi cơm điện nấu lên ăn không sợ tiểu đường. Liệu có thể không?

Hình minh họa

Tuy nhiên, chuyện này nghe có vẻ hơi... hư cấu. Cùng là nấu chính bằng nhiệt và nước, vậy tại sao cơm trong những cái nồi đặc biệt kia lại không gây tiểu đường? Cơ chế đặc biệt nào đang diễn ra ở đây?

Để biết được chuyện gì đang xảy ra, chúng ta sẽ thử đến với nồi cơm đặc biệt được sản xuất tại Malaysia - một trong những loại nồi điện được đánh giá là tiêu biểu về khả năng nấu cơm không sợ tiểu đường.

Tinh bột không đơn giản là tinh bột

Gọi chung là tinh bột, nhưng thực ra chúng ta có tới 3 loại tinh bột khác nhau. Đó là tinh bột nhanh (hoặc tinh bột tiêu hóa nhanh - RDS), tinh bột chậm (SDS), và tinh bột kháng đường (RS). Nhưng ở đây, chúng ta chỉ cần quan tâm đến 2 loại nhanh và chậm - RDS và SDS, và cả 2 loại này đều được cấu tạo từ amylose và amylopectin.

Với tinh bột nhanh, cơ thể hấp thụ nhanh chóng. Loại tinh bột này có tỉ lệ amylopectin cao nên dễ hấp thụ, rất phù hợp để mang lại năng lượng sau khi vận động mạnh. Nhưng bù lại làm đường huyết gia tăng rất nhanh.

Nồi cơm điện nấu lên ăn không sợ tiểu đường. Liệu có thể không?

Cơm là một trong những thực phẩm giàu tinh bột nhanh

Trong khi đó, tinh bột chậm chứa nhiều amylose hơn, và cần nhiều thời gian để cơ thể phân giải được, nhờ vào cấu trúc bán tinh thể trong đó làm giảm sự tiếp xúc với các enzyme. Cũng nhờ vậy, lượng đường trong máu tăng ở mức độ vừa phải và ổn định.

So sánh vậy để thấy rằng, chính tinh bột nhanh là thủ phạm khiến cho chúng ta dễ gặp phải các chứng bệnh liên quan đến đường, trong đó nổi bật là béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch.

Và bạn biết không, cơm là một loại thực phẩm rất giàu tinh bột nhanh RDS.

Những chiếc nồi đặc biệt đã nấu thế nào mà cơm không gây tiểu đường?

Nấu cơm đơn giản là hành động làm chín gạo bằng nước và nhiệt, và khi nhiệt độ tăng lên cũng là lúc các phản ứng hóa học xảy ra.

Ở một nhiệt độ nhất định - được gọi là nhiệt độ "dẻo", nơi quá trình "dẻo hóa" của gạo bắt đầu xuất hiện - các phân tử tinh bột nhanh bắt đầu bị đẩy ra khỏi gạo và hòa vào trong nước, trong khi tinh bột chậm và các chất dinh dưỡng khác vẫn ở lại.

Tuy nhiên với các nồi nấu cơm truyền thống, lượng nước này lại được gạo hấp thụ hoặc bay hơi, vậy nên lượng tinh bột nhanh lại quay ngược trở lại nồi cơm của bạn.

Vậy nên, cơ chế chung của những nồi cơm điện đặc biệt này là đưa nhiệt độ lên và duy trì ở một mức nhất định, sau đó đẩy toàn bộ lượng nước dư thừa ra ngoài. Mục đích của toàn bộ quá trình là để cơm thành phẩm có tỉ lệ amylose so với amylopectin càng cao càng tốt.

Nồi cơm điện nấu lên ăn không sợ tiểu đường. Liệu có thể không?

Cơ chế chung: Lượng nước dư thừa được đẩy ra ngoài, thay vì hấp thụ ngược vào gạo

Trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể thực hiện cách nấu này một cách thủ công, nhưng thực sự rất khó. Nguyên do là vì bạn khó có thể duy trì nhiệt độ ở một mức nhất định khi nấu, và chỉ cần vượt quá nhiệt độ "dẻo" thì ngay cả tinh bột chậm cũng hòa tan vào nước.

Thêm vào đó, cách làm này cũng rất tốn thời gian, mà thậm chí có thể dẫn đến chuyện cơm thành phẩm... hoàn toàn không ăn được.

Quan trọng là ăn cơm có chỉ số đường huyết thấp

Nhiều người cho rằng nếu cơm có khả năng gây hại như vậy, phải chăng chỉ cần không ăn là xong?

Nồi cơm điện nấu lên ăn không sợ tiểu đường. Liệu có thể không?

Điều này hoàn toàn không nên! Theo báo cáo từ WHO, gạo là một carbonhydrate thiết yếu, là nguồn cung năng lượng chính cho cơ thể chúng ta. Nếu không cung cấp đủ carbonhydrate, cơ thể chúng ta không thể vận hành bình thường được, gây ra một số tác động không tốt đến não bộ.

Điều quan trọng nhất ở đây là ăn gạo với chỉ số đường huyết thấp - tức là chứa nhiều tinh bột chậm, cho phép quá trình chuyển hóa năng lượng chậm hơn, và dạ dày no lâu hơn. Có thể kể đến gạo lứt (loại gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu, chưa được xát bỏ lớp cám gạo) là gạo rất giàu tinh bột chậm.

Theo Trithuctre (t/h)