"Xe thường đổ E5, còn xe đắt tiền chỉ dùng RON 95"

Chưa rõ về chất lượng của xăng E5 như thế nào nên ngại chưa muốn dùng và đợi đánh giá của số đông đang là tâm lý chung của nhiều người dân về việc sử dụng xăng sinh học

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là ở châu Âu và Mỹ, việc sử dụng xăng sinh học để bảo vệ môi trường là điều bắt buộc. Những loại xăng sinh học như E5 gồm xăng khoáng thông thường (RON 92, RON 95) được pha trộn với cồn sinh học Ethanol theo tỷ lệ tương ứng (xăng E5 chứa 5% cồn sinh học).

Cồn sinh học cũng có tính cháy sinh nhiệt như xăng nhưng dễ sản xuất và có giá thành rẻ hơn xăng khoáng thông thường. Nhiều quốc gia đã sử dụng các loại xăng có tỷ lệ cồn sinh học cao như E10 (10% cồn sinh học), E25 hay thậm chí là E85.

Cồn sinh học chủ yếu được sản xuất từ nông sản như sắn (khoai mì) nên góp phần làm giảm các loại khí thải độc hại. Do đó, đây là một giải pháp để những nước nông nghiệp như Việt Nam giảm dần phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch và cải thiện chất lượng môi trường.

Tại Việt Nam, kể từ ngày 1.1.2018, xăng sinh học E5 chính thức thay thế cho xăng RON 92 trên cả nước. Tuy nhiên, có thể thấy rằng người dân vẫn chưa thực sự mặn mà với việc sử dụng loại nhiên liệu mới này.

Anh Lữ Tuấn Kiệt, cửa hàng trưởng một cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM, cho biết: “Trước 1.1.2018, lượng tiêu thụ xăng E5 chiếm khoảng 10% tổng lượng xăng dầu bán ra. Còn từ sau ngày 1.1, tỷ lệ này tăng lên 40%. Chúng tôi cũng chưa thấy khách hàng nào than phiền về chất lượng xăng E5”.

Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện được hỏi trả lời họ không thật sự quan tâm đến sự thay đổi này. Ông Trần Hữu Thông cho biết ông không để ý nhiều tới các thông tin về xăng E5 trên các phương tiện truyền thông. “Tôi dùng cả xăng E5 và RON 95, thấy chạy xăng nào cũng như nhau nên tôi cũng chẳng quan tâm lắm", ông Thông cho hay.

Không chỉ những người dùng thông thường như ông Thông mà cả những người có kinh nghiệm, kiến thức về xe cộ cũng không tìm hiểu rõ về xăng E5. Anh Lê Tuấn Tú làm dịch vụ sửa chữa xe đã nhiều năm nhưng anh cũng không để tâm nhiều đến sự khác biệt giữa xăng sinh học và xăng khoáng thông thường.

“Hiện nay tôi vẫn dùng xăng RON 95 theo thói quen nhưng sử dụng loại xăng nào cũng không quá quan trọng. Nếu phải chuyển sang xăng sinh học thì tôi thấy cũng không vấn đề gì”, anh Tú chia sẻ.

Nhiều người dân cho biết "chạy xăng nào cũng được".

Bên cạnh đó, những người như ông Thông hay anh Tú, nhiều người giữ tâm lý chờ đợi nhận xét từ số đông trước khi quyết định có dùng xăng E5 hay không. Nguyên nhân của tâm lý này đến từ những nghi ngại nhất định về hiệu quả của xăng sinh học.

Trao đổi với về việc sử dụng xăng sinh học, anh Nhữ Phước Trung, lái xe Uber cho biết, anh không phản đối xăng E5 nhưng vẫn chưa sẵn sàng chuyển sang loại nhiên liệu này. “Tôi vẫn chưa rõ chất lượng của xăng E5 như thế nào nên ngại chưa muốn dùng. Nếu sau một thời gian mọi người dùng và đánh giá tốt thì tôi mới yên tâm dùng xăng E5”, anh Trung chia sẻ.

Ngoài những nhóm người dùng trên, có nhiều chủ phương tiện chấp nhận sử dụng xăng sinh học nhưng với thái độ dè dặt mà những người như anh Nguyễn Tùng Chương là điển hình.

Sử dụng cả 2 loại xăng E5 và RON 95 nhưng anh Chương có sự phân biệt rõ ràng. “Xe thường để đi làm hàng ngày thì tôi có đổ xăng E5 còn xe đắt tiền thì tôi chỉ dùng RON 95. Sau một thời gian nữa, nếu đông người dùng E5 thì có thể tôi cũng dùng theo”, anh Chương cho hay.

Thay vì chủ động tìm hiểu, phần lớn người dùng vẫn chờ theo số đông.

Thực tế này được anh Lữ Tuấn Kiệt xác nhận thông qua thống kê hoạt động của cửa hàng xăng dầu. Hầu hết ô tô và các loại xe máy có giá trị cao đến cửa hàng của anh vẫn yêu cầu đổ xăng RON 95. Ngoài ra, anh Kiệt cho rằng các khách hàng chọn xăng E5 chủ yếu là do mức giá thấp.

Trước sự thay đổi nào cũng có những ý kiến e ngại và xăng E5 cũng không phải ngoại lệ. Nhiều chủ phương tiện trung thành với xăng khoáng vì cho rằng RON 95 có chất lượng đảm bảo hơn, chạy êm máy và tốt cho động cơ hơn.

Bởi vậy, để được người dân đón nhận thì ngoài ưu đãi về giá, điều quan trọng nhất vẫn là phải chứng minh được hiệu quả thực tế và đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền về lợi ích môi trường của xăng sinh học. Từ đó, giải tỏa được những nghi ngại còn đang tồn tại trong tâm lý của đa số người dân.

Theo khampha