Việt Nam cần tận dụng gì sau khi tham gia TPP?

Việc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết tại New Zealand đang đặt ra câu hỏi Việt Nam sẽ làm thế nào để khai thác tối đa những lợi ích mà các hiệp định thương mại lớn như TPP hay Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đem lại?

Việc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết tại New Zealand được xem là một sự kiện lớn, khi nó đánh dấu chính thức việc hình thành khu vực thương mại lớn hàng đầu thế giới với tổng giá trị trao đổi lên đến 30% thương mại toàn cầu. Với quy mô lớn như vậy, TPP được xem là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế hai bờ Thái Bình Dương nói riêng và kinh tế thế giới nói chung, sau khi động lực tăng trưởng của thế giới những năm qua là Trung Quốc đang trên đà giảm tốc. Nó vì thế cũng đang đặt ra câu hỏi Việt Nam sẽ làm thế nào để khai thác tối đa những lợi ích mà các hiệp định thương mại lớn như TPP hay Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đem lại?

Việt Nam đang tiếp cận các hiệp định thương mại một cách thiếu toàn diện

Một điểm yếu cố hữu của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây là việc tiếp cận thiếu toàn diện đối với các thị trường lớn trên thế giới. Dễ dàng nhận ra sự chú ý của nền kinh tế Việt Nam những năm qua hơi có phần thiên lệch sang thị trường của các nền kinh tế phát triển mà cụ thể là phương Tây. Trong số những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam thì các quốc gia có nền kinh tế phát triển chiếm đa số, như Mỹ, các nước EU hay Nhật Bản. Tổng kim ngạch và giá trị xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường này lên tới khoảng 50 tỉ USD mỗi năm, chiếm phân nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra các thị trường trên toàn cầu.

Sự thiên lệch này ngoài lợi thế là tạo sự ổn định và bền vững cho xuất khẩu Việt Nam, đến từ sự tăng trưởng cao và bền vững của các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới, thì nó cũng khiến Việt Nam mắc phải nhược điểm là thiếu sự quan tâm cần thiết đến các thị trường khác, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi. Trong suốt giai đoạn kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nóng và trở thành đòn bẩy cho hàng loạt các quốc gia, các tập đoàn lớn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa vào thị trường nước này, thì dường như Việt Nam là kẻ đứng ngoài cuộc.

Việc Trung Quốc tăng trưởng nóng trên thực tế cũng thu hút nhiều doanh nghiệp FDI đến Việt Nam đầu tư sản xuất để xuất khẩu hàng hóa sang phục vụ thị trường Trung Quốc, nhưng thực tế là cơ cấu nền kinh tế hướng tới xuất khẩu của Việt Nam phần lớn vẫn tập trung cho các thị trường truyền thống như Mỹ, EU và Nhật Bản.

Tình trạng ít phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc là một trong những lý do khiến cho Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2015, trong khi hàng loạt các quốc gia trong khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi kinh tế Trung Quốc giảm tốc và sụt giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Nhưng vấn đề cốt lõi đã bắt đầu được định hình, đó là: các thị trường xuất khẩu truyền thống đồng thời là các quốc gia phát triển có thể tạo cho ngành xuất khẩu Việt Nam sự ổn định, nhưng nó cũng đang tước đi của Việt Nam nhiều cơ hội trong việc tiếp cận các thị trường tiềm năng khác.

Đây có thể được xem là vấn đề lớn nhất của Việt Nam khi gia nhập các hiệp định thương mại lớn như TPP hay AEC, vì số các nền kinh tế phát triển trong hai hiệp định thương mại lớn này là đối tác thương mại truyền thống của Việt Nam khá ít, chỉ có Mỹ và Nhật Bản; trong khi đó số lượng các nền kinh tế mới nổi và giàu tiềm năng mà trước đây Việt Nam ít lưu tâm khai thác thì lại rất nhiều.

Một câu chuyện điển hình cho tình trạng thiên lệch trong cách tiếp cận này là ngành du lịch. Các thị trường trọng điểm của ngành du lịch Việt Nam trong những năm qua vẫn là EU và Nhật Bản. Đầu tư du lịch của Việt Nam ở các thị trường này rất nhiều, như các hoạt động quảng bá hay miễn thị thực, lệ phí thị thực cho khách du lịch đến Việt Nam từ các quốc gia này. Điều này khiến cho trong bối cảnh lượng khách du lịch đến Việt Nam dù suy giảm trong năm 2015 thì lượng khách đến từ các thị trường này vẫn tăng đáng kể.

