3 lý do con gái đã lấy chồng không được thờ cúng bố mẹ đẻ?

Đi lấy chồng rồi nên con gái sẽ chỉ được thờ cúng tổ tiên nhà chồng thôi. Vì một nhà không thể thờ hai họ, con gái không thể thờ bố mẹ đẻ được?

Từ trước đến nay đã có rất nhiều bài viết của các bạn đọc chia sẻ, tranh luận về vấn đề này. Dù đã có gia đình, nhưng tôi thật sự không mấy quan tâm đến vấn đề trên. Bởi có lẽ việc chưa đến tay nên cũng không có nhiều mối quan tâm cho vấn đề này. Hơn nữa, nhà tôi cũng có em trai và anh trai nên tôi thật sự không phải lo lắng và lưu tâm. Do đó, tôi dễ dàng bỏ qua cho những tranh luận trái chiều tôi đã từng đọc.

Trưa nay, sau lúc ăn trưa xong, một đồng nghiệp của tôi với vẻ mặt buồn buồn khác hẳn mọi ngày. Dường như chị ấy hôm nay có tâm trạng không vui. Thấy khác lạ, tôi mới đến bên chị thủ thỉ. Thì ra đúng như những gì tôi linh cảm thật. Chị ấy đang gặp một vấn đề rất khó giải quyết và cũng cực kỳ đau đầu.

Chị đồng nghiệp khóc nấc lên đầy tủi thân khi kể với tôi rằng, nhà chị ấy có 2 chị em gái. Chị ấy thì đã lấy chồng xa nhà hàng trăm cây số. Giờ ở nhà chỉ có em gái cùng mẹ đẻ vì bố chị ấy đã mất từ khi chị ấy 7 tuổi.

Chị đồng nghiệp khóc nấc lên đầy tủi thân khi kể với tôi rằng, nhà chị ấy có 2 chị em gái. Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, mẹ chị ấy hay bị ốm đau liên miên do tuổi già và do bị tiền đình. Và hôm trước gọi điện về nhà hỏi thăm mẹ, tự nhiên mẹ chị chạnh lòng hỏi: “Sau này mẹ mất rồi thì ai thờ cúng bố mẹ đây?”.

Tất nhiên, chị ấy trả lời là 2 chị em chị ấy rồi. Nhưng rồi mẹ chị ấy lại hỏi ngay trong xót xa rằng: “Đi lấy chồng rồi nên các con sẽ chỉ được thờ cúng tổ tiên nhà chồng thôi. Vì một nhà không thể thờ hai họ, con gái không thể thờ bố mẹ đẻ được. Mà nhà chồng có cho thờ thì họ hàng tổ tiên bên chồng cũng sẽ không cho về, thổ công trong nhà nghe nói cũng không cho vào”...

Chính vì câu nói này của mẹ đẻ mà chị đồng nghiệp của tôi cứ suy nghĩ và buồn mãi. Chị lấy chồng và cũng biết thân biết phận: con gái không được thờ bố mẹ đẻ của mình dù đã có nhà riêng hay chưa có nhà riêng.

Nghe chị nói vậy tôi đã bảo chị, nếu chị ở chung với nhà chồng thì không thể. Nhưng nếu chị ở riêng thì có thể lập bàn thờ bố mẹ mình riêng, không chung với bàn thờ nhà chồng là được. Sau đó, nếu chị có 2 con trai thì để 1 con thờ ông bà ngoại, 1 con thờ ông bà nội cũng ổn.

Nghe tôi nói an ủi thế, chị vẫn trào nước mắt nói bảo nhất quyết không làm như vậy không được vì những lý do sau:

Thứ nhất, tục một nhà không được thờ hai họ đã có từ rất lâu và ăn sâu bám rễ vào quan niệm của mọi người, mọi nhà. Chính ngay ở bên đằng nội, đằng ngoại nhà chị hiện nay, chị bảo đều không thấy bố mẹ thờ các cụ, ông bà đằng ngoại. Ngay cả bố chồng chị cũng không cho mẹ chồng chị thờ bà ngoại. Bố chồng đã từng nói với mẹ chồng chị rằng, con gái đi lấy chồng thì chỉ được thờ tổ tiên nhà chồng.

Thứ hai, chị kêu dù cho bố mẹ chồng có tâm lý cho chị là con dâu thờ bố mẹ đẻ sau này đi chăng nữa thì theo tâm linh, con gái thờ cúng bố mẹ đẻ ở nhà chồng, bố mẹ cũng không về được. Như vậy thì khác nào thờ cũng như không?

Thứ ba, cũng vẫn là tục lệ từ nhiều đời nay. Nếu gia đình không có con trai mà chỉ có con gái như gia đình chị thì khi bố mẹ mất, người cháu trai có quan hệ gần nhất đằng nội phải có trách nhiệm cúng giỗ. Cụ thể, nếu mai này mẹ chị qua đời thì 2 chị em chị không được lo tang lễ và thờ cúng cha mẹ. Ngược lại, người cháu gần nhất đó lại được đứng ra lo tang lễ, chủ trì tang lễ.

Thậm chí, chị là con gái ruột của bố mẹ nhưng hàng năm giỗ Tết vẫn phải đem đến nhà người cháu cúng giỗ cha mẹ mình để làm lễ hết 3 đời mới thôi. Ba đời ở đây tương ứng là đời chị, con và cháu chị.

Bố chồng đã từng nói với mẹ chồng chị rằng, con gái đi lấy chồng thì chỉ được thờ tổ tiên nhà chồng. Ảnh minh họa.

Chị đưa ra 3 lý do đó và cứ ngồi thở dài, buồn mãi cho số phận. Tự nhiên, nghe chị nói mà tôi cũng thấy cuộc sống này quá bất công cho những gia đình sinh con gái. Bởi sinh con gái ra đã chẳng chăm sóc được bố mẹ nhiều ngày đã vội đi lấy chồng. Đến tận khi bố mẹ mất đi mà vẫn không chăm lo được cho bố mẹ chu đáo thì còn gì bất hiếu, đau lòng hơn.

Giờ thì tự nhiên tôi lại lờ mờ nghĩ ra lý do tại sao nhiều gia đình xung quanh tôi cứ phải “đẻ cố” hay “cố kiếm” cho được một người con trai nối dõi. Phải chăng là cũng vì lý do này?

Nghe xong câu chuyện của chị đồng nghiệp mà tôi cứ buồn và suy nghĩ mãi. Sinh con gái đúng là vứt đi sao, là con nhà người ta thật sao? Và con gái đã đi lấy chồng là không được thờ cúng bố mẹ đẻ nữa phải không các bạn? Hoặc bạn đọc nào am tường về vấn đề này thì chia sẻ cách làm sao thuyết phục được bố mẹ chồng cho con dâu được thờ bố mẹ đẻ đi?

Theo Đỗ Thanh Minh ( NĐT )