TP.HCM: Đề nghị gắn camera ở nơi giết mổ để tránh heo tiêm thuốc

Theo Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Phạm Khánh Phong Lan, trong thời gian tới, cơ quan này đề nghị gắn camera theo dõi tại các lò mổ trên địa bàn TP.HCM và cả ngoại tỉnh để giám sát việc giết mổ tại các cơ sở này. Đây sẽ là giải pháp góp phần tránh được tình trạng heo bị tiêm thuốc an thần, thịt giết mổ ra lại bị nhiễm vi khuẩn Ecoli.

TP.HCM: Đề nghị gắn camera ở nơi giết mổ để tránh heo tiêm thuốc

Ngày 12.12, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì buổi làm việc với Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cùng các sở ngành liên quan.

Báo cáo về hoạt động Ban Quản lý An toàn thực phẩm (Ban Quản lý ATTP) năm 2017, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM cho hay, sau khi đưa vào hoạt động, mô hình thí điểm mới này giúp nâng tầm quản lý đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Mặc dù vậy, hiện nay, Ban Quản lý ATTP còn gặp nhiều khó khăn do các quy định còn chồng chéo, bất hợp lý trong cấp phép, xử lý vi phạm; thiếu nhân sự, số nhân sự chuyển về từ các cơ sở không đủ số lượng.

“Công chức của ban thì lấy từ các sở ngành, còn viên chức thì chưa thể tuyển vì theo quy định viên chức muốn chuyển đi phải xin nghỉ và làm lại từ đầu nên không ai muốn”, bà Lan nói .

Ngoài ra, trong việc thanh kiểm tra xử lý vi phạm vẫn gặp rất nhiều khó khăn do chưa thống nhất về bộ máy tổ chức thanh tra và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của ban.

“Bởi vì thanh tra Chính phủ chỉ công nhận chúng tôi là thanh tra chuyên ngành chứ không phải thanh tra nhà nước. Tạm thời, chúng tôi đành chấp nhận hoạt động theo mô hình thanh tra chuyên ngành nhưng về lâu dài thì mong muốn được nhìn nhận như là thanh tra của các sở khác với đầy đủ thẩm quyền, chức năng”, bà Lan nói thêm.

Đáng chú ý, bà Lan đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn giao công tác kiểm soát giết mổ về Ban Quản lý ATTP.

“Trong thời gian chuyển tiếp, ban đề nghị gắn camera theo dõi tại các lò mổ trên địa bàn TP.HCM và cả ngoại tỉnh để giám sát việc giết mổ tại các cơ sở này”, bà Lan đề xuất.

Theo bà Lan, đây sẽ là giải pháp góp phần tránh được tình trạng heo tiêm thuốc an thần, thịt giết mổ ra lại bị nhiễm vi khuẩn Ecoli.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM Trần Ngọc Hổ nhận định, về kiểm soát giết mổ, đối với giết mổ gia súc, gia cầm thì việc quản lý nhà nước đối với công tác giết mổ không chỉ dừng lại ở quản lý công đoạn giết mổ mà còn quản lý dịch tễ của động vật sống để phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc trên địa bàn thành phố. 

“Việc quản lý an toàn thực phẩm là công việc khó khăn, khá phức tạp do có nhiều khâu từ sản xuất, phân phối, tiêu dùng. Do vậy, dù có Ban Quản lý ATTP.

Nhưng việc phối hợp chặt chẽ từng khâu giữa ban với các sở quản lý chuyên ngành ở từng khâu sản xuất là rất quan trọng”, ông Trần Ngọc Hổ nhận định.

Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Huỳnh Trang cũng thống nhất chuyển giao đề án truy xuất thịt heo và đề án truy xuất đối với trứng, thịt gia cầm… cho Ban Quản lý ATTP. 

Về việc xây dựng mô hình chợ vệ sinh an toàn thực phẩm, hiện tại Sở đã hoàn chỉnh dự án trình cho UBND TP.HCM phê duyệt và kiến nghị giao cho Ban Quản lý ATTP thực hiện.

Đối với Trung tâm phân phối hương liệu phụ gia, Sở Công Thương đã chọn địa điểm ở phường 7, quận 8 với diện tích 17,2 ha và đã trình UBND TP.HCM xem xét thông qua.

Đánh giá về các vấn đề trên, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã đề nghị các sở ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ khâu quản lý, không để tình trạng mất an toàn thực phẩm xảy ra gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. 

Riêng về việc triển khai các lò giết mổ hiện đại chậm thực hiện, UBND TP.HCM sẽ làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ thực hiện; có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn các lò mổ thủ công trong thời gian tới. 

Ngoài ra, ông Phong còn đề nghị Ban Quản lý ATTP phải làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Y tế thảo luận quy chế phối hợp cụ thể, chặt chẽ để giảm tổn hại cho sức khỏe người dân.

