Siêu thị Sakuko: Hàng Nhật nội địa xuất xứ Trung Quốc?

Mặc dù nhiều mặt hàng đang được bày bán tại hệ thống siêu thị Sakuko Việt Nam quảng cáo là 100% hàng Nhật nội địa, thế nhưng nhiều hàng hóa không có tem nhãn phụ tiếng Việt, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng... Điều này đang khiến người tiêu dùng lo lắng và hoài nghi về nguồn gốc những sản phẩm đó.

“Hàng ngoại” nhưng đánh đố khách hàng

Được biết, tên gọi siêu thị Sakuko (thuộc Công ty TNHH quốc tế Sakura Việt Nam, địa chỉ tầng 4, tòa nhà Trung Yên Plaza, phường Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) mới xuất hiện từ tháng 12/2017. Nói là mới nhưng nhiều người không biết được rằng tiền thân của thương hiệu này chính là siêu thị Sakura Việt Nam - Hàng Nhật nội địa và đã hoạt động từ năm 2011 đến nay.

“Sau 6 năm xây dựng và phát triển, đến nay Sakura Việt Nam đã vươn lên và trở thành doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ hàng Nhật nội địa tại Việt Nam với thương hiệu Sakura Japanese Store...”, hay “Hệ thống siêu thị hàng Nhật nội địa Sakura Việt Nam vinh dự được nằm trong Top 100 sản phẩm, dịch vụ tin và dùng do người tiêu dùng, các chuyên gia tín nhiệm và bình chọn”... là những gì mà siêu thị Sakuko đang tự “nổ” về mình.

Siêu thị Sakuko: Hàng Nhật nội địa xuất xứ Trung Quốc?

Với sản phẩm thực phẩm chức năng Sakuko cũng "chơi khó" khách hàng với loằng ngoằng chữ nước ngoài mà không hề có nhãn phụ bằng Tiếng Việt

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khách hàng không khỏi hoài nghi về nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm được bày bán tại siêu thị Sakuko khi những sản phẩm này lại không hề có tem nhãn phụ tiếng Việt, mập mờ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, tại siêu thị Sakuko (địa chỉ số 1, nhà A3, Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều sản phẩm như Hộp đũa hoa kiểu Nhật, Đũa dùng 1 lần có bọc sứ aspen 50 đôi, Bình giữ nhiệt màu đen 300ml, Giấy bạc 25cm # 3m- UACJ....không hề có nhãn phụ ghi bằng tiếng Việt thể hiện những nội dung bắt buộc của sản phẩm.

Ngay kể cả những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như dòng thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm,... cũng chỉ loằng ngoằng chữ nước ngoài mà không hề có bất cứ một dòng chữ tiếng Việt ghi những thông tin cần thiết như: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; thành phần; hướng dẫn sử dụng...

PV hỏi nhân viên siêu thị Sakuko về một sản phẩm ghi chằng chịt chữ nước ngoài. Sau một hồi loay hoay, nhân viên trả lời “em cũng không rõ đây là sản phẩm gì nữa”. Sau đó, nhân viên này đem sản phẩm đi hỏi một nhân viên khác thì lúc này khách hàng mới nhận được câu trả lời “hình như là mặt nạ lột mụn...”.

Điều này khiến PV hết sức ngạc nhiên, tại sao đến cả những nhân viên siêu thị Sakuko còn không biết được tên sản phẩm bán cho khách hàng. Liệu rằng khách hàng có thể tin tưởng về nguồn gốc, chất lượng của những sản phẩm đó hay không?

Siêu thị Sakuko: Hàng Nhật nội địa xuất xứ Trung Quốc?

Những sản phẩm dành cho trẻ nhỏ cũng không hề có nhãn phụ bằng Tiếng Việt

Tại siêu thị Sakuko (địa chỉ 209 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội), cơ sở này mới khai trương vào ngày 15/12 cũng có những sai phạm tương tự. Nguy hiểm hơn, tình trạng này rơi cả vào những sản phẩm dành cho trẻ nhỏ như pigeon – bánh ăn dặm dạng túi vị rong biển, pigeon – bánh ăn dặm dạng túi vị cà chua, Morinaga sữa bột số 9,...

