Nông sản Việt những lát cắt buồn: Tiếng chim lợn trong vườn thanh long

Khi nghe tiếng chim lợn kêu éc éc từ xa vọng lại, ông Bảo nói như an ủi: "Không sao đâu. Điềm xấu với nông dân tụi tôi cũng đã đến rồi..."

Uống thuốc ngủ vẫn không ngủ được

Chiều mùa mưa cuối tháng 11, trời tối rất nhanh, đống thanh long trên vỉa hè đường Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú, TP.HCM) của chị Xuyến nhanh chóng ngập trong bóng tối. Chị Xuyến xin chủ nhà cho cắm sợi dây điện để thắp cái bóng đèn nhỏ trước tấm bảng “Thanh long 10.000đ/3kg”.

Tha thiết mời tôi mua hàng, chị phân trần: “Em đâu có bán trái cây chuyên nghiệp, ông chú ngoài Bình Thuận gửi vào hai tạ thanh long, nhờ bán giùm nên gió mưa gì em cũng phải cố, chứ một - hai ngày nữa trái chín hết lại đổ bỏ”. Chị Xuyến kể, quê chị ở Hàm Thuận Nam, nơi mà tàu du lịch đi qua ban đêm sẽ thấy hằ ng hà sao trời mọc lên từ đất. Ông chú chị, cũng như bao hộ nông dân xứ này sống chết với cây thanh long.

Nông sản Việt những lát cắt buồn Tiếng chim lợn trong vườn thanh long

Chúng tôi đến H.Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận - nơi được xem thủ phủ trồng thanh long. Thanh long đang vào vụ mùa. Trái chín đỏ trên cây với những chiếc tai xanh xòe ra như những chiếc lồng đèn.

Từ Quốc lộ 1, men theo những con đường làng xương cá vào tận chân núi Tà Cú, chỗ nào chúng tôi cũng chỉ nhìn thấy thanh long. Trên lầu lục giác của gia đình ông Nguyễn Như Hoành (thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh) phóng tầm mắt ra bốn hướng, chúng tôi mới thấm câu “trên trời - dưới thanh long” của cư dân địa phương.

“Để có được trái, thì đêm như ngày, tụi tôi ôm bình xịt thuốc còn hơn ôm vợ. Phải ăn, ngủ với thuốc; hít thở không khí luôn có thuốc…” - ông Nguyễn Hoài Bảo, một nông dân ở đây mở đầu câu chuyện. Mùa đông tháng giá, sương muối xuất hiện, nếu không phát hiện để rửa cành trước khi mặt trời lên cao thì cả vườn thanh long sẽ bị “cháy”.

Vào mùa nghịch (từ tháng 8 trở đi), ban đêm nhà vườn phải thắp đèn để kích thích cây ra hoa. Giấc ngủ chập chờn. Trung bình mỗi ha thanh long có khoảng 1.000 trụ, phải thắp hơn 1.000 bóng đèn, vườn càng lớn thì bóng đèn càng nhiều, nếu không kịp tắt đèn trước khi trời đổ mưa, bóng đèn sẽ nổ đồng loạt, người trồng chỉ biết khóc ròng.

Ông Bảo kể: “Nhiều khi cứ nhắm mắt là thấy giá cả lên xuống, thấy mưa không kịp tắt đèn. Có hôm đang ngủ thì thấy mưa, vội cuống cuồng chạy đi tắt điện. Tắt xong, nhìn ra sân trời vẫn trong veo, có hột mưa nào đâu...”.

“Không cực khổ, không phải là nông dân. Nhưng mà cực vậy chứ cực nữa tụi tôi cũng chịu được miễn sản phẩm bán được giá”- bà Huỳnh Thị Diễm Sương, chủ vườn thanh long 5ha, nói như cam chịu. Bà ước ao, bởi những trái thanh long có màu đỏ tươi nhưng lòng người làm ra nó thì đang xám xịt, úa tàn: “Trong vòng ba ngày, giá nhảy từ 14.000 - 15.000đ/kg xuống còn 7.000đ. Đợ t thu hoạ ch vừ a rồ i tôi được gần chục tấn, coi như mất toi 70 - 80 triệu đồng”