Đồng thời, phải có kế hoạch phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông để cung cấp thông tin cho người dân biết tránh dùng phải thực phẩm bẩn.

Đối với vấn đề thành lập thanh tra chuyên ngành, Ban Quản lý ATTP, thanh tra TP.HCM sẽ phối hợp với Sở Nội vụ để tổng hợp những vấn đề bất cập báo cáo cho thành phố để UBND TP.HCM trao đổi với thanh tra Chính phủ xem xét giải quyết. 

Theo Motthegioi

-----------------

Xem thêm:

Kết quả xét nghiệm: Toàn bộ thịt heo, gà, vịt ở 5 tỉnh, thành phía Nam đều mất an toàn

Kết quả xét nghiệm các mẫu thịt heo, thịt gà và thịt vịt được lấy ngẫu nhiên tại các chợ  ở 5 tỉnh, thành phía Nam đều cho kết quả 100% mẫu thịt tươi sống trên bị nhiễm vi khuẩn E.Coli vượt mức cho phép của Bộ Y tế. Đây là một “cú sốc” lớn thực sự đối với người tiêu dùng.

Kết quả xét nghiệm: Toàn bộ thịt heo, gà, vịt ở 5 tỉnh, thành phía Nam đều mất an toàn

Ngày 8.12 tại Hội nghị khoa học Viện Pasteur TP.HCM lần thứ 19 với chủ đề: “Nghiên cứu vì sức khỏe cộng đồng”, đơn vị này đã chính thức công bố kết quả khảo sát tỷ lệ nhiễm E.Coli trong thịt và thủy sản tươi sống tại một số chợ đầu mối ở 5 tỉnh, thành phía Nam năm 2017.

Viện Pasteur TP.HCM cho biết từ tháng 4.2017 đến tháng 8.2017, đơn vị này đã lấy 150 mẫu thịt tươi sống (gồm 2 mẫu thịt vịt, 58 mẫu thịt gà và 90 mẫu thịt heo) và 147 mẫu thủy sản tươi sống (gồm 7 mẫu chem chép, 26 mẫu hàu, 15 mẫu nghêu và 99 mẫu sò các loại) tại các chợ lớn ở TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy ở thủy sản tươi sống có đến 94/147 mẫu nhiễm vi khuẩn E.Coli, chiếm 63,9%. Trong số 94 mẫu thủy sản tươi sống nhiễm vi khuẩn E.Coli này có đến 24 mẫu có mức độ nhiễm E.Coli rất nặng - mức độ nhiễm vượt quá giới hạn cho phép của Bộ Y tế.

Những mẫu thủy sản tươi sống nhiễm vi khuẩn E.Coli vượt mức giới hạn cho phép cao nhất là các loại sò (sò huyết, sò lông, sò dương, sò dẹo và sò sữa) có số mẫu nhiễm E.Coli vượt mức cho phép lên đến 14 mẫu, chiếm 58,3%.

Điều đáng lo sợ hơn chính là toàn bộ 150 mẫu thịt tươi sống các loại được kiểm nghiệm thì cho kết quả 100% mẫu đều nhiễm vi khuẩn E.Coli vượt mức cho phép của Bộ Y tế.

Kết quả trên cho thấy mối nguy hại từ các loại thực phẩm đang được bày bán tại các chợ ở 5 tỉnh, thành trên đang đe dọa đến sức khỏe của người dân.

Phân tích của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy nguyên nhân chủ yếu của nhiễm vi khuẩn E.Coli vượt mức giới hạn cho phép của các loại thịt tươi sống ở đây là do điều kiện vệ sinh còn rất kém ở các lò giết mổ gia súc, gia cầm cũng như các nơi bày bán chế biến thực phẩm.

Bên cạnh đó, việc nhiễm vi khuẩn E.Coli vượt mức giới hạn cho phép trên còn do nguồn nước bị nhiễm khuẩn, sự vấy nhiễm vi khuẩn trong các công đoạn cắt tiết, nhổ lông, từ dụng cụ và quy trình giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, không tuân theo nguyên tắc một chiều.

Theo Viện Pasteur TP.HCM, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và thủy sản được xem là một trong những nguồn tiềm ẩn chứa các vi sinh vật gây bệnh nguy hiểm, trong đó có vi khuẩn E.Coli.

Vi khuẩn E.Coli có thể gây bệnh nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng máu, viêm màng não… Ngoài ra, có một ít loài E. Coli có thể gây bệnh do chúng đã tiếp nhận các khả năng gây bệnh từ những vi khuẩn khác.

Đó là các loại E.Coli gây bệnh đường ruột, trong đó nhóm cực kỳ nguy hiểm là nhóm E.Coli gây tiêu chảy ra máu (viêm đại tràng xuất huyết) dẫn đến tán huyết (vỡ hồng cầu) và suy thận chết người.

Theo Motthegioi