Sự bỏ ngỏ trong quản lý xe đạp điện dẫn đến hậu quả khôn lường như thế nào?

Công tác quản lý xe đạp điện yếu khiến cho loại phương tiện này xuất hiện nhiều hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Thêm đó, việc lắp đặt tùy tiện ắc quy sai quy định cho xe đạp điện sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy xe rất cao và đe dọa đến chính tính mạng của người sử dụng.

Tràn lan xe đạp điện trôi nổi, không rõ nguồn gốc

Liên quan đến sự việc xe điện dáng “bò nhỏ” (xe đạp điện) đang bị bỏ ngoài vòng pháp luật, xe không rõ nguồn gốc được chào bán tràn lan… phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Tô An, trong góc độ quản lý xe gắn máy, xe máy điện được Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý rất chặt chẽ. Tất cả các phương tiện lắp ráp từ các cơ sở sản xuất đều được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Riêng đối với xe đạp điện, do đang bị bất cập về công tác quản lý vì xe đạp điện không phải đăng ký. Vì thế, xe đạp điện được bán một cách tự do trên thị trường mà không cần bất cứ một chế tài hay bất cứ loại giấy tờ gì. Xe đạp điện sản xuất, lắp ráp sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận và đều tiến hành kiểm tra thử nghiệm từ linh kiện, an toàn xe và các chi tiết theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số lượng xe đạp điện được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra chứng nhận sản xuất, lắp ráp đưa ra thị trường so với phương tiện này được bán ra thị trường lại là con số nhỏ.

Sự bỏ ngỏ trong quản lý xe đạp điện dẫn đến hậu quả khôn lường như thế nào?

Đại lý bán xe đạp điện ở đường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội)

“Thực tế, tại nhiều đại lý bán xe đạp điện trôi nổi trên thị trường có nhiều xe không có chứng nhận của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Những xe đạp điện này sẽ được xếp vào diện xe nhập lậu, thậm chí sản xuất, lắp ráp lậu, chui… không qua bất cứ sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng nào.

Những sản phẩm này, cơ quan đăng kiểm không thể biết được chất lượng của nó có đảm bảo hay không nên nó luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông khi sử dụng phương tiện không rõ nguồn gốc xuất xứ này.

Nguyên nhân mấu chốt gốc rễ ở đây là do công tác quản lý. Bởi nhiều khi, người dân hiểu khái niệm xe đạp là phương tiện thô sơ. Nhưng mọi người đang bị nhầm tưởng vì xe đạp điện là phương tiện được gắn động cơ. Như vậy, xe đạp có gắn động cơ thì không được coi là phương tiện thô sơ được nữa.

Nhận diện của bản thân xe đạp điện, người dân cho rằng, gắn bàn đạp thì coi đó là xe đạp. Thực sự khái niệm này đã cũ rồi vì đa phần xe đạp điện gắn bàn đạp để hỗ trợ cho việc phương tiện này gặp sự cố hỏng hóc, ắc quy bị yếu hoặc hết điện. Còn xe máy điện không có bàn đạp”, ông An phân tích.

Sự can thiệp "thô bạo" của con người

Cũng theo ông An, xe đạp điện được cơ quan đăng kiểm cấp chứng nhận phải đảm bảo, tuân thủ các quy định về tiểu chuẩn, quy chuẩn của cơ quan quản lý Nhà nước từ khối lượng đến tốc độ di chuyển.

Sự bỏ ngỏ trong quản lý xe đạp điện dẫn đến hậu quả khôn lường như thế nào?

Ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam trao đổi với phóng viên

“Thời gian vừa qua có xảy ra tình trạng xe đạp điện được đưa ra thị trường có việc đại lý lắp đặt các ắc quy không đúng với kiểu loại đã được cơ quan đăng kiểm kiểm tra thử nghiệm và chứng nhận để lắp cho kiểu loại xe đó. Ví dụ như lắp vào xe đạp điện ắc quy rẻ tiền để họ tối đa lợi nhuận. Vì thế, chất lượng không đúng với kiểm tra thử nghiệm và chứng nhận của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Thậm chí, trọng lượng của toàn xe sẽ tăng lên.

