Bộ GD&ĐT vừa ra công văn hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025, trong đó lưu ý đối với việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn.
Không dùng ngữ liệu trong SGK để kiểm tra môn Ngữ văn
Bộ GD&ĐT vừa ra công văn hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025. Trong đó, Bộ GD&ĐT lưu ý một số vấn đề cụ thể đối với việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn.
Các trường THCS và THPT cần tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ.
Yêu cầu này được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Ngoài ra, việc đánh giá cần phải thực hiện theo đúng quy định, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình, tăng cường việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập...
Việc thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục trung học cần tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận để kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh lớp 10, học sinh lớp 12 định hướng làm quen với đề thi tốt nghiệp THPT.
Về việc sử dụng xuất bản phẩm tham khảo, Bộ đặc biệt lưu ý các trường chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên kiểm soát chặt chẽ nội dung, không để xuất bản phẩm tham khảo có nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo, truyền thống văn hóa, thuần phong mĩ tục của Việt Nam đưa vào sử dụng trong dạy học.
Theo UBND tỉnh Lào Cai, vụ tai nạn lao động khiến 6 người thương vong xảy ra trưa 2/8, bước đầu cơ quan chức năng xác định được nguyên nhân.
Cụ thể, trong lúc xây dựng si lô (lò cao), đơn vị thi công dùng tời kéo thùng đưa 6 công nhân (đứng trong thùng) lên cao để thi công công trình thì bất ngờ đứt cáp. Thùng chứa công nhân rơi xuống đất và bị puli từ trên cao rơi xuống đập trúng. Hậu quả, 2 công nhân tử vong và 4 người khác bị thương.
2 nạn nhân tử vong là anh Lê Văn C (chưa rõ năm sinh) tử vong tại chỗ, anh Phạm Văn N (SN 1989) tử vong trên đường đi cấp cứu.
4 nạn nhân bị thương gồm: Trần Văn T (SN 1986), Nguyễn Trọng T (SN 1988), Hoàng Văn T (SN 1989), Tẩn Ông S (SN 1994).
Cả 6 nạn nhân trong vụ tai nạn đều là nam giới và là lao động tự do.
Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Bộ Công an cho biết, để tăng tính răn đe đối với người vi phạm giao thông, đồng thời xây dựng nội dung về việc trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, Bộ Công an đề xuất 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm giấy phép lái xe; trong đó, có 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm (trừ toàn bộ số điểm).
Cụ thể:
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
- Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy;
- Điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%;
- Đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ trên 35km/h;
- Bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;
- Buông cả hai tay khi lái xe;
- Dùng chân lái xe;
- Ngồi về một bên khi lái xe;
- Nằm trên yên xe khi lái xe;
- Thay người điều khiển khi xe đang chạy;
- Quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt lái xe;
- Lái xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
- Lái xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định...
Đây là những hành vi vi phạm có tính chất cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, hủy hoại công trình giao thông.
Bộ Công an cho biết, dữ liệu về điểm, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và trừ điểm giấy phép lái xe; việc trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe được tự động thực hiện trên hệ thống cơ sở dữ liệu.
Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Sau 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Theo VietnamNet, Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề xuất kế hoạch tổ chức lễ vận hành thương mại đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội vào sáng 9/8.
Trên cơ sở chương trình dự kiến, MRB đề xuất UBND thành phố xem xét, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Theo MRB, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là một sự kiện quan trọng, thu hút sự quan tâm của dư luận. Đồng thời, sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển hạ tầng giao thông của thủ đô, thu hút nguồn đầu tư cho các dự án tiếp theo.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài là 12,5 km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5 km và đoạn đi ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4 km.
Lộ trình của tuyến: Điểm đầu Nhổn - theo quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao với vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với vành đai 2) - Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo).
Dự án khởi công năm 2009. Theo kế hoạch tuyến đường sắt trên cao sẽ hoàn thành năm 2015 nhưng sau nhiều lần lùi tiến độ, dự kiến tuyến hoàn thành vào năm 2027. Đặc biệt, đoạn trên cao đã lỡ hẹn hàng chục lần.
Theo VOV, ngày 2/8, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã ban hành quyết định số 1556/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại thành phố Sơn La và các huyện Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Thuận Châu.
Theo đó, từ ngày 22/7 - 24/7, do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp suy yếu từ bão số 2, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có mưa to đến rất to, với tổng lượng phổ biến từ 40 – 200mm, một số nơi lượng mưa rất lớn như: thành phố Sơn La 229,4mm; xã Chiềng Ngàm, huyện Thuận Châu 206,4mm; xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn 205,3mm; xã Nậm Ty, huyện Sông Mã 199,6mm.
Trên sông Nậm Pàn, Sông Mã xuất hiện lũ lớn vượt báo động cấp 3, sông Nậm La xuất hiện lũ vượt báo động cấp 2.
Mưa lũ đã làm 11 người chết, 6 người bị thương, gây ảnh hưởng, thiệt hại lớn về nhà ở, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp... với tổng thiệt hại hơn 500 tỷ đồng.
Mưa lớn kéo dài còn gây lũ quét, sạt lở đất và ngập úng làm thiệt hại nghiêm trọng về nhà ở, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn, Sông Mã, Thuận Châu; các xã Sặp Vạt, Chiềng Pằn, huyện Yên Châu.
Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La giao UBND các huyện, thành phố triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp; theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai, thời tiết để ứng phó. Phân công lãnh đạo địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực theo dõi 24/24 trong những ngày mưa, lũ cao điểm.
Hỗ trợ bà con vùng bị ảnh hưởng. Huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị sửa chữa ngay các công trình bị hư hỏng bảo đảm giao thông thông suốt, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc và vệ sinh môi trường cho người dân; thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ, ngập úng để sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân vùng thiên tai.
Theo GiaDinh