'Tù mù' chất lượng hàng tiêu dùng Thái Lan bán tràn lan

Là hàng nhập khẩu nhưng đa phần trong số đó không có nhãn phụ bằng tiếng Việt… Đó là thực trạng hàng tiêu dùng Thái Lan

Đó là thực trạng hàng tiêu dùng Thái Lan trên thị trường khiến cho người tiêu dùng không thể phân biệt.

Tràn lan hàng không nhãn mác tiếng Việt

Ghi nhận của PV Chất lượng Việt Nam tại một số cửa hàng kinh doanh chuyên về hàng nhập khẩu từ các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản: Trong rất nhiều các sản phẩm tiêu dùng như hóa mỹ phẩm, quần áo, đồ gia dụng… được nhập khẩu từ nước ngoài nhưng hầu hết trên mỗi sản phẩm đều không được gắn nhãn phụ theo quy định.

'Tù mù' chất lượng hàng tiêu dùng Thái Lan bán tràn lan

 Sản phẩm Thái Lan được bán tràn lan trên thị trường nhưng thông tin về sản phẩm lại không rõ ràng

Tại cửa hàng chuyên đồ Thái Lan tại đường Trần Thái Tông – Cầu Giấy – Hà Nội, hàng hóa xuất xứ Thái Lan tràn ngập các kệ hàng, đủ chủng loại, sản phẩm nhưng tìm mỏi mắt trên các sản phẩm này không hề thấy bất kỳ một thông tin vào về sản phẩm bằng tiếng Việt.

Thậm chí, có sản phẩm cùng thương hiệu, công dụng chỉ khác màu sắc, bào bì ghi hoàn toàn bằng chữ Thái Lan khiến cho người mua rất khó khăn trong việc chọn lựa.

Theo chị Vũ Anh Thư (Dịch Vọng – Cầu Giấy- HN), nhiều khi đi mua hàng, cầm trên tay những mặt hàng không có chút thông tin bằng tiếng Việt rất lúng túng không biết sản phẩm đó tên gọi là gì nên đành phải quay sang hỏi người mua hàng đứng bên cạnh hay nhờ sự trợ giúp của nhân viên bán hàng.

“Rất nhiều nơi bán hàng như "đánh đố" người tiêu dùng khi bán ra nhiều mặt hàng toàn chữ nước ngoài mà không có thông tin cụ thể bằng tiếng Việt, như vật chẳng khác nào hàng "trôi nổi", hàng mập mờ nguồn gốc, thậm chí hàng lậu”, chị Thư nói.

Thực tế cho thấy, tại Hà Nội, các cửa hàng tiêu dùng treo biển “hàng Thái Lan” thường không chỉ bán hàng có xuất xứ Thái Lan mà còn có cả hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc và hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc do không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Trong khi đó, người bán hàng nếu được hỏi sẽ luôn khẳng định đây là hàng Thái. Không chỉ thế, nhiều trường hợp cửa hàng kinh doanh còn cố tình giới thiệu, quảng cáo mang tính gây nhầm lẫn, như sản phẩm được thiết kế ở Thái Lan, mang nhãn hiệu Thái Lan nhưng sản xuất ở Trung Quốc.

Về mẫu mã, hàng nhái không thua kém gì hàng xịn, mà giá cả lại rẻ hơn nhiều, được bày bán lẫn lộn, nên người mua rất khó phân biệt. Thậm chí có nơi còn tinh vi đánh tráo từng bộ phận nhỏ trong máy, chẳng hạn một máy xay sinh tố ghi “made in Thailand” nhưng lại có cốc xay “made in China”...

Theo kết quả khảo sát từ cuộc điều tra Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2017, người tiêu dùng có tâm lý “e dè” hàng Trung Quốc… nhưng lại ưa chuộng hàng Thái. Thế nhưng ít ai biết rằng, trên thị trường hàng Thái Lan hiện được cho là có rất nhiều xuất xứ.

Theo các chuyên gia, trước khi mua hàng, người tiêu dùng nên xem kỹ các thông tin về sản phẩm ghi trên nhãn mác, tránh trường hợp ham của rẻ mà rước nhiều sản phẩm chất lượng thấp về nhà.

Thực tế nhiều sản phẩm dù có mẫu mã đẹp, thông tin địa chỉ rõ ràng song chất lượng khi sử dụng không được như kỳ vọng, do đó người tiêu dùng cũng cần tham khảo ý kiến trước khi quyết định “rút hầu bao”.