Chẳng hạn xe đạp điện đạt tiêu chuẩn thì trọng lượng không được vượt quá 40kg. Nhưng người ta lắp ắc quy kém chất lượng vào thì trọng lượng sẽ nặng hơn dẫn đến trọng lượng toàn xe sẽ tăng lên.

Ngoài ra, có trường hợp các đại lý bán hàng, cửa hàng sửa chữa xe đạp điện cố tình tìm mọi cách can thiệp vào hệ thống điều khiển điện của xe để làm tăng tốc độ di chuyển của xe vượt quá tốc độ cho phép 25km/h. Có phương tiện được can thiệp lên với tốc độ 30-35 km/h, thậm chí trên 40km/h. Với tốc độ di chuyển như vậy không còn được gọi là xe dạp điện được nữa.

Nhưng cái này cũng có cái bất cập là bởi lực lượng CSGT khi đứng trên đường thấy xe chạy vù vù mà cũng chẳng có thông lệ là bắn tốc độ đối với xe đạp điện. Điều này cũng luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và những người tham gia giao thông.

Về việc này, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng có văn bản gửi đến các cơ sở sản xuất, lắp ráp xe máy, xe đạp điện chấn chỉnh về việc can thiệp vào tốc độ của xe đạp điện”, ông An thông tin thêm.

Hậu quả khi dòng xe điện "bò nhỏ" không có sự quản lý

Về những bất cập của xe đạp điện, ông An cũng nhắc đến vấn đề nhu cầu, “sở thích” của người điều khiển phương tiện mặc dù đi xe đạp điện nhưng lại muốn phương tiện có tốc độ của… xe máy. Chính người chủ phương tiện ấy khi mua xe hoặc đưa ra tiệm sửa xe là đề nghị can thiệp điều chỉnh tăng tốc độ cho xe đạp điện của mình để đi được nhanh hơn.

“Khi đi được nhanh đồng nghĩa với việc tải được khỏe và tuổi thọ của ắc quy sẽ giảm. Nhưng việc này sẽ vi phạm và không còn là công suất theo quy định của xe đạp điện nữa. Còn di chuyển như xe máy sẽ phải tuân thủ một số quy định khác như phải có mũ bảo hiểm, đăng ký xe… và tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất cao. Đặc biệt, việc lắp đặt tùy tiện ắc quy sai quy định sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy xe rất cao”, ông An cảnh báo.

Sự bỏ ngỏ trong quản lý xe đạp điện dẫn đến hậu quả khôn lường như thế nào?

Công tác quản lý xe đạp điện yếu khiến cho loại phương tiện này xuất hiện nhiều hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc

Cũng theo vị Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, không có sự kiểm soát của đăng ký xe sẽ là kẽ hở và tạo điều kiện cho xe nhập lậu phát triển, dẫn đến tổn thất không nhỏ cho kinh tế quốc gia, thất thu thuế. Điều đặc biệt là không kiểm soát được chất lượng đối với những mặt hàng trôi nổi này.

“Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng rất mong muốn được phối hợp với các cơ quan chức năng khác để kiểm tra, xác định phương tiện kinh doanh trôi nổi, nhập lậu, sản xuất lậu xem xe đạp điện có phải là xe máy điện không để đưa vào đối tượng quản lý. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng kiến nghị, xe đạp điện cần được đưa vào diện đối tượng quản lý. Vì đây là đối tượng được gắn động cơ nên cần phải được đăng ký.

Có thể, người điều khiển loại phương tiện này không cần phải có bằng lái như xe máy, nhưng phương tiện cần phải được quản lý thì mới có thể ngăn chặn được. Bởi, khi người dân đi đăng ký thì phải xuất trình các loại giấy tờ hợp pháp thì mới có thể đăng ký và lưu hành được. Điều này sẽ ngăn chặn được tuyệt đối được việc nhập lậu và sản xuất lậu.

Bởi, khi người tiêu dùng mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng thì chính người tiêu dùng sẽ được bảo vệ quyền lợi như bảo hành, triệu hồi sản xuất nếu hàng hóa bị lỗi. Còn hàng trôi nổi sẽ chẳng biết kêu ai!”, ông An nêu quan điểm.

Theo giadinhvietnam