Vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày có trên mâm cơm

Helicobacter pylori (viết tắt là HP) là vi khuẩn sống trong dạ dày có thể gây viêm loét niêm mạc dạ dày - tá tràng, tiến triển thành ung thư dạ dày. Theo các chuyên gia, bệnh có thể điều trị được bằng kháng sinh, nhưng ở Việt Nam, tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh diệt HP rất đáng lo ngại… Lo ngại hơn, loại vi khuẩn này có ở trên mâm cơm mỗi nhà.

Vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày có trên mâm cơm

Chấm chung bát nước mắm có thể lây nhiễm khuẩn HP

Cách đây 2 năm, anh Hùng (30 tuổi, ở Hà Nội) bỗng nhiên thấy buồn nôn, đau rát bỏng vùng thượng vị. Ban đầu, anh nghĩ chắc đau bình thường nên xoa dầu nóng “cho qua”. Nhưng tình trạng đau lẩm nhẩm khiến anh rất khó chịu, đêm ngủ cũng không thể nằm ngửa mà phải nghiêng người co quắp chân tay kéo dài. Ngày hôm sau, anh quyết định đi khám, nội soi dạ dày bằng gây mê. Kết quả, anh được chẩn đoán viêm loét niêm mạc dạ dày vì nhiễm vi khuẩn HP.

Tìm hiểu thông tin về loài vi khuẩn này, anh Hùng thấy rất nhiều người cũng mắc như anh, đường lây chủ yếu là qua ăn uống nên nhiều người trong gia đình hay lây nhau.

Thấy thế, anh đề nghị gia đình cho ăn riêng, kể cả bát nước chấm, bát canh hay khẩu phần. Nhưng bố mẹ anh không đồng ý, cho rằng điều này trái với truyền thống gia đình và “nhìn không thuận mắt”. Một thời gian sau, bố mẹ anh Hùng đi khám sức khỏe tổng quát và bất ngờ cho kết quả, cả nhà đều bị nhiễm vi khuẩn HP.

Theo TS Vũ Trường Khanh - Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai), HP là vi khuẩn sống trong dạ dày, có thể gây viêm loét niêm mạc dạ dày - tá tràng. Theo một nghiên cứu về tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP tại Việt Nam, ở Hà Nội cứ 1.000 người dân thì có khoảng 700 trường hợp có thể nhiễm vi khuẩn HP; còn ở TPHCM, khoảng 90% số người bị viêm dạ dày có vi khuẩn HP.

Dựa vào các nghiên cứu dịch tễ, cơ quan nghiên cứu về ung thư trên thế giới xếp HP như là nhóm 1. Điều đó có nghĩa là, HP được xác định là nguyên nhân hàng đầu có thể gây ung thư dạ dày. Đồng tình quan điểm này, chia sẻ bên lề Hội nghị quốc tế “Tiêu hóa - gan mật” tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai vào cuối tuần qua, GS Hidemi Goto - Trưởng khoa Tiêu hóa-Gan mật, Bệnh viện Đại học Nagoya (Nhật Bản) cho hay, có mối liên hệ chặt chẽ giữa bệnh nhân mắc khuẩn HP và bệnh ung thư dạ dày.

Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP có nguy cơ mắc ung thư đại tràng, ung thư dạ dày hoặc các bộ phận tiêu hóa khác cao hơn người bình thường. Tương tự, những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP sau khi được tiêu diệt, loại bỏ khuẩn này thì khả năng khỏi bệnh về đường tiêu hóa hoặc nguy cơ mắc ung thư thấp hơn.

Nhật Bản được biết đến là nước có tỷ lệ ung thư dạ dày và nhiễm khuẩn HP thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Theo GS. Goto, một trong những nguyên nhân là do người Nhật có thói quen sử dụng thức ăn nhiều muối nên nhiều ca bệnh bị viêm loét dạ dày, sau đó tiến triển ung thư dạ dày.

Thông tin từ TS Vũ Trường Khanh cho thấy, trước đây người Nhật Bản ăn mỗi ngày khoảng 20g muối trong thời gian dài, nay mức này đã giảm xuống còn khoảng 5-6g. Trong khi đó ở châu Âu và nước Mỹ, người dân chủ yếu sử dụng thực phẩm là thịt nên số ca mắc ung thư đại tràng nhiều hơn.

Lý giải về tình trạng nhiều người dân mắc khuẩn HP và đặc biệt là hay tái diễn, TS Vũ Trường Khanh cho biết, khuẩn HP được cho là lây qua đường tiêu hóa. Trong một gia đình, môi trường có nhiều người mắc thì nguy cơ xác suất những người còn lại có thể mắc. Thêm vào đó, chế độ ăn uống, sinh hoạt của người Việt Nam là điều kiện thuận lợi cho sự lây truyền khuẩn HP.

Cách nào phát hiện khuẩn HP?

Vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày có trên mâm cơm
Những người có cha mẹ, anh chị em ruột mắc ung thư dạ dày, có HP thì nên đi xét nghiệm kiểm tra tầm soát sớm. Ảnh: TL

Theo TS Vũ Trường Khanh, do vi khuẩn HP có thể lây qua hô hấp (miệng - miệng) nên nhiều trường hợp cả gia đình mắc bệnh, điều trị đỡ bệnh lại có thể lây lại từ người thân. Bệnh này có thể chữa khỏi thông qua sử dụng kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn HP, nhưng phải tuân thủ chỉ định sử dụng kháng sinh của bác sĩ, từ đó làm giảm nguy cơ xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày hoặc mắc ung thư hệ tiêu hóa.

