TP. HCM: Nguy cơ bệnh tật đầy người vì dùng nước đá viên

Nước đá viên dùng liền vô cùng thuận tiện với người dùng nhất là đối với những quán nước ven đường nhưng đá viên cũng rất dễ nhiễm khuẩn.

TP Hồ Chí Minh là địa bàn có nhu cầu tiêu thụ nước đá rất lớn với 500 tấn/ngày với gần 200 cơ sở sản xuất (SX) nước đá. Trong không khí oi ả, nóng bức nhu cầu sử dụng nước đá càng tăng cao, từ khu vực thành phố, thị trấn đến những vùng thôn quê, nước đá viên đều “hút” khách. 

Nước đá dùng liền sạch là nước đá được sản xuất từ nước đạt yêu cầu dùng cho ăn uống theo QCVN 01:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống được ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BYT ngày 17/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế được đóng gói, cung cấp để ăn uống trực tiếp. Nước đá dùng liền không bao gồm các loại nước đá được sản xuất để bảo quản thực phẩm hoặc dùng cho các mục đích khác.

Tuy nhiên, theo Chi Cục an toàn thực phẩm TP HCM, đối với nước đá dùng liền không qua xử lý trước khi sử dụng nên rất dễ bị nhiễm vi khuẩn.

Trên thực tế, các xét nghiệm đã chỉ ra rằng, nước đá bẩn dễ nhiễm vi khuẩn E.coli, Coliforms, Feacal streptoccocus có thể gây bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số gây suy thận, nhiễm khuẩn đường huyết.

TP. HCM: Nguy cơ bệnh tật đầy người vì dùng nước đá viên

Nước đá viên rất dễ nhiễm khuẩn tả. Ảnh minh họa 

Cũng theo phân tích của Chi Cục, riêng vi sinh Pseudomonas aeruginosa (còn gọi trực khuẩn mủ xanh) có trong nước đá “bẩn” nếu xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu... còn gây tử vong.

Hơn nữa, sản xuất nước đá chưa xử lý, nguồn nước còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất như: thủy ngân, chì, asen, kẽm,...là mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, một số cơ sở chưa đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh nước đá như: sử dụng nguồn nước ngầm chưa qua xử lý hoặc quy trình xử lý nước ngầm chưa đảm bảo an toàn, thiếu chế độ vệ sinh cơ sở, chưa trang bị phòng thay bảo hộ lao động cho nhân viên; thiết bị, dụng cụ sản xuất và tiếp xúc thực phẩm (bao bì chứa đựng sản phẩm) chưa đảm bảo; thiếu chế độ vệ sinh kho thành phẩm, thiếu kệ, pallet kê cao thành phẩm, thiếu thiết bị giám sát điều kiện kho thành phẩm.

Phát hoảng công nghệ 'tái chế' nước đá siêu bẩn tại chùa Phật Tích(VietQ.vn) - Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ngắn ghi lại cảnh sử dụng lại nước đá bẩn để dùng khiến tất cả người xem đều phải giật mình kinh sợ.

Nhấn mạnh thêm về tác hại của nước đá viên dùng liền, Chi Cục an toàn thực phẩm TP HCM cho hay, chỉ cần phát hiện trong nước có hàm lượng Amoni cao là đã biểu thị nước bị nhiễm chất hữu cơ có nguồn gốc nitơ (nước thải, phân bón, chất thải từ chuồng trại chăn nuôi...

Amoni trong nước ngầm khi gặp oxy trong không khí chuyển hóa thành Nitrat và Nitrit. Khi 2 chất này vào cơ thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe, gây hiện tượng methemoglobin (thiếu oxy trong máu), khi kết hợp với các axít amin trong cơ thể còn tạo thành các nitrosamine gây ung thư; nếu nước đá nhiễm E.Coli và Coliforms chứng tỏ nguồn nước sử dụng nhiễm phân người hoặc phân súc vật gây bệnh đường ruột, bệnh tả, lỵ, thương hàn...

Do đó, theo Chi Cục an toàn thực phẩm TP HCM, để có được sản phẩm nước đá dùng liền đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đòi hỏi người sản xuất, kinh doanh phải thực hiện đúng các quy định pháp luật như sau:

Về cơ sở vật chất và trang thiết bị dụng cụ cần phải tuân thủ các điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ y tế, của Chính Phủ.

Về con người, tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 3 (đối với cơ sở sản xuất) và Điều 7 (đối với cơ sở kinh doanh) Thông tư 15/2012/TT-BYT ngày 12/9/2012 quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm của Bộ Y tế.

TP. HCM: Nguy cơ bệnh tật đầy người vì dùng nước đá viên

Người dân không nên dùng quá nhiều nước đá viên không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa 

Về nguồn nước sử dụng trong sản xuất nước đá dùng liền phải lấy từ các nhà máy cung cấp cho người tiêu dùng, phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2009/BYT đối với nguồn nước dùng ăn uống. Nếu sử dụng nhằm mục đích sản xuất: phải xét nghiệm các chỉ tiêu được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2009/BYT. 

Đơn vị sử dụng nước phải thường xuyên vệ sinh thiết bị lọc, thiết bị chứa đựng nhằm đảm bảo vệ sinh trong quá trình sử dụng. 

Vì vậy, cách tốt nhất để đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng không nên lạm dụng nước đá dùng liền và nếu dùng càng ít càng tốt hoặc ở dạng ướp lạnh sản phẩm nhất là sản phẩm nước giải khát. Nên tự làm nước đá dùng liền tại nhà để sử dụng hoặc nếu có mua nước đá dùng liền phải được đóng gói trong bao bì kín theo quy định.

Theo Vietq