Theo ghi nhận của PV, tình trạng sản phẩm không có nhãn phụ xảy ra tại hầu hết các cơ sở của hệ thống siêu thị hàng Nhật nội địa Sakuko.

Căn cứ Khoản 3 Điều 9 Nghị định 89/2006/NĐ-CP có quy định: "Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.

Hàng nội địa Nhật - xuất xứ Trung Quốc?

Vốn được biết đến là siêu thị chuyên bán hàng nội địa Nhật, nhưng theo ghi nhận của PV thì tại hệ thống siêu thị Sakuko lại bày bán cả những sản phẩm “made in China”, “Made in Thailand”, “Made in Vietnam”,... khiến người tiêu dùng không khỏi thắc mắc về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm.

Dẫn chứng một số sản phẩm như: hộp bảo quản thức ăn 530ml màu xanh; Túi khóa zip dạng nylon lưới A5, pin sạc điện thoai kèm đèn pin 2000mA, ECO - Khay nước đá hình sao, mút đành phấn nhiều hình... với xuất xứ “Made in China”; sản phẩm: bình giữ nhiệt màu hồng đậm 0,6l và 0,75l, bình giữ nhiệt 0,5l màu đỏ JNL – 502... có xuất xứ “Made in Malaysia”, ...

Siêu thị Sakuko: Hàng Nhật nội địa xuất xứ Trung Quốc?

Sản phẩm Echo - Khay nước đá hình sao trên bao bì sản phẩm ghi xuất xứ Trung Quốc nhưng trên nhãn phụ lại ghi xuất xứ Nhật Bản

Tại siêu thị Sakuko(209 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội), khi PV thắc mắc với nhân viên bán hàng tại siêu thị về sản phẩm lọ xay hạt tiêu với dòng chữ “Made in China” thì nhận được câu trả lời:

“Cái này là sang nước thứ 3 sản xuất cho nó giảm giá thành xuống. Dù là sang Trung Quốc sản xuất nhưng phải đủ tiêu chuẩn Nhật Bản mới nhập lại. Tất cả nguyên liệu là Nhật Bản chuyển sang, Trung Quốc chỉ sản xuất.

Tất cả sản phẩm bên em đều là hàng nội địa hết, không có cái gì là nhập khẩu. Nội địa là đồ sản xuất để cho nước sở tại người ta dùng. Nhà em nhập tại nhà máy luôn chứ nhà em không đi qua nhập khẩu nên chị cứ yên tâm sử dụng...”.

Còn về lý do một số sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt thì nhân viên này giải thích: “Do là sản phẩm mới về sáng nay nên bọn em chưa kịp dán nhãn phụ. Mai chị quay lại sản phẩm này sẽ được dán đầy đủ nhãn luôn. Không có nhãn phụ, nhiều khách hàng còn không biết đây là sản phẩm gì, đến bọn em còn không biết hết được sản phẩm vì toàn chữ Tiếng Nhật”.

Đúng như những gì nhân viên Sakuko thừa nhận, nhiều khách hàng không biết siêu thị này bày bán sản phẩm gì. Hơn nữa, họ còn bị “đánh lừa” khi trên bao bì của sản phẩm được bày bán tại hệ thống siêu thị Sakuko ghi “Made in China” (Xuất xứ Trung Quốc), nhưng trên nhãn phụ lại xuất hiện dòng chữ “Xuất xứ: Nhật Bản”.

Siêu thị Sakuko: Hàng Nhật nội địa xuất xứ Trung Quốc?

