Thực hư dùng thớt, đũa mốc gây ung thư gan

Mới đây, một chia sẻ lan truyền trên mạng xã hội về việc dùng thớt, đũa mốc gây ung thư gan khiến không ít người tiêu dùng lo ngại.

Thói quen sử dụng thớt, đũa mốc

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền chia sẻ về nỗi lo sợ bị ung thư gan. Nguyên nhân bắt nguồn từ một gia đình có 3 người bị ung thư gan ở Trung Quốc do sử dụng đũa, thớt mốc.

Theo nội dung đoạn chia sẻ thì việc cắt hoặc chặt thức ăn trên thớt, những mảnh vụn sẽ bám lại trên mặt thớt. Lâu ngày những thứ này sẽ biến đổi thành các loại vi khuẩn nguy hiểm cho cơ thể. Trong đó độc tố nấm aflatoxin sinh ra từ nấm mốc được coi là nguy hiểm nhất.

Thực hư dùng thớt, đũa mốc gây ung thư gan

Thói quen sử dụng thớt gỗ bị  nứt nẻ, vết cắt chồng chéo tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh

Aflatoxin tạo ra các ảnh hưởng về mặt hóa sinh lên tế bào dẫn đến gây quái thai, gây ung thư. Nếu hấp thu 2,5 mg aflatoxin trong 89 ngày, chỉ một năm sau đó cơ thể con người sẽ xuất hiện các triệu chứng ung thư gan…

Nhiều gia đình hiện nay vẫn có thói quen sử dụng một chiếc thớt cho mọi mục đích. Chẳng hạn, mổ cá xong, rửa sạch rồi băm thịt và cắt thức ăn chín. Thậm chí, nhiều bà nội trợ vẫn dùng thớt đã ẩm mốc, nứt nẻ, nhiều vết cắt chồng chéo để cắt, chặt thức ăn vì cho rằng đã rửa sạch nên không việc gì.

Nguy hại đến đâu?

Các nghiên cứu của FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) cho thấy, Aflatoxin một trong những tác nhân gây ung thư. Hoá chất này sinh ra từ nấm mốc, dạng tinh thể trắng, không bị phân huỷ khi đun nấu thông thường nên rất khó xử lý. 

Thực hư dùng thớt, đũa mốc gây ung thư gan

Aspergillus flagus tồn tại trên các loại nông sản bị nấm mốc.

Hiện có 17 loại aflatoxin khác nhau nhưng thường gặp và độc nhất là aflatoxin B1. Có tới 83% số bệnh nhân bị ung thư gan đều có aflatoxin B1.

Tuy nhiên, chỉ 2 loại nấm duy nhất có thể hình thành Aflatoxin là Aspergillus flagus và Aspergillus parasiticus. Cả 2 loại này đều không phải loại nấm trên thớt hoặc đũa gỗ.

Aspergillus flagus và Aspergillus parasiticus thường có trên các loại nông sản được bảo quản không tốt như ngũ cốc, hạt có dầu (lạc, đậu tương...), các loại gia vị (ớt, tiêu, nghệ)... Do khó phân hủy nên cơm, xôi, thậm chí cả rượu lên men từ gạo mốc cũng sinh ra aflatoxin.

Trả lời báo chí, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Chủ tịch Hội sinh học Việt Nam) cũng cho rằng, flatoxin B1 gây ung thư gan là độc chất do một số nấm mốc tiết ra nhưng không phải độc tố này tiết ra từ tất cả các loại nấm mốc như thớt mốc, đũa mốc…

Tuy nhiên, người dân lại đang ăn phải rất nhiều chất gây ung thư có trong các loại rau cỏ, thực phẩm… bị nấm mốc chứa độc tố aflatoxin.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, tuyệt đối không dùng thớt gỗ bị ẩm mốc, nứt nẻ vì sau một thời gian dễ bị thấm nước, bị mùn, nứt nẻ, nhiều vết cắt đan chéo nhau... khiến các loại ký sinh trùng gây bệnh phát triển. Cũng không dùng thớt bằng nhựa cứng vì có khả năng lưu trữ vi khuẩn cao hơn rất nhiều so với thớt gỗ, thậm chí ngay cả sau khi chùi rửa.

Theo Minh Khuê (Vietq)