"Rau sạch tự phong" tràn ngập các chợ

Tại các sạp rau ở các chợ trên địa bàn TP. HCM, các tiểu thương đua nhau treo bảng “rau sạch” dù nguồn gốc rau rất nhập nhèm.

Mua bằng… niềm tin

So với các sạp rau khác, sạp rau của chị K. tại chợ Nguyễn Xí (đường Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh) luôn đông khách hơn vì chị có gắn bảng “rau sạch”. Theo lờ i chị K., tất cả hơn 20 loại rau quả tại sạp (cải, muống, ngót, tần ô, mồng tơi, dưa leo, khổ qua, bầu, bí, mướp, đậu bắp…) đều “là rau sạch, được trồng theo tiêu chuẩn rau an toàn: không trồng trên đất ô nhiễm, không dùng phân hoặc nước giải tưới rau, không dùng thuốc bảo vệ thực vật có độ độc cao, không dùng nhiều phân đạm, sử dụng phương pháp thủ công như bẫy, đặt bã thay vì xịt thuốc để trừ sâu, bướm, rầy”. So với các trang web quảng cáo “rau sạch” trên mạng thì rau của chị K. không đắt hơn.

Chị K. cho biết, các hộ trồng rau an toàn tại huyện Hóc Môn, Củ Chi điêu đứng vì không tìm được đầu ra nên họ vẫn bán với giá bằng với các loại rau khác trên thị trường. Dù luôn miệng khẳng định “rau sạch” nhưng chị K. không có giấy tờ gì chứng minh. Trong khi đó, rau của sạp chị cũng cột thành bó rồi chất đống như các sạp khác. “Khách mua rau của chị nhiều vô kể mà có sao đâu. Nếu em mua về ăn mà có vấn đề gì thì cứ ra kiếm chị” - chị K. nói chắc nịch.

“Rau sạch tự phong” tràn ngập các chợ
Các điểm bán chỉ dựng bảng “rau sạch” buôn bán bằng niềm tin nhưng rất thu hút khách

Tại chợ Căn Cứ 26 (Q.Gò Vấp), nhiều tiểu thương cũng treo bảng “rau sạch” để thu hút người mua. Rau bán tại các điểm này chủ yếu là đọt nhãn lồng, đọt khoai lang, rau muống, cải bẹ xanh, mồng tơi, hoa thiên lý, bông bí, bông mướp, đọt mướp, đọt bí, rau dền cơm… Không chỉ treo bảng “rau sạch”, chính cách bày bán của tiểu thương cũng làm người mua liên tưởng đến rau sạch vì rau được để từng nhúm nhỏ trong rỗ tre hoặc trải trên tấm bạt mỏng đầy rơm, đặt trên nền đất rất dân dã, khách mua được hốt cân ký.

Các loại rau ăn lá bán tại các sạp này có thời gian gieo trồng đến khi thu hoạch khoảng 25 - 30 ngày, các loại rau ăn quả từ 36 - 50 ngày. Theo người bán, đây là rau tự trồng dưới quê đem lên, do phải thu hoạch sớm nên giá đắt hơn rau dài ngày rất nhiều. Ví dụ, cải bẹ xanh cây lớn giá 17.000đ/kg, trong khi cải bẹ xanh cây nhỏ giá 50.000đ/kg. Mặc dù giá cao nhưng rất đông người mua.

Nhiều khách đến chợ trên đường Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình) chọn mua “rau sạch”, “giá sạch” của chị M. “Sạp” nơi chị M. bán chỉ là một chiếc xe đạp cũ kỹ nhưng chất đầy các loại rau: bồn bồn, đay, mồng tơi, dền, muống… Rau này chị lấy của người quen trồng ở huyện Hóc Môn, chỉ bón bằng phân bò khô, không sử dụng thuốc trừ sâu; riêng giá do chị tự ủ bằng phương pháp tự nhiên, không sử dụng thuốc kích thích.

Quan sát nhà trọ chị thuê, đúng là có nhiều thau, rổ đang ủ giá. “Rau sạch” của chị M. vẫn bán bằng giá với các điểm bán không treo bảng “rau sạch”; riêng giá do chị tự ủ nên số lượng không nhiều, giá bán cao hơn các điểm khác khoảng 3.000đ/kg.

Không chỉ treo bảng “rau sạch”, tại khu chợ ở chung cư Chu Văn An (Q.Bình Thạnh), một số người còn treo bảng “rau VietGAP” cho dễ bán. “Rau VietGAP” này chỉ đựng trong bao ni lông, không hề có thông tin về sản phẩm, giá đắt hơn rau khác từ 3.000 - 5.000đ/kg. Người bán cho biết, rau do họ tự trồng, không bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu nên mặc nhiên trở thành rau… VietGAP. Chị Thương, ngụ ở Q.Tân Bình cho biết, hễ đi ra chợ thấy chỗ nào treo bảng “rau sạch” là chị có cảm giác tin tưởng và muốn mua, tuy không đẹp mắt nhưng “sạch” là chị yên tâm.

"Rau sạch" chưa chắc an toàn?

Lâu nay, người tiêu dùng cứ nhầm lần giữa “rau sạch” và rau an toàn, họ cứ nghĩ “rau sạch” chắc chắn sẽ an toàn. Tuy nhiên theo các chuyên gia, “rau sạch” chỉ đảm bảo các tiêu chí sạch nhưng không đảm bảo tiêu chí an toàn.

Ông Bùi Văn Hẩu, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Nhuận Đức phân tích, “rau sạch” được hiểu là loại rau canh tác trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên: không bón phân hóa học; không phun thuốc bảo vệ thực vật; không sử dụng thuốc trừ sâu; không phun thuốc kích thích sinh trưởng; phân bón hoàn toàn là phân hữu cơ (bón gốc và bón qua lá); không dùng hóa chất bảo quản.

Còn rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP thì phải quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất từ khâu đất trồng, nước tưới, phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ, thời gian cách ly với phân thuốc, thu hoạch… đến khâu sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ; các chất dư lượng thuốc hóa học, số lượng vi sinh vật và ký sinh trùng, dư lượng đạm nitrat (NO3 ), dư lượng các kim loại nặng (chì, thủy ngân, asênic, kẽm, đồng...) không được vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Từ đó có thể cho thấy, “rau sạch” thoạt nhìn trông rất sạch sẽ nhưng chưa chắc đã an toàn vì không kiểm được nguồn nước tưới, đất trồng có chứa kim loại nặng hay không…

Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Thỏ Việt (H.Củ Chi) cho biết, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP khi ra thị trường, dù chợ hay siêu thị, cũng phải có thông tin về sản phẩm; không thể đựng trong bao ni lông rồi nói “không phun thuốc trừ sâu” thì trở thành rau an toàn được.

Theo các chuyên gia, để có rau sạch đúng nghĩa, người tiêu dùng nên mua sản phẩm tại địa chỉ uy tín, cửa hàng rau có địa chỉ rõ ràng, không nên mua theo cảm tính hoặc chỉ dựa vào tấm bảng “rau sạch” do chủ sạp tự phong.

Theo Thanh Hoa/phunuonline