Minh bạch thông tin nhờ nhãn phụ

Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa có quy định: "Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

'Tù mù' chất lượng hàng tiêu dùng Thái Lan bán tràn lan

'Tù mù' chất lượng hàng tiêu dùng Thái Lan bán tràn lan

Nhiều sản phẩm tiêu dùng Thái Lan bán trên thị trường không có nhãn phụ bằng tiếng Việt

Tem phụ là một loại tem nhãn được dán chắc chắn trên hàng hóa hoặc bao bì sản phẩm để thể hiện các thông tin cần thiết về hàng hóa bằng tiếng Việt Nam đính kèm theo nhãn nguyên gốc bằng tiếng nước ngoài trước khi đưa ra bán hoặc lưu thông trên thị trường.

Tem phụ có chức năng giúp cơ quan hải quan, công an và người tiêu dùng kiểm soát, phân biệt được với hàng hóa nhập lậu.

Trên nhãn phụ phải chứa đựng đầy đủ các thông tin sau đây: Hướng dẫn sử dụng; Thành phần công thức đầy đủ; Tên nước sản xuất; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Định lượng thể hiện bằng khối lượng tịnh hoặc thể tích; Số lô sản xuất; Ngày sản xuất hoặc hạn dùng phải được thể hiện một cách rõ ràng; Lưu ý về an toàn khi sử dụng (nếu có)…”

Việc không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt trên sản phẩm nhập khẩu đã vi phạm Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng, gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ, thành phần, cách sử dụng và bảo quản, nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng chính hãng, hàng nhập lậu…, đồng thời gây khó khăn trong công tác quản lý thị trường cho cơ quan chức năng.

Để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái và cả hàng kém chất lượng đội lôi, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần chọn mua sản phẩm tại những nơi có uy tín, đọc kỹ nhãn sản phẩm và chỉ chọn mua những sản phẩm có ghi nhãn phụ rõ ràng về nơi sản xuất, nhà nhập khẩu, phân phối, có ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt...

Đó là cách tốt nhất để mua được những sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý nhất, không chỉ riêng đối với hàng Việt, hàng Trung Quốc, hàng Thái mà ngay cả với các mặt hàng sản xuất ở những nước phát triển.

Trong bối cảnh thị trường hàng hóa, tiêu dùng đã và đang bị trà trộn nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu... thì với việc dán tem nhãn đầy đủ, rõ ràng đúng quy định của pháp luật trên sản phẩm của mình chính là cách đơn giản nhất để một doanh nghiệp chân chính tự bảo vệ uy tín, thương hiệu, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng cho khách hàng.

Theo VietQ

---------------------

Xem thêm:

Hàng Thái lấn át hàng Việt và tâm lý đám đông

Sáu năm qua, Việt Nam mất rất nhiều tiền bạc, thời gian tuyên truyền chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng hàng Thái lại nhanh chóng thế chỗ và được nhiều người sử dụng.

Chỉ bằng cảm tính không thể đánh giá chất lượng hàng Thái Lan

Kể từ khi Việt Nam chính thức mở cửa dịch vụ bán lẻ theo cam kết của WTO, trong lộ trình đến năm 2015 sẽ xóa bỏ hoàn toàn các rào cản về thuế quan đối với khối các nước Cộng đồng kinh tế Asean, Thái Lan mỗi năm đã tổ chức 4 kỳ hội chợ có quy mô trên các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam, trong đó có Hà Nội.

Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã đến tham quan nhiều kỳ hội chợ hàng Việt Nam và Thái Lan. Qua 2 kỳ Hội chợ hàng tiêu dùng Thái Lan tại Hà Nội năm 2015 và hiện tại đang diễn ra kỳ Hội chợ hàng tiêu dùng Thái Lan 2016, cho thấy: Cả 2 kỳ Hội chợ hàng tiêu dùng Thái Lan thì người Việt Nam đã đến đây mua hàng rất đông, từ đồ gia dụng, đồ điện, may mặc thời trang, mỹ phẩm, hóa phẩm, thuốc chữa bệnh …

hang-thai-lan-at-hang-viet-va-tam-ly-dam-dong

Gian hàng bát Thái Lan tại Hội chợ Bán lẻ hàng tiêu dùng Thái Lan năm 2016 luôn đông khách.

