Thiết bị ghi hình lén vẫn được rao bán công khai

Trên thị trường hiện có đến vài chục loại thiết bị quay lén, định vị ngụy trang dưới các sản phẩm thông dụng đang được rao bán công khai trên các trang web.

Thiết bị ghi hình lén vẫn được rao bán công khai

Máy nghe lén siêu nhỏ được quảng cáo trên mạng.

Theo tìm hiểu của ICTnews, tại thời điểm tháng 5/2017, thị trường kinh doanh thiết bị ghi hình ngụy trang vẫn diễn ra công khai trên các trang web mua bán, rao vặt đồ điện tử với vài chục loại thiết bị với những mức giá khác nhau.

Các thiết bị nghe lén, quay lén được dân buôn đưa lên rao bán đều được ngụy trang khéo léo trong các sản phẩm thông dụng như tẩu thuốc trong ô tô, ngụy trang chuột máy tính, bật lửa... Hay có loại được tích hợp bên trong viên pin sạc dự phòng – một thiết bị “bất ly thân” đang ngày càng được nhiều người dùng smartphone mang theo sử dụng. Tất cả đều có xuất xứ từ thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, loại thiết bị nghe trộm sử dụng SIM điện thoại, sử dụng sóng GMS cũng được rao bán rầm rộ.

Thậm chí, có cả trang web công khai đặt luôn tên là “Thế giới nghe lén”, “Thế giới nghe trộm”… với thông tin mời chào mua thiết bị "được ngụy trang khéo léo, camera ngụy trang được sử dụng để thiết kế lắp đặt vào những nơi kín đáo, người chủ động lắp đặt sẽ dùng để quan sát nhân viên văn phòng, người giúp việc, thu ngân, bảo vệ... hoặc dùng trong các công việc đặc biệt".

Về giá bán, các thiết bị có giá từ 400.000 - 700.000 đồng, loại cao cấp hơn trang bị camera độ phân giải Full HD, có khả năng định vị từ xa, có loại hỗ trợ hồng ngoại quay đêm có giá hàng triệu đồng, cho tới 2 - 3 triệu đồng tùy loại.

Phần lớn các địa chỉ kinh doanh mặt hàng công nghệ nhạy cảm này có địa chỉ tại Hà Nội, TP.HCM nhưng cho phép đặt hàng trên toàn quốc.

Thiết bị ghi hình lén vẫn được rao bán công khai

Vô số thiết bị xuất xứ Trung Quốc.

Thực trạng các thiết bị được rao bán công khai phục vụ cho nhiều nhu cầu, mục đích khác nhau đang tiềm ẩn các vấn đề phức tạp trong xã hội, ảnh hưởng đến đời tư, các quan hệ kinh tế và an ninh xã hội và đặt ra hàng loạt thách thức cho cơ quan quản lý.

Theo Bộ Công an, những người sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị được ngụy trang dưới vỏ bọc đồ vật bình thường hoặc phần mềm theo dõi được cài đặt trái phép trên các thiết bị điện tử, máy tính xâm phạm quyền bí mật riêng tư của cá nhân, hoạt động của cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong xã hội.

Mới đây, theo nguồn tin từ Bộ Công an, qua công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, Bộ Công an đã phát hiện nhiều vụ sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị.

Điển hình là vụ Công ty Việt Hồng công khai quảng cáo sản phẩm phần mềm Ptracker và đã thực hiện giám sát hơn 14.000 tài khoản điện thoại di động, cho phép đối tượng thuê dịch vụ phần mềm này để bí mật quay phim, chụp ảnh, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại trái pháp luật…

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đã xác định có ít nhất 24 cá nhân, tổ chức có hành vi công khai quảng cáo, buôn bán thiết bị và cung cấp các dịch vụ tương tự như Công ty Việt Hồng.

Trước thực tế trên, ngày 18/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 65 ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, trong đó giao Bộ Công an xây dựng dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị để hướng dẫn Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016).

Từ những lý do trên, theo Bộ Công an, việc xây dựng, trình Chính phủ thông qua Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị là cần thiết.

Trong tháng 5/2017, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an hoàn thiện Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành để có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.

Theo ICTNews