Cụ thể, một số sản phẩm như cốc tập uống có ống hút silicon nắp vàng loại 230 ml, chuchu hộp chia sữa,... trên bao bì gốc của sản phẩm có ghi “Made in China” nhưng trên nhãn phụ lại ghi “xuất xứ Nhật Bản”.

Như đã phân tích ở trên, việc siêu thị Sakuko đánh đố người tiêu dùng, nhiều sản phẩm được quảng cáo nhập khẩu nhưng không dán nhãn phụ tiếng Việt, không ghi hướng dẫn sử dụng, sản phẩm mập mờ nguồn gốc xuất xứ như đang đánh đố người tiêu dùng và khiến họ hoài nghi về nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm đó có phải là hàng Nhật nội địa nhập khẩu chính hãng hay không?

Theo ông Phạm Ngọc Hùng – Phó Chủ tịch quỹ Chống hàng giả Việt Nam cho biết: “Đối với những hàng hóa nhập khẩu theo con đường chính tắc khi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải có nhãn phụ, đây là nguyên tắc bắt buộc. Đơn vị nhập khẩu phải dán nhãn phụ đối với một số sản phẩm bắt buộc theo quy định. Việc kinh doanh hàng hóa không nhãn phụ là kinh doanh hàng trôi nổi”.

“Căn cứ vào quy trình nhập khẩu, khi hàng về đến hải quan, đơn vị muốn nhập khẩu bất cứ một sản phẩm nào vào Việt Nam, đơn vị phải công bố chất lượng sản phẩm, được các cơ quan chức năng cấp phép. Khi đã được cấp phép nhập khẩu, đồng nghĩa với việc đơn vị phải dán nhãn phụ ghi bằng tiếng Việt Nam.

Nguyên tắc dán nhãn phụ là dán đến hộp sản phẩm cuối cùng. Do vậy, hàng hóa đã bán ra thị trường mà không có nhãn phụ thì hàng đấy là hàng trôi nổi và đã là hàng trôi nổi thì không được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam”, ông Hùng nhấn mạnh.

Đối với trường hợp sản phẩm nhập khẩu mà trên bao bì ghi một nơi xuất xứ, trên nhãn phụ lại ghi một xuất xứ khác, ông Hùng khẳng định: “Đó là hàng giả. Bởi vì không có một thứ hàng hóa nào có 2 xuất xứ cả. Ở Việt Nam vấn đề này xảy ra rất nhiều, gọi là vấn đề nhái sai mác. Vừa rồi chúng ta đã xử lý Khải Silk và hàng loạt các sản phẩm khác.

Nếu sản phẩm được gia công ở nước thứ 3 thì bắt buộc vẫn phải ghi sản xuất tại nước đó. Nguyên tắc là sản phẩm được sản xuất, hoàn thành, xuất xưởng ở đâu thì phải ghi xuất xứ ở đó. Có thể linh kiện cấu thành sản phẩm có nhiều xuất xứ nhưng khi đã thành sản phẩm, in trên trên bao bì, in trên sản phẩm thì sản phẩm được đóng gói cuối cùng ở đâu thì phải ghi nơi sản xuất ở đó”.

Trước những thông tin trên, ngày 14/12, PV đã liên hệ với lãnh đạo của Công ty TNHH quốc Sakura Việt Nam để có những thông tin chính xác. Nhưng đến nay, Công ty TNHH quốc Sakura Việt Nam vẫn im hơi lặng tiếng.

Điều 25, Nghị định 80 quy định về vi phạm ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa quy định: Đối với các trường hợp hàng hóa theo quy định phải có nhãn nhưng không ghi nhãn hàng hóa; Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng và đơn vị đo;... thì sẽ phải chịu hai biện pháp xử lý là phạt tiền và Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có nhãn vi phạm hoặc buộc ghi lại nhãn hàng hóa.

Trong đó, mức phạt tiền của phụ thuộc vào giá trị hàng hóa vi phạm. Mức phạt tiền tối đa, tương đương với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng là 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng”.

Theo GiaDinh