Tăng cường giám sát chất lượng nước uống đóng chai, đống bình

Số liệu kết quả phân tích chất lượng nước uống đóng chai, nước qua lọc uống trực tiếp những năm gần đây có rất nhiều mẫu không đạt theo Quy chuẩn QCVN 6-1:2010/BYT.

Tại Hà Nội, gần đây qua kiểm tra 134 mẫu nước đóng chai, đóng bình, có 19/134 mẫu vi phạm (chiếm 14,17%). Trong đó, 14 mẫu vi phạm về pH (10,44%), 5/19 mẫu vi phạm về Coliforms (3,73%).

Theo đại diện Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, không chỉ có vấn đề về chất lượng, trong quá trình kiểm tra, giám sát chất lượng mặt hàng này cơ quan này còn phát hiện ra nhiều sai phạm về nhãn. Nhiều sản phẩm trên nhãn ghi nhập nhèm tên gọi nước khoáng và nước tinh khiết để qua mắt người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thông tin về các thành phần, chỉ tiêu chất lượng cũng không minh bạch.

Tăng cường giám sát chất lượng nước uống đóng chai, đống bình

Trước thực trạng nước uống đóng chai, đóng bình được sản xuất không đảm bảo chất lượng, cơ quan chức năng định hướng tăng cường kiểm soát mặt hàng này. Ảnh Báo Long An 

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng vi phạm quy định của của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nước uống đóng chai hiện nay phức tạp cả về mức độ và quy mô.

Trong khi đó, không phải người tiêu dùng nào cũng biết điều này, nên các loại nước đóng chai, đóng bình được quảng cáo "thổ phồng" như: sản xuất trên thiết bị hoàn toàn tự động, siêu lọc, tiệt trùng bằng tia cực tím... mà trên thực tế chỉ là những thiết bị thủ công, thậm chí không đảm bảo vệ sinh.

Thêm vào đó, chiêu bán hàng với dịch vụ giao hàng tận nơi miễn phí, mua một tặng một..., các nhà sản xuất vẫn lừa được vô số các “thượng đế” bỏ tiền ra tiêu thụ sản phẩm.

Sự ưa chuộng nước uống đóng chai, đóng bình trong sinh hoạt hàng ngày của người dân đã giúp cho thị phần mặt hàng này ngày càng phát triển, các cơ sở sản xuất theo đó cũng phát triển rầm rộ, khiến cho mặt hàng này khó được kiểm soát.

Theo các chuyên gia y tế, nước được gọi là tinh khiết được đóng chai, đóng bình trên thị trường chỉ đảm bảo về mặt vệ sinh chứ không tốt về mặt sức khoẻ, đặc biệt là dùng lâu dài, bởi nước tinh khiết được lọc bằng công nghệ thẩm thấu ngược (RO) hoặc trao đổi ion (IE), đã lọc đi các khoáng chất. Bình thường 50% các khoáng chất được bổ sung qua đường uống, nếu dùng nước tinh khiết quá nhiều hay hoàn toàn trong ăn uống, nhất là trong thời gian kéo dài, cơ thể sẽ thiểu khoáng chất và sinh bệnh thiếu vi chất.

Nguy hiểm hơn, sử dụng nước uống đóng chai, đóng bình không đảm bảo tiêu chuẩn còn có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe.  

Tăng cường giám sát chất lượng nước uống đóng chai, đống bình

 Nhiều vụ việc phát hiện các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình không đủ điều kiện ATTP đã dấy lên mối lo ngại về chất lượng mặt hàng này đối với sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh  ANTĐ

Theo PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh - chuyên gia công nghệ thực phẩm, để xác định nước có nhiễm bẩn hay không, thường dựa trên các chỉ tiêu lý hóa, vi sinh và độc chất - kim loại nặng. Dựa vào những chỉ tiêu trên để có thể đánh giá nước có đạt chất lượng và đạt vệ sinh hay không. Các chỉ tiêu lý hóa thông thường như màu, độ dẫn, kiềm Mg, Ca…, chỉ tiêu kim loại nặng hoặc chỉ tiêu vi sinh như E. Coli, Clostridium perfringens,… nếu những chỉ tiêu này vượt mức cho phép sẽ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

"Những loại nước dùng để lọc như nước giếng khoan không được đưa qua hệ thống xử lý kỹ có thể xuất hiện vi khuẩn E. Coli viêm đường ruột hoặc tiêu chảy cho người sử dụng... Một số kim loại nặng như thủy ngân, chì nếu tích lũy lâu dài sẽ dễ dẫn đến ung thư. Những loại chai nhựa, bình nhựa kém chất lượng khi đựng nước cũng sẽ rất gây hại", ông Thịnh cảnh báo.

Đánh giá về thực trạng thị trường nước uống đóng chai, đóng bình, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho hay, hiện nay trên thị trường sản xuất và lưu thông sản phẩm nước uống đóng chai có chất lượng nước đầu vào không được kiểm soát chặt chẽ.

Bên cạnh đó, tình trạng lây nhiễm vi sinh vật gây bệnh trong quá trình sản xuất, đặc biệt là sản xuất thủ công là khá phổ biến. Trong khi đó, dây chuyền công nghệ sản xuất lạc hậu, không được bảo trì thường xuyên hoặc chất lượng bảo trì kém. Chất lượng lõi lọc không đảm bảo chất lượng nhưng được làm giả nhãn mác của các hãng có uy tín.

"Do vậy, cơ quan chức năng cần có những hành động cụ thể để đánh giá được thực trạng về chất lượng và ghi nhãn thực phẩm đồ uống. Từ đó, đề xuất biện pháp quản lý, đưa ra các thông tin cảnh báo, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng", ông Phú đề xuất.

Để quản lý an toàn thực phẩm nói chung và thực phẩm đồ uống nói riêng, tại Việt Nam đã có các văn bản quy phạm pháp luật: Luật An toàn thực phẩm năm 2010; Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và các van bản quy phạm pháp luật liên quan như Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm Nước uống đóng chai QCVN 6-1:2010/BYT,..

Tuy nhiên, để lập lại "trật tự" thị trường nước uống đóng chai, đóng bình cần có sự mạnh tay hơn nữa của các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền địa phương trong việc giám sát chất lượng, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Theo VietQ