Tỷ lệ nữ giới uống rượu,bia đang gia tăng

Tỷ lệ người uống rượu bia tăng nhanh ở cả hai giới, đặc biệt với nữ giới. Nghiên cứu năm 2010 cho thấy có 5,6 % nữ giới uông rượu bia, sau 5 năm con số này đã tăng lên gần gấp đôi 11,2%.

Thông tin được cung cấp bởi Cục y tế Dự phòng, Bộ Y tế tại buổi Hội thảo cung cấp thông tin báo chí về phòng chống tác hại của rượu, bia vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo đó, kết quả điều tra STEPs năm 2015 của Bộ Y tế và WHO cho thấy,tại Việt Nam tỷ lệ uống rượu bia rất cao đặc biệt là nam giới. Có tới 77% nam giới và 11% nữ giới hiện tại có uống rượu bia trong 30 ngày qua.

Tỷ lệ cao so với mặt bằng chung thế giới, đáng nói là tỷ lệ hiện có uống rượu bia trong nhóm tuổi từ 25-64 năm 2010 tỷ lệ nam giới có uống rượu là 69%, thời điểm này nữ chỉ chiếm 5,6%, nhưng đến năm 2015 tỷ lệ nam giới uống đã tăng lên 80,3%, và  tỷ lệ nữ giới uống rượu tăng gần gấp 2 lần, 11,2%. 

Đáng nói là số đơn vị cồn trong mỗi lần uống trung bình là 2,7 đơn vị đối với nữ và 5,5 đơn vị đối với nam, gấp đôi số đơn vị cồn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Trong một điều tra gần nhất với tổng số 3.758 người thì tỷ lệ người uống rượu, bia ở mức nguy hại (uống từ 6 đơn vị cồn trở lên) chiếm đến 22,4%.

Trong đó, nam giới chiếm 44,2% (tổng số nghiên cứu là 1.676 người) và nữ giới là 1,2% (tổng số nghiên cứu là 2.082 nữ giới).

TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, sản lượng rượu bia được sản xuất và tiêu dùng ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng từ 2.400 triệu lít bia, 59 triệu lit rượu công nghiệp năm 2010 tăng lên 3400 triệu lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 200 lít rượu tự nấu tại thời điểm năm 2015.

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng lo ngại,  rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 loại bệnh, đồng thời cũng là nguyên nhân gián tiếp gây ra 200 loại bệnh tật khác nhau.

Cả nước bỏ ra khoảng 60 nghìn tỷ trong năm để chi phí trực tiếp cho rượu bia. Tổn thất về kinh tế do sử dụng rượu bia chiếm gần 3% tổng số thu ngân sách của cả nước…

Ngoài những tác hại rượu bia về sức khỏe, kinh tế thì  rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông.

Theo báo cáo của UBAT GT Quốc gia, rượu bia là nguyên nhân gây ra 70% số vụ tai nạn giao thông.

Ước tính mỗi năm trung bình cả nước có hơn 10 nghìn người tử vong do tai nạn giao thông thì có hơn 7 nghìn người chết mà nguyên nhân xuất phát từ việc lái xe có sử dụng rượu, bia.

“Không ở đâu mua rượu dễ như ở Việt Nam. Rượu bán ở mọi nơi, không có nguồn gốc rõ ràng như rượu tự nấu, rượu lậu lại rất phổ biến.

Không kiểm soát được độ tuổi mua rượu, hầu như mọi đối tượng có nhu cầu sẽ mua được rượu dễ dàng”. TS Bắc bày tỏ.

BS. Trần Quốc Bảo, Cục y tế Dự phòng, Bộ Y tế cũng cho hay, tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại cũng tăng qua các năm.

Năm 2010, tỷ lệ nam giới uống rượu ở mức nguy hại là 25,1% đến năm 2015 tăng lên là 44,2%.

Đáng nói là, tỷ lệ này cũng gia tăng ở nữ, mặc dù tỷ lệ uống ở mức nguy hại ở nữ không cao nhưng cũng tăng năm 2010 là 0,6% thì 5 năm tỷ lệ này đã lên 1,2%

Tỷ lệ nữ giới uống rượu,bia đang gia tăng

TS. Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và ông Nguyễn Phương Nam đại diện WHO tại Việt Nam trong buổi cung cấp thông tin cho báo chí (ảnh N.H)

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Phương Nam, đại diện của WHO Việt Nam cũng cảnh báo, tại Việt Nam số người uống rượu, bia ở mức nguy hại tăng đặc biệt là nam giới.

Tiêu thụ rượu bia ở mức nguy hại cao nhất là nhóm trẻ trong độ tuổi từ 18-29. Ông Nam cũng cho biết thêm, Việt Nam tiêu thụ chất cồn nguyên chất tăng gấp 2 lần, năm 2005 mức tiêu thụ là 3,3 L đến 2010 lên đến 6,6 l cồn nguyên chất, đi ngược với xu hướng của thế giới.

Được biết, hiện Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu, bia.

Trong đó, tập trung vào các nội dung như chính sách thuế, giá; kiểm soát quảng cáo cả rượu, bia; kiểm soát tiếp cận với rượu, bia (điểm bán, giờ bán)...; kiểm soát sử dụng rượu bia ở trẻ em như quy định độ tuổi hoặc địa điểm cấm bán/uống...; phòng chống uống rượu bia và lái xe; quản lý rượu tự nấu/rượu thủ công.

BS. Trần Quốc Bảo khuyến nghị, để giảm thiểu nguy cơ đối với sức khỏe và xã hội, không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam và một đơn vị cồn/ngày với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần.

Người dân không sử dụng rượu, bia trong khi điều khiển phương tiện xe cơ giới, vận hành máy móc, có thai, điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có tình trạng bệnh lý mà rượu, bia làm cho nặng lên. Đặc biệt, trẻ em và vị thành niên không nên uống rượu, bia.

Mạnh mẽ hơn, đại diện cho WHO tại Việt Nam, ông Nguyễn Phương Nam đề nghị cần phải tăng giá rượu, bia lên 25-30%.

Cần kiểm soát chặt chẽ quảng cáo, khuyến mại rượu, bia và đồ uống có cồn khác. Kiểm soát hiệu quả sự sẵn có của rượu, bia. Đặc biệt là cần thực thi nghiêm quy định ngăn ngừa lái xe sử dụng rượu, bia.

Theo suckhoedoisong