Cũng như bà Sương, ông Đà o Văn Quang, chủ vườn thanh long 8ha, thu hoạch 13 tấ n trái bán với giá 7.000đ/kg (giảm 7.000 - 8.000đ so với ba hôm trước), mất 81 triệu đồng. Ông Nguyễn Hoài Bảo, bán hai tấn với giá 5.000đ/kg, mất 18 triệu đồng…

Ông Quang thở hắt ra: “Trái chín thì phải cắt chứ đâu thể chờ. Mà giá cả “nhảy múa” liên tục, một giờ có thể lên xuống vài ngàn, mình đâu thể biết nó lên hay xuống mà chờ”. Ông

Hoài Bảo ví von mà giọng khàn đi như nuốt than: “Đúng là mỡ đến miệng mèo chưa chắc được ăn. Trúng mùa mà không bán được hoặc bị “đạp giá” thì mất ăn, mất ngủ, ngả bệnh là chuyện thường tình. Mình đi ăn tô phở giá cả chênh nhau 5.000đ còn phải cân đo. Vậy mà phải chịu mất một lúc cả ngàn tô phở, bảo sao không mất ngủ. Có người uống thuốc ngủ mà không ngủ được…”.

Thao thức trong căn chòi giữa vườn thanh long của ông Bảo bên chân núi Tà Cú gió lùa, chúng tôi rợn người khi nghe chim lợn kêu éc éc từ xa vọng lại. Ông Bảo nghiêng tai lắng nghe tiếng kêu của loài chim thường được cho là báo hiệu cái chết, mất mấy giây định thần, ông nói như an ủi: “Không sao đâu. Điềm xấu với nông dân tụi tôi cũng đã đến rồi”.

Lời ông nói khiến tôi nhớ những đống thanh long nằm lăn lóc lề đường ở TP.HCM, với giá 10.000đ/3kg hoặc thấp tệ, chỉ 2.000đ/kg. Thảm sầu. Hàng hàng lớp lớp màu đỏ trái cây vài ba ngày sau chuyển màu xám, như màu da mặt héo úa của người làm ra nó.

Nhưng, câu chuyện buồn đâu chỉ dừng lại ở vườn thanh long.

Làm thuê cho Trung Quốc tại... nhà mình

“Mình bán cả công-tai-nơ mà như bán hàng xôn”, chị Liên - tiểu thương thu mua trái thanh long để xuất sang Trung Quốc tại Bình Thuận, uất ức nói. Và theo chị, đó cũng là lý do mà tất cả công ty (thường gọi là vựa) mua bán, xuất khẩu thanh long tại Bình Thuận đều thua lỗ, nhiều nơi đóng cửa.

“Phần lớn các vựa hoạt động bằng vốn vay, mà giá tụt từ 14.000 - 15.000đ xuống còn 5.000 - 6.000đ/kg, nhiều khi mua 11.000đ/kg, tốn tiền thuê nhân công để xử lý, trữ lạnh, chở gần 2.000 cây số ra biên giới bán chỉ được 10.000đ/kg. Hàng ra đến cửa khẩu, ưng thì họ mua, không ưng thì họ ép, hàng có để trong xe lạnh thì tối đa cũng chỉ được ba ngày, nên giá nào cũng phải bán, vì để càng lâu thì càng mất giá. Không đóng cửa hoặc cho thương lái Trung Quốc thuê lại vựa mới lạ”.

Nông sản Việt những lát cắt buồn Tiếng chim lợn trong vườn thanh long
Bao bì của thương lái Trung Quốc dùng để đóng thanh long Bình Thuận mang đi xuất khẩu. Trên bao bì có in nhãn hiệu bằng chữ Trung Quốc và số điện thoại của họ  

Dọc Quốc lộ 1A, kéo dài 6km trên địa bàn xã Hàm Minh, H.Hàm Thuận Nam có khoảng 20 vựa thu mua thanh long xuất khẩu, nhưng hơn một nửa đã đóng cửa hoặc cho thương lái Trung Quốc thuê lại. Chúng tôi ghé vào vựa Quang Linh thì gặp mấy người Trung Quốc béo phệ đang ngồi trên bộ ván ngựa xí xô xí xào. Đối diện vựa Quang Linh là vựa Xuân Vàng. Một người đàn ông đang ngồi làm sổ sách trả lời tôi bằng tiếng Trung Quốc.

