Thịt nhập khẩu tràn lan, điều tiết cách nào?

Đại diện Cục chăn nuôi cho rằng có thể kiểm soát việc mặt hàng thịt nhập khẩu tràn lan bằng cách thiết lập các hàng rào kỹ thuật.

Hàng ngoại ‘soán ngôi’ hàng nội

Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), trong năm 2017, Việt Nam ước tính đã nhập khẩu 6.554 tấn thịt lợn các loại với giá trị nhập khẩu 11,07 triệu USD; hơn 81,4 ngàn tấn thịt gia cầm, giá trị nhập khẩu trên 75,7 triệu USD.

Đáng chú ý, cũng trong năm 2017, Việt Nam nhập tới 262.321 con trâu bò sống và 41,46 ngàn tấn thịt các loại (chủ yếu là thịt trâu bò có xương), giá trị kim ngạch nhập khẩu gần 416 triệu USD (khoảng 9.500 tỷ đồng).

Trao đổi với báo chí, anh Nguyễn Hữu Trí, chuyên gia trong ngành thực phẩm cho rằng, hiện có xu thế người tiêu dùng ưa chuộng các mặt hàng thịt nhập khẩu hơn hàng nội địa. Lấy ví dụ từ thịt bò, anh Trí cho biết thịt bò Úc có giá ngang bằng bò Việt Nam (thực chất là bò nhập từ Campuchia, Lào, Thái Lan). Trong khi đó, bò Úc vừa có mác ‘ngoại’, vừa có thịt thơm hơn so với bò nội địa nên chắc chắn người dân sẽ chọn mua thịt bò Úc nhiều hơn.

Bên cạnh đó, khảo sát từ Tổng cục Hải quan cho hay, tính bình quân thịt gà Mỹ nhập khẩu về Việt Nam giá chỉ khoảng 19.000 đồng, còn thịt lợn nhập khẩu giá bình quân chỉ 27.000 đồng. Trong khi giá thịt bò ngon của Việt Nam đang bán trên thị trường hiện nay lên tới 270.000 đồng/kg, loại rẻ cũng có giá tới 170.000 đồng/kg thì cùng thời điểm, giá thịt bò ba chỉ Úc và Mỹ nhập vào Việt Nam, bán tới tay người tiêu dùng chỉ có 150.000 đồng/kg, tức là rẻ gần bằng một nửa.

 Cần một hàng rào kỹ thuật để ngăn việc thịt nhập khẩu tràn vào Việt Nam. Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn

Tình trạng trên xảy ra tương tự ngay cả thịt gà. Từ năm 2015, giá thịt gà nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam chỉ ở mức 17.000-20.000 đồng/kg. Trong khi ở Việt Nam đã có nhiều trang trại đạt trình độ chăn nuôi gà không thua kém gì nhiều nước khác, nhưng giá thành gà vẫn ở mức 25.000 - 26.000 đồng/kg (tương đương với giá thành ở Thái Lan).

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, gà Mỹ nhập vào Việt Nam với giá 19.000 đồng/kg và bán ra thị trường TP.HCM chỉ 23.000 đồng, rẻ bằng nửa gà nội và gần bằng một phần tư giá bán cho người tiêu dùng tại Mỹ.

Thiết lập hàng rào kỹ thuật để kiểm soát nhập khẩu thịt

Mức giá rẻ bất ngờ của các mặt hàng đặc biệt là các loại thịt nhập khẩu khiến không ít người tiêu dùng đổ xô đi mua. Tuy nhiên, việc các loại thịt nhập khẩu tràn lan ngoài thị trường cùng tâm lý ‘sính ngoại’ của người tiêu dùng đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất thịt thương phẩm trong nước.

Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng việc tạm nhập tái xuất có ảnh hưởng nhất định đến sản xuất trong nước nhưng đây là vấn đề nhạy cảm vì Việt Nam có quan hệ với nhiều nước nên xu thế này là điều không thể tránh khỏi khi nước ta đang trên đà hội nhập kinh tế.

Cũng theo ông Vân, Việt Nam buộc phải chấp nhận giá thịt cạnh tranh từ các nước đưa vào vì không thể cấm mà chỉ có thể xây dựng hàng rào kỹ thuật cho thật tốt để kiểm soát, tránh tình trạng nhập khẩu tràn lan.

Cục trưởng Cục chăn nuôi đồng thời khẳng định hàng rào kỹ thuật cũng sẽ đưa vào Luật Chăn nuôi và khi cần thiết, Bộ NNPTNT sẽ cứ phái đoàn đi kiểm tra thực địa để xem có đảm bảo đúng quy tình mới được nhập khẩu. Bên cạnh đó, về dài hạn Cục chăn nuôi và Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng chăn nuôi trong nước.

Việc tiến tới thiết lập một hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm thịt nhập khẩu vào Việt Nam được cho là một bước đi cần thiết nhằm hạn chế tình trạng thịt nhập khẩu tràn lan, kiểm soát cả các vấn đề liên quan đến nguồn gốc, chất lượng.

Tuy nhiên, để người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm, ‘một lòng một dạ’ với các sản phẩm thịt do chính Việt Nam sản xuất thì đòi hỏi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thịt trong nước cần chú trọng hơn tới vấn đề chất lượng, áp dụng các quy trình kỹ thuật hiện đại, các giải pháp công nghệ nhằm hạ giá thành sản phẩm, tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ với các mặt hàng ngoại nhập. Có như thế, người tiêu dùng sẽ không còn tình trạng ‘sính ngoại, bỏ nội’ như trước đây.

Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, các mặt hàng thực phẩm gia súc, gia cầm, trong đó có thịt bò nhập khẩu vào Việt Nam đều được kiểm soát chặt chẽ.

Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, để quản lý thịt và thực phẩm nhập khẩu, hiện nay nước ta đang áp dụng các nội dung của Luật Thú y và hai thông tư gồm Thông tư số 25 năm 2016 và Thông tư 25 năm 2010.

Theo Thông tư số 25 năm 2010 thì các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ gia súc nước ngoài muốn xuất khẩu sản phẩm vào Việt Nam phải có hồ sơ gửi các cơ quan chức năng Việt Nam và được thẩm định, chấp thuận. Sản phẩm xuất vào Việt Nam phải đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm mới được cấp phép.

Đồng thời, các lô hàng thịt khi về tới cửa khẩu đều được kiểm tra 100%. Doanh nghiệp phải có nhãn mác ghi đầy đủ khối lượng, nguồn gốc, chủng loại, ngày và hạn sử dụng... khi đưa ra bán trên thị trường.

Bảo Bình

Theo VietQ