Nhưng ở chiều ngược lại thì lượng khách du lịch đến Việt Nam từ các nước không phải là thị trường trọng điểm lại đang có chiều hướng suy giảm mạnh, mà các nước ASEAN là một điển hình. Theo thống kê, lượng khách du lịch đến Việt Nam từ các nước ASEAN trong năm vừa qua đã giảm trung bình gần 20%, đặc biệt là khách du lịch Campuchia đến Việt Nam giảm trên 40%. Trong khi đó, lượng khách Việt Nam đến du lịch ở các nước ASEAN thì lại tăng lên đáng kể, thậm chí nằm trong top các thị trường tiềm năng nhất của một số quốc gia trong khu vực.

Việt Nam cần một cách tiếp cận đa dạng hơn

Câu chuyện của ngành du lịch trên thực tế là câu chuyện chung của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta đang tập trung quá nhiều nguồn lực và sự quan tâm đến các thị trường lớn trong khi lại đang thiếu sự quan tâm cần thiết đến các thị trường mới nổi và giàu tiềm năng. Lỗi không phải ở phía các doanh nghiệp, khi mà họ có quyền lựa chọn những thị trường tiềm năng nhất để đầu tư. Khi nguồn lực có hạn và không thể trải rộng, thì điều tất nhiên là các doanh nghiệp sẽ chọn những thị trường phát triển và có lợi nhuận cao nhất, mà Mỹ, EU hay Nhật Bản là điển hình.

Vấn đề cốt lõi trong câu chuyện này là năng lực của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn quá hạn hẹp và chưa thực sự xứng đáng với tiềm năng vốn có. Năng lực hạn hẹp hiện nay của nền kinh tế Việt Nam chỉ cho phép chúng ta lựa chọn một vài các thị trường trọng điểm để đầu tư, thay vì có thể đầu tư một cách đa dạng và rộng rãi ở nhiều thị trường khác nhau. Vấn đề của ngành du lịch Việt Nam trong việc thiếu sự tiếp cận cần thiết với thị trường các nước ASEAN là do quy mô và năng lực có hạn, họ không thể đánh đổi các thị trường trọng điểm vốn đem về nhiều lợi nhuận hơn để chuyển hướng sang các thị trường mới nổi dù rất tiềm năng. Nếu như quy mô và năng lực của ngành du lịch lớn hơn, đủ để có thể tiếp cận nhiều thị trường cùng lúc thì vấn đề sẽ được giải quyết.

Đây đồng thời cũng là bài toán lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam sau khi gia nhập TPP và AEC. Nếu không nhanh chóng phát triển quy mô và năng lực của nền kinh tế thì chúng ta sẽ gặp bất lợi lớn, vì nếu cứ duy trì cách thức tập trung vào các thị trường lớn mà bỏ ngỏ các nền kinh tế mới nổi khác, thì Việt Nam sẽ dễ dàng trở thành con mồi cho các nền kinh tế mới nổi này trong việc chiếm lĩnh thị trường. Trên thực tế đã có những dấu hiệu báo động về tình trạng này, khi các tập đoàn và doanh nghiệp Thái Lan đang đầu tư ồ ạt vào thị trường Việt Nam kể cả bằng cách thâu tóm các doanh nghiệp đầu ngành lớn nhất trong nước.

Giải pháp cho Việt Nam hiện nay trong việc thúc đẩy phát triển quy mô và năng lực của nền kinh tế chỉ có một: đó là hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Hầu hết các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam đều chỉ hướng tới việc xuất khẩu sang các thị trường Âu Mỹ và Nhật Bản, nếu cứ tiếp tục đặt kỳ vọng vào họ như trước đây thì mọi chuyện sẽ không thay đổi. Chỉ có một sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp nội địa mới là chìa khóa để thay đổi tình hình, nhất là khi thị trường của các nền kinh tế mới nổi trong khu vực rất phù hợp với quy mô và trình độ sản xuất của giới doanh nghiệp trong nước của Việt Nam.

Theo Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF / MTG)