“Họ làm mình điêu đứng, từ chủ biến thành tớ, làm thuê ngay tại nhà mình - ông Bảo không kìm được bức xúcHọ chơi trò… mèo, sang mở vựa thu mua thanh long ngay tại địa phương, nhờ phiên dịch đưa xuống tận vườn nên nắm được lượng trái trên cây và tự quyết định giá mua, buổi sáng, họ mở kho thu mua giá 14.000 - 15.000đ/kg. Nhưng được chừng nửa kho là họ điện thoại báo tin cho nhau rồi đóng cửa, thế là giá tự động tụt xuống còn 5.000 - 6.000đ/kg. Chính quyền biết, nhưng cũng chịu”.

Nào đâu chỉ trái thanh long Bình Thuận phải nếm nhiều cay đắng. Trái chôm chôm tại H.Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cũng cùng số phận. “4g chiều mua 10.000đ/ kg, quá rẻ, mình không bán. 10g đêm báo giá 15.000đ/kg, lấy một tấn. Mình kêu công, sáng bẻ sớm. Đang bẻ thì nó hồi, không mua.

Từ điện, phân, thuốc, công cán đến đầu ra đều do những người khác định đoạt chứ người nông dân không quyết định được gì” - ông Nguyễn Thành Thái - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Phụng, H.Chợ Lách, Bến Tre lắc đầu ngán ngẩm.

“Hên, xui” cũng không buông bỏ trái sầu riêng vùng cù lao Ngũ Hiệp, H.Cai Lậy, tỉ nh Tiền Giang. Một chị chủ vựa tại đây “ca”: “Khoảng 70-80% được đưa sang Trung Quốc, có khi hôm nay nó cho mình giá 50.000đ/ kg, nhưng ngày mai nó chỉ trả 40.000đ/kg”.

Các vựa Trung Quốc còn cho in cả nhãn mác, thông tin bằng chữ Trung Quốc và cả số điện thoại của họ trên bao bì. Ông hạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận xót xa: “Trong môi trường toàn cầu hóa thì việc này là bình thường, nhưng đau ở chỗ là họ ăn cái khúc có giá trị nhất”.

Tại Bình Thuận, hiện có khoảng hơn 26.000ha thanh long, sản lượng trung bình khoảng 30 tấn/ha/năm và khoảng 22.000ha đang cho trái, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 660.000 tấn trái, trong đó 80% sản lượng được xuất sang Trung Quốc, chủ yếu bằng đường tiểu ngạch.

Ai cũng biết, nếu chỉ có một con đường làm ăn với Trung Quốc là đi vào cửa… tử, nhưng rồi biết đâm đầu vào đâu? Người nông dân trồng chôm chôm vẫn nhớ những mùa vụ năm 2010, 2011 và 2012 giá chôm chôm bị “rớt” xuống còn 900 - 1.000đ/kg, nhà nông không ai buồn thu hoạch.

Tương tự, vào năm ngoái, 2014, có giai đoạn thanh long Bình Thuận cũng đem đổ bỏ cho bò. Rồi lại đến vụ dưa hấu tháng 4/2015 vừa qua, với hàng trăm xe, gần chục ngàn tấn dưa hấu bị ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh dẫn đến dưa bị hư thối, nhiều nông dân phải đổ bỏ dưa, đánh xe không trở về.

Tại sao trái cây Việt lại chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc? Câu trả lời của các nhà quản lý thường là trái cây Việt không đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất sang các thị trường khác. Về vấn đề này, bà Đào Thị Kim Dung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cây thanh long Bình Thuận phản bác:

“Không xuất chính ngạch sang các thị trường khác được là do một số doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện các thủ tục xuất khẩu đi các nước, trong khi công tác xúc tiến thương mại còn yếu kém”. Thực tế, cũng trái thanh long Bình Thuận, nhưng thương lái Trung Quốc thu mua, đóng vào thùng của họ và xuất đi các nước dễ dàng, trong khi doanh nghiệp Việt Nam cứ mãi loay hoay. Bà Diễm Sương nói: “Tôi qua châu Âu và ngỡ ngàng khi thấy trái thanh long của xứ mình trong siêu thị Pháp dưới nhãn hiệu Trung Quốc”.

Theo Minh Nhật  (phunuonline)