Sống thọ hơn nhờ Facebook hay CHẾT YỂU vì thế giới ảo?

Mạng xã hội như cây cầu nối gần mọi người lại với nhau, nhiều cảnh đời khổ đau bất hạnh đã được cộng đồng chia sẻ, giúp đỡ nhưng hiểm họa là có thật.

TTO đưa tin, các nhà khoa học thuộc Đại học California - San Diego (Mỹ) vừa phân tích dữ liệu từ 12 triệu người dùng Facebook và xác định được câu trả lời. Những người có sử dụng Facebook nhiều khả năng sống thọ hơn những người không tham gia mạng trực tuyến này.

Cụ thể hơn, những người thường hay kết bạn, chia sẻ hình ảnh, tin tức trên Facebook đồng thời lại có thêm hoạt động giao lưu kết bạn ngoài đời là những người sống thọ nhất.

Các nhà khoa học nhận định cuộc sống hiện đại ngày càng có nhiều người làm việc và sống xa gia đình, Facebook có thể giúp ích về sức khỏe tinh thần. Nhưng nếu tốn quá nhiều thời gian cho Facebook thì phản tác dụng.

Trước thông tin khá bất ngờ này, nhiều ý kiến chuyên gia tâm lý Việt Nam lại cho rằng, mạng xã hội nói chúng và Facebook nói riêng lại đang có tác động tiêu cực đến giới trẻ.

Sống thọ hơn nhờ Facebook hay CHẾT YỂU vì thế giới ảo?

Lạm dụng facebook gây nguy hại đến sức khỏe (Ảnh Internet).

Các chuyên gia xã hội học cho rằng, chúng ta không thể phủ nhận mặt tích cực của mạng xã hội. Nó có thể dễ dàng nắm bắt được các thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau trên internet và đặc biệt là thông qua mạng xã hội với tốc độ lan truyền nhanh chóng.

Mạng xã hội đã trở nên phổ biến và gần gũi với mọi người nhất là đối với giới trẻ. Mục đích của mạng xã hội là tạo ra một hệ thống trên nền Internet cho phép người dùng giao lưu và chia sẻ thông tin một cách có hiệu quả, vượt ra ngoài những giới hạn về địa lý và thời gian.

Những lợi ích mà mạng xã hội mang lại cho chúng ta rất nhiều và tác động tích cực nếu chúng ta biết cách sử dụng chúng một cách hợp lý.

Tuy nhiên, lạm dụng mạng xã hội (trong đó có facebook) sẽ đem lại những mặt trái với giới trẻ. Đối với nhiều bạn trẻ nhất là giới sinh viên hiện nay, Facebook là niềm đam mê “tìm hiểu xã hội”, nhưng khi lạm dụng thái quá sự đam mê ấy lại trở thành tiêu cực, ảnh hưởng không ít đến thời gian học tập.

Các chuyên gia nhận định, thế giới ảo, nhưng hiểm họa là có thật. Sự bất cẩn, sự lỏng lẻo trong quản lý và sự vô tâm của không ít người khi sử dụng mạng xã hội… thực sự là mảnh đất màu mỡ để các thế lực phản động gieo mầm tai họa.

Mạng xã hội như cây cầu nối gần mọi người lại với nhau, nhiều cảnh đời khổ đau bất hạnh đã được cộng đồng chia sẻ, giúp đỡ… nhưng nếu đi sai đường sẽ vô cùng nguy hiểm. Đã có người mất mạng chỉ vì một vài lời đăng trên facebook. Đã có người mất việc, mất danh dự cũng vì facebook.

Sống thọ hơn nhờ Facebook hay CHẾT YỂU vì thế giới ảo?

Nữ sinh với trào lưu "like là làm"- ảnh minh họa.

Đặc biệt thời gian gần đây có trào lưu “like là làm”. Học sinh chỉ cần nhiều người like sẵn sàng đốt trường, thanh niên nếu nhiều người hùa theo “like” vô cảm cũng có thể tẩm xăng, châm lửa tự “hỏa thiêu” mình…

Thực tế trên là hồi chuông cảnh báo về hệ lụy từ facebook. Điều nguy hiểm hơn, dương như trường học không còn là nơi nương tựa, nhiều thanh thiếu niên sẽ có cảm giác bơ vơ giống như bị đẩy ra ngoài lề của xã hội.

Cần có một nghiên cứu điều tra chi tiết, nhưng hãy thử nhìn lại xem trong số những trường hợp thanh thiếu niên “đủ like là làm” như trên có bao nhiêu em cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống của mình ở gia đình và trường học?

Nhận định về tác hại của mạng xã hội facebook, trao đổi với báo chí, PGS.TS Trịnh Hòa Bình- Viện Xã hội học cho rằng, nguy cơ tiềm ẩn của các trang mạng xã hội đối với trẻ đó chính là hội chứng “trầm cảm Facebook”.

Khi trẻ em và thanh thiếu niên dành quá nhiều thời gian để vào các website này cũng là lúc những thói quen như ăn uống, ngủ nghỉ, kết bạn... bắt đầu thay đổi.

Nguy hại hơn, trẻ có xu hướng kết bạn và chơi theo một nhóm cô lập… Đó là những dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Khi nhận thấy trẻ có những biểu hiện này, cha mẹ nên trò chuyện cởi mở và thẳng thắn với con về thời gian sử dụng internet hàng ngày.

Không nên cấm trẻ truy cập vào facebook mà hãy cho trẻ một khoảng thời gian nhất định để chúng tự trưởng thành, nhưng cũng nên dành thời gian quan sát để hướng trẻ đi đúng đường.

Theo Vân An/nguoiduatin