Sự khác biệt giữa Hội chợ hàng tiêu dùng Việt Nam và Thái Lan đó là: Tại kỳ Hội chợ hàng tiêu dùng hàng Việt luôn có sự hỗ trợ tuyên truyền của các cơ quan chức năng, báo chí trước và trong hội chợ. Tại hội chợ, đơn vị tổ chức liên tục phát đi những thông điệp về hội chợ, những sản phẩm hàng hóa tham gia.

Ngược lại, Hội chợ Bán lẻ hàng tiêu dùng Thái Lan năm 2016 không có các cơ quan, báo chí tuyên truyền trước hội chợ. Ngay tại Hội chợ cũng không có hệ thống loa truyền thanh tuyên truyền về hội chợ, hay sản phẩm tham gia.

hang-thai-lan-at-hang-viet-va-tam-ly-dam-dong

Gốm sứ Bát Tràng là sản phẩm chất lượng cao bán tại Hội chợ làng nghề Việt Nam 2015 vắng vẻ khách hàng, ngược hẳn so với hàng Thái Lan.

Điều bất ngờ ở đây là những kỳ hội chợ hàng Thái luôn thu hút đông khách mua sắm, còn hội chợ hàng Việt lại thiếu đi sự nhộn nhịp ấy.

Nhiều người được hỏi tại Hội chợ hàng Thái Lan năm 2016 đều cho rằng: Hàng Thái có chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Nhưng khi hỏi, chất lượng tốt như thế nào và đã có cơ quan nào đánh giá chất lượng hàng Thái Lan hơn hàng Việt Nam thì không ai có câu trả lời.

hang-thai-lan-at-hang-viet-va-tam-ly-dam-dong

Nước xả vải Thái Lan đông khách mua.

Cũng nghe nhiều người nói hàng Thái Lan hơn hàng Việt Nam, nhất là nước xả vải, tại Hội chợ hàng tiêu dùng Thái Lan Năm 2015, phóng viên cũng đã mua một can nước xả vải made in ThaiLan.

Cũng vẫn cách giặt như mọi lần, đó là đổ vào hộp giặt của máy giặt để có cách so sánh đúng nhất. Sau đó đều hỏi mọi người trong nhà về mùi thơm lưu lại trên quần áo thì đều nhận được câu trả lời: Nước xả vải của Thái Lan không thơm bằng các hãng nổi tiếng của Việt Nam như: Downy, Comfort.

hang-thai-lan-at-hang-viet-va-tam-ly-dam-dong

Giày, dép Thái Lan cũng đông khách.

Thực tế cho thấy, nước xả vải của Thái Lan loãng chứ không đậm đặc như hàng Việt Nam. Do đó, khi đổ cùng một dung lượng như nhau thì hương thơm lưu lại trên quần áo sẽ không thể thơm bằng hàng của Việt Nam.

Như vậy, đến nay chưa có cơ quan nào và cũng không ai khẳng định được hàng Thái Lan tốt hơn hàng Việt Nam. Hầu hết chỉ do truyền miệng và do cảm tính của nhiều người suy đoán rằng hàng Thái Lan tốt hơn hàng Việt Nam.

Người Việt mua sắm theo tâm lý đám đông

Tại buổi khai mạc Hội chợ Bán lẻ hàng tiêu dùng Thái Lan năm 2016, ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết: Từ nhu cầu thực tế của người dân trong việc chọn lựa thực phẩm, đồ uống sạch, đảm bảo xuất xứ, cho đến các mặt hàng như thiết bị điện tử, đồ gia dụng, đồ dùng trang trí gia đình, mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp, quần áo đều có tại Hội chợ Bán lẻ Hàng Thái Lan.

Tất cả các mặt hàng này đều có xuất xứ từ Thái Lan, được trực tiếp người Thái mang sang hoặc thông qua các công ty nhập khẩu, đại lý, nhà phân phối tại Việt Nam. 

hang-thai-lan-at-hang-viet-va-tam-ly-dam-dong

Mỹ phẩm Thái Lan đông khách mua.

Cũng phải khẳng định rằng, tất cả các hội chợ của Việt Nam tổ chức ở mọi địa phương từ thành phố, đến nông thôn đều được các cơ quan chức năng chỉ đạo, kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Những doanh nghiệp đến được với hội chợ đều có thương hiệu, và đương nhiên hàng hóa đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Sau khi khảo sát thị trường hàng hóa Việt Nam và tại Hội chợ Bán lẻ hàng tiêu dùng Thái Lan năm 2016, cho thấy người Việt Nam đang mua sắm theo tâm lý đám đông chứ không hẳn về chất lượng, giá cả hàng hóa.

hang-thai-lan-at-hang-viet-va-tam-ly-dam-dong

Hàng thổ cẩm lạnh Thái Lan.

hang-thai-lan-at-hang-viet-va-tam-ly-dam-dong

Quần thổ cẩm Thái Lan 100.000 đồng/chiếc.