Tại Nhật Bản, tỷ lệ thành công đạt tới 90% và cứ phát hiện bệnh nhân nhiễm HP, các bác sĩ Nhật Bản lại tìm cách tiêu diệt nó. Tuy nhiên, tại Việt Nam, TS Vũ Trường Khanh cho biết, tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh điều trị vi khuẩn HP lại khá cao, khiến không ít trường hợp phải đổi phác đồ điều trị, việc điều trị kéo dài.

“Nhiều loại thuốc đầu tay trong việc điều trị, tiêu diệt khuẩn HP tại nhiều nước đạt hiệu quả tới 80% - 90%, thì ở Việt Nam tỷ lệ thành công chỉ dưới 80% như nhóm clarithromycin, thậm chí có những loại thuốc tỷ lệ thành công trong điều trị chỉ còn khoảng 50%”, TS Vũ Trường Khanh chia sẻ. Việc dùng kháng sinh không đúng loại, thời gian, liều lượng, chất lượng không đảm bảo, khiến vi khuẩn không những không diệt hết được mà còn làm vi khuẩn kháng thuốc. Sau khi kháng thuốc, vi khuẩn lại lây truyền từ người này sang người khác, mang sự kháng thuốc đó đi.

Để phát hiện sớm, đánh giá tình trạng vi khuẩn HP trong đường tiêu hoá gây viêm loét, TS Vũ Trường Khanh cho biết: Có thể tiến hành nội soi dạ dày và chẩn đoán nhiễm HP bằng phương pháp xét nghiệm dựa trên mẫu mô sinh thiết (khi nội soi, bác sĩ sẽ cắt một mẫu rất nhỏ niêm mạc để xem xét).

Một cách khác là test thở ure hoặc xét nghiệm phân cũng cho kết quả tốt. Phương pháp xét nghiệm huyết thanh chỉ áp dụng với nghiên cứu dịch tễ quần thể. Vì kháng thể vi khuẩn HP tồn tại trong máu nhiễm khuẩn rất lâu. Khi phát hiện có HP, chứng tỏ người đó đã từng nhiễm hoặc đang nhiễm. Phương pháp này với bác sĩ lâm sàng là không áp dụng được.

Vậy những người nào cần ưu tiên đi kiểm tra khuẩn HP để dự phòng sớm ung thư đường tiêu hoá? Theo TS Vũ Trường Khanh, những người loét dạ dày tá tràng do HP gây ra thì đương nhiên phải kiểm tra, vì khả năng tái nhiễm rất cao. Ngoài ra, những người có bố mẹ, anh em ruột (huyết thống bậc 1) mắc ung thư dạ dày, nếu có HP phải diệt. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân đau thượng vị dai dẳng cần đi kiểm tra xem có HP hay không.

Các bác sĩ tiêu hóa khuyến cáo, vi khuẩn HP có thể có trong nước bọt, chất nôn, dịch tiết ra từ dạ dày hoặc miệng. Nguy cơ nhiễm khuẩn HP sẽ tăng nếu những chất này được đưa đến miệng hoặc cho tay vào miệng sau khi chạm vào những nơi chứa vi khuẩn.

Để hạn chế nhiễm khuẩn HP và cả sự lây nhiễm các mầm bệnh lây qua miệng trong cộng đồng, mọi người nên tập thói quen giữ vệ sinh cá nhân, tránh chung đụng trong ăn uống. Tốt nhất là nên dùng phần ăn riêng, nhất là nước chấm. Tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Chế độ ăn nhiều muối được cho là nguyên nhân tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Tuy nhiên, không phải ai ăn mặn cũng ung thư và không phải ai mắc HP cũng bị ung thư dạ dày.

Một trong những nguyên nhân khiến quá trình điều trị khuẩn HP thất bại là do bệnh nhân tự ý đổi thầy, đổi thuốc, không tuân thủ điều trị (kiên trì, dùng đủ và đúng thuốc). Bên cạnh việc dùng thuốc, phải có chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để hỗ trợ việc điều trị. Bệnh nhân không để đói quá mới ăn nhưng cũng không nên ăn no quá. Hạn chế dùng các loại thực phẩm, gia vị, các chất như rượu, thuốc lá có tác dụng kích thích làm tăng tiết nhiều axít dịch vị, giảm hiệu quả điều trị khuẩn HP.

TS Vũ Trường Khanh nói: “Tại Nhật Bản, trước kia số người mắc khuẩn HP cao, nhưng sau đó, cách sinh hoạt của họ khác đi nên tỷ lệ có giảm xuống. Họ ăn uống riêng biệt mang tính cá nhân, bằng các bộ bát đĩa, đũa thìa khác nhau. Còn chúng ta đều chung mâm cơm, chấm chung bát nước chấm, dùng đũa ăn cơm vừa gắp thức ăn chung, vừa ăn cơm và cho thức ăn vào miệng khiến nguy cơ nhiễm HP rất cao. HP sẽ từ miệng người bị nhiễm theo đũa và cơm lây vào thức ăn khi được dùng để gắp”.

Theo giadinh