Phát hiện 6 thành phố cổ chồng lên nhau dưới lòng đất

Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật được 6 thành phố cổ từ nhiều triều đại khác nhau, kéo dài hơn 2.000 năm và xếp chồng lên nhau dưới lòng đất ở khu vực miền Trung.

Các thành phố cổ trên, được cho là xuất hiện từ thời Chiến Quốc (năm 475 - 221 trước Công nguyên) đến các giai đoạn của nhà Thanh (1644 - 1911).

Chúng được khai quật tại khu vực Cổng Tân Trịnh ở TP Khai Phong, tỉnh Hà Nam hôm 11-3, tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin. Được biết, TP Khai Phong là một trong những thành phố cổ nhất của Trung Quốc và là thủ đô của rất nhiều triều đại trong quá khứ

Vì khu vực này nằm trên bờ Nam của sông Hoàng Hà nên sau khi các thành phố bị chiến tranh phá hủy, lũ lụt sẽ chôn vùi các tàn tích dưới bùn và một thành phố mới lại tiếp tục được xây dựng phía trên.

Theo Tân Hoa Xã, chính quyền TP Khai Phong đã xác nhận sự tồn tại của 6 thành phố dưới lòng đất từ năm 2006. Khu vực khai quật, được gọi là dự án "Thành phố trên Thành phố", được tiến hành vào năm 2012. Hiện tại, diện tích đào bới được mở rộng lên tới 2.000 m vuông.

Phát hiện 6 thành phố cổ chồng lên nhau dưới lòng đất

Khu vực khai quật tại TP Khai Phong. Ảnh: SCMP

Phát hiện 6 thành phố cổ chồng lên nhau dưới lòng đất

Mỗi thành phố nằm cách nhau 2m. Ảnh: News.cn

Các dữ liệu cho thấy thành phố cổ nhất trong số này, TP Daliang từ thời Chiến Quốc, nằm cách mặt đất 12 m. Trong khi đó, thành phố nông nhất là Khai Phong của thời nhà Thanh khi chỉ nằm sâu khoảng 3 m. Mỗi thành phố được xây chồng lên nhau và cách nhau khoảng 2 m. Chúng đổi tên tổng cộng 5 lần trong suốt 2.000 năm.

Tân Hoa Xã đưa tin các thành phố được thiết kế có cùng một trục đường chính với tên gọi "trục trung tâm Bắc - Nam". Ngoài ra, chúng còn có rất nhiều điểm chung, ví dụ như nhiều cổng và tuyến đường chính đều được xây chồng lên nhau.

Theo SCMP/Nguoilaodong