Phóng viên đã làm một phép tính so sánh ở mặt hàng quần áo thổ cẩm lạnh. Đây là mặt hàng đang được ưu chuộc trong mùa hè năm nay. Chiếc quần ngắn màu thổ cẩm lạnh của Thái Lan đang bán tại hội chợ là 100.000 đồng/chiếc. Quần dài 200.000 đồng/chiếc. Khi được hỏi đắt hay rẻ, nhiều người nói rẻ và mát lắm.

Nhưng phóng viên đã đi một loạt các cửa hàng bán hàng thổ cẩm của Việt Nam tại khu vực phố cổ và một số phố khác như: Đội cấn, Hoàng Hoa Thám, Bà Triệu … Cũng với chất liệu như vậy, thì mỗi chiếc quần hàng made in Việt Nam chỉ có từ 40.000 – 50.000 đồng/chiếc. Quần dài là 70.000 – 80.000 đồng/chiếc. 

hang-thai-lan-at-hang-viet-va-tam-ly-dam-dong

Hàng thổ cẩm lạnh made in Việt Nam cùng chủng loại, chất liệu chỉ có 40.000 - 50.000 đồng/chiếc bán tại các cửa hàng ở phố cổ Hà Nội.

Được hỏi, một chủ cửa hàng tại phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm cho biết: Hàng hóa tại đây đều do các cơ sở sản xuất của Việt Nam sản xuất, vừa bán buôn và bán lẻ. Sản phẩm sản xuất đều có nguồn gốc xuất xứ. Việc liên kết giữa nhà sản xuất và cửa hàng cung cấp tại chỗ nên giá bán hàng ở mức thấp hơn hàng nhập khẩu là vậy.

Không chỉ có vậy, ở hầu hết các cửa hàng bán đồ thổ cẩm lạnh của Việt Nam còn đa dạng màu sắc hoa văn, kiểu dáng từ quần ngắn, dài, bộ đồ, đầm ngắn, đầm maxi, đầm dạ hội…

Như vậy, cùng chất liệu, chủng loại, màu sắc đa dạng hơn để người tiêu dùng lựa chọn, song xét về giá của một sản phẩm cùng loại hàng Thái Lan đang cao hơn từ 2 lần trở lên so với hàng Việt Nam.

Cũng tại hội chợ này, phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với một nhân viên bán hàng dầu thảo dược. Khi phóng viên hỏi tờ phơi giới thiệu về sản phẩm, thành phần trong dầu, nhân viên nói không có.

hang-thai-lan-at-hang-viet-va-tam-ly-dam-dong

Các dãy hàng hóa Thái lan bán tại hội chợ luôn đông khách.

Phóng viên hỏi: Dầu có những thành phần gì, em? Nhân viên trả lời: Có gừng và một số thảo dược khác đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Chị mua chai to được tặng một lăn tay chữa bệnh.Vậy hàng này đặt địa chỉ giao dịch tại đâu em, nếu hết muốn mua nữa thì mua ở đâu? Chưa có địa chỉ tại Việt Nam chị ạ, em có card visit nếu hết hội chợ chị cần cứ gọi điện sẽ có người đem đến. Không có cửa hàng thì hàng để đâu mà bán? Chưa có cửa hàng mà có kho hàng, nếu khách đặt mua hoặc có dịp lại đưa hàng ra bán chị à.

hang-thai-lan-at-hang-viet-va-tam-ly-dam-dong

Như vậy, không có cửa hàng mà vẫn bán hàng thì sao có thể kiểm soát được chất lượng, giá cả hàng hóa trước khi đến tay người tiêu dùng. Đó là chưa kể thất thoát thuế mà người dân vẫn phải mua với giá cao. 

Nếu người dân cứ tiếp diễn mua sắm theo xu hướng đám đông, không tự phân tích, so sánh về giá cả, chất lượng với hàng nội địa, chính là cơ hội để hàng Thái ngày càng mở rộng thị phần hàng tiêu dùng trong nước./.

Theo Bích Hời (kinh tế đô thị)