Thủ tướng chỉ thị: Không bán nước ngọt trong trường học

Đây là nội dung đáng chú ý tại Chỉ thị 46/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới ban hành ngày 21-12.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, triển khai chương trình sữa học đường; tăng cường vận động thể lực cho trẻ em, học sinh.

Đặc biệt, chỉ thị nêu rõ: Không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học.

Ngoài ra, yêu cầu Bộ GD&ĐT phải phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để giáo dục, hướng dẫn về dinh dưỡng và vận động thể lực phù hợp cho trẻ em, học sinh; đặc biệt là cho nhóm tuổi tiền dậy thì và dậy thì.

thu-tuong-chi-thi-khong-ban-nuoc-ngot-trong-truong-hoc

Tăng cường lồng ghép các chương trình giáo dục thay đổi hành vi về dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực phù hợp với trẻ em, học sinh trong trường học vì mục đích phát triển trẻ thơ toàn diện.

Ngoài ra, tăng cường phối hợp với ngành y tế để theo dõi, giám sát tình trạng dinh dưỡng, các can thiệp dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh trong trường học.

Chính phủ cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp tập trung đẩy mạnh chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học và dinh dưỡng trong bữa ăn gia đình, nhằm sớm chấm dứt các thể suy dinh dưỡng.

Tập trung phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng đặc thù, sử dụng nguồn thực phẩm tại địa phương và phù hợp với khẩu vị theo vùng, miền…

L.THANH

Theo PLO

--------------------

Xem thêm:

Nghiên cứu mới: Nước ngọt không đường vẫn gây béo phì

Theo các nhà khoa học, các thực phẩm hay đồ uống có chứa chất tạo ngọt không đường, ít calo có thể gây béo phì và các bệnh liên quan như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Manitoba, Canada, đã tiến hành 37 nghiên cứu với hơn 400.000 người tham gia, trong trung bình 10 năm để làm rõ thực tế tác dụng lâu dài của các chất làm ngọt nhân tạo. Họ nhận thấy rằng, bằng chứng cho việc hỗ trợ giảm cân là “không rõ ràng”.

Chất tạo ngọt còn tạo ra các tác động tiêu cực đến sự trao đổi chất, vi khuẩn đường ruột và sự thèm ăn của người sử dụng.

Tuyên bố từ nghiên cứu của Đại học Monitoba này trái ngược hoàn toàn với nghiên cứu khoa học trước đó. Cụ thể, các nghiên cứu trước cho thấy chất tạo ngọt nhân tạo với lượng calo thấp có thể giúp mọi người giảm được lượng calo và kiểm soát cân nặng của họ.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lo ngại rằng khả năng giảm béo của nhóm thực phẩm hay đồ uống này đã bị thổi phồng.

Thay vào đó, nó có thể dẫn đến mối đe dọa gia tăng các bệnh như, bệnh tiểu đường, bệnh tim, huyết áp cao và béo phì.

Nghiên cứu mới: Nước ngọt không đường vẫn gây béo phì

Nước ngọt không đường không làm giảm cân mà còn tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao 

Tuy nhiên, những phát hiện này đã bị các giám đốc ngành công nghiệp thực phẩm phản đối. Họ cho rằng thành phần tạo ngọt nhân tạo, không chứa calo này đã được các cơ quan quản lý về y tế trên toàn thế giới cho là "an toàn".

Tổng giám đốc Gavin Partington, Hiệp hội Nước giải khát Anh cho biết: "Các chất làm ngọt nhân tạo có lượng calo thấp và ít calo đều được coi là an toàn bởi tất cả các cơ quan y tế hàng đầu trên thế giới, bao gồm Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu”.

Ryan Zarychanski, giáo sư của cơ quan giáo dục Canada, nói: "Mặc dù hàng triệu người thường xuyên ăn chất làm ngọt nhân tạo, nhưng cho tới nay, mới có ít bệnh nhân được đưa vào thử nghiệm lâm sàng cho các sản phẩm này".

Bằng chứng về lợi ích hay hạn chế của chất tạo ngọt nhân tạo này vẫn còn được tranh cãi. Tác giả chính của nghiên cứu, Meghan Azad cho biết: "Cảnh báo vẫn được đảm bảo cho đến khi các tác động lâu dài về sức khoẻ của chất làm ngọt nhân tạo được mô tả đầy đủ”.

Tình trạng béo phì và các bệnh liên quan ngày nay đang trở thành một dịch bệnh, do việc sử dụng rộng rãi các chất tạo ngọt nhân tạo. Chúng ta cần phải có nhiều nghiên cứu cụ thể để xác định rủi ro hay lợi ích lâu dài của nhóm sản phẩm này.

Theo vtc