'Tôi mất trắng gần 300 triệu đồng khi mua nhà xã hội qua môi giới'



Gom góp được ít tiền, vợ chồng anh Hà dồn mua nhà ở xã hội nhưng sau 2 năm nhà không có, số tiền đã đóng cũng không đòi lại được.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của anh Đức Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) về trải nghiệm cay đắng bị lừa khi sốt ruột mua nhà mà chưa kịp tìm hiểu kỹ:

Tôi là nhân viên bán hàng, vợ làm kế toán, tổng thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ hơn 10 triệu đồng. Sau khi kết hôn, vì kinh tế còn khó khăn, chúng tôi ở cùng trong gian nhà tập thể cũ hơn 20m2 với bố mẹ. Không gian chật chội nhiều bất tiện nên sau khi sinh con đầu lòng năm 2013, vợ chồng tôi bàn nhau phải cố gắng tiết kiệm để sớm mua được căn nhà, dù nhỏ, để ra ở riêng.

'Tôi mất trắng gần 300 triệu đồng khi mua nhà xã hội qua môi giới'
Ảnh minh họa: Creditoxte.

Giữa năm 2015, chúng tôi biết có dự án nhà ở xã hội tại Đại Kim - gần khu vực mình đang sống, nên tìm hiểu thông tin với ý định mua. Thấy giá cả hợp lý, diện tích nhỏ vừa, lại trông chờ vào cơ hội có thể được vay ưu đãi gói 3000 tỷ, chúng tôi quyết tâm mua một căn. Không có kinh nghiệm gì vì mua nhà lần đầu, lo hồ sơ của mình không tới lượt, chúng tôi mua qua một công ty môi giới - mà khi đó họ nói là đồng chủ đầu tư. Vị giám đốc công ty này khi ấy đang làm tại một đơn vị thuộc Bộ công an nên tôi thấy rất tin tưởng.

Tôi chọn mua một căn gần 60m2, giá gốc xấp xỉ 15 triệu đồng một m2. Thời điểm tôi mua nhà là tháng 8, họ vừa xây xong móng và bắt đầu lên tầng 1. Tôi được ký hợp đồng đặt chỗ (mà họ gọi là hợp đồng góp vốn), phải nộp 20% giá trị căn hộ là 173 triệu đồng. Họ nói rằng sau một tháng tôi sẽ được ký hợp đồng mua bán và số tiền trên sẽ được chuyển thành tiền góp đợt đầu.

Đến cuối tháng 9 vẫn chưa thấy được gọi ký hợp đồng mua bán, tôi điện thoại tới thì người nhận tiền nói dự án đang có vấn đề giữa họ với chủ đầu tư và hẹn tới tháng 10. Nhưng từ tháng 10 tới hết năm, mỗi lần tôi gọi tới thì họ lại lần lữa.

Sang tháng 4 năm 2016, tôi được họ trả lời rằng trong 100 ngày tới nếu chưa giải quyết xong thì họ sẽ trả lại hết tiền và chịu thêm 100 triệu tiền phạt. Sau thời điểm 100 ngày như đã hẹn, tôi gọi thì không liên lạc được, tìm tới văn phòng thì thấy bên ngoài dán đầy các hóa đơn đòi nợ tiền điện, nước... và biết họ đã chuyển đi, không để lại dấu tích gì.

Hy vọng mong manh là sẽ được gọi trả lại tiền dần hết, cuối năm 2016, tôi trình báo lên công an vụ việc của mình và biết rằng có gần 40 người khác cũng bị lừa tương tự. Trong số đó, có người mua đầu tư cả một sàn, không ít là các môi giới bất động sản.

Hiện tại, người trực tiếp ký hợp đồng góp vốn với chúng tôi đã bị bắt, còn số tiền đã đóng của tôi không biết liệu có thể lấy lại được không. Đó là tất cả những gì vợ chồng tôi gom góp bao năm đi làm, thậm chí còn phải vay mượn thêm. Chúng tôi vẫn ở chung với bố mẹ và không dám hé lời nào cho ông bà biết việc này, sợ các cụ nghĩ ngợi. Vợ chồng tôi cũng chẳng dám nghĩ tới việc đẻ thêm con thứ hai khi cuộc sống vốn đã khó khăn giờ càng thêm vất vả.

Nhưng nhà tôi như vậy vẫn may mắn bởi khi mua nhà vợ chồng cùng bàn bạc, thống nhất với nhau nên khi gặp chuyện không may chúng tôi cũng động viên nhau cùng cố gắng.

Anh Phan Hải Dũng, chuyên viên một công ty bất động sản hoạt động gần 10 năm tại Hà Nội cho biết, vài năm trước, không ít người bị mất trắng khoản tiền lớn khi mua nhà ở xã hội qua trung gian lừa đảo. Nhiều trường hợp ham giá tốt nhất, mua vào lúc dự án chưa được phép bán, chấp nhận ký hợp đồng kiểu góp vốn chứ chưa phải hợp đồng mua bán.

Theo anh Dũng, vài năm trở lại đây, nhà nước đã siết chặt quy định mua bán nhà ở xã hội nên các trường hợp bị lừa kiểu này ít gặp hơn. Dù vậy, để đảm bảo không mất tiền oan khi mua căn hộ, bạn cần tìm hiểu thông tin kỹ càng về dự án, chủ đầu tư. Chỉ ký hợp đồng mua bán trực tiếp với chủ đầu tư uy tín khi dự án đã xây xong móng, được cấp phép bán.

Theo VnExpress