Ba yếu tố khiến giá USD "nhảy múa"

Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng biến động tỷ giá trong tháng 11 chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, việc điều hành tỷ giá thời gian tới sẽ bị tác động bởi ba yếu tố lạm phát có chiều hướng tăng, biến động của đồng Nhân dân tệ và một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tiền tệ giảm giá mạnh so với USD.

   Ba yếu tố khiến giá USD

Biến động tỷ giá trong tháng 11 chỉ là tạm thời. (Ảnh: I.T)

Hôm nay, 7.12, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD là 1USD = 22.124 VND, tăng 4 VND so với ngày hôm trước. Đây là phiên thứ hai liên tiếp tỷ giá trung tâm đi lên nhưng tăng ở mức nhẹ.

Tuy nhiên, giá mua bán USD của các ngân hàng hầu như giữ nguyên, thậm chí còn giảm so với hôm trước. Vietcombank niêm yết giá mỗi USD ở mức 22.680 VND - 22.760 VND (mua vào-bán ra), giảm 5 VND so với hôm trước; BIDV giữ nguyên mức 22.680 VND - 22.760 VND; Eximbank cũng không thay đổi so với hôm trước, đang giao dịch là 22.670 VND - 22.760 VND...

Song giá mua bán USD trên thị trường tự do tại Hà Nội sáng nay vẫn tăng nhẹ. Tính đến 10h sáng nay, giá USD trên thị trường tự do được mua vào với giá phổ biến là 23.240 đồng/USD và bán ra là 23.300 đồng/USD, tăng tương ứng 20 đồng và 30 đồng so với sáng hôm qua. Nếu so với thời điểm trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (8.11), tỷ giá USD/VND tự do đã tăng khoảng 1.000 đồng.

Bình luận về biến động tỷ giá trong tháng 11, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) cho rằng thị trường ngoại hối trong tháng 11 có đột biến chủ yếu do yếu tố mùa vụ và tác động tâm lý của việc đồng USD tăng giá trên thị trường thế giới.

Tỷ giá trung tâm liên tục được NHNN điều chỉnh tăng dần, tính đến 23.11, được niêm yết ở mức 22.136 VND/USD, tăng khoảng 1,1% so với đầu năm. Tỷ giá ngân hàng thương mại và thị trường phi chính thức cũng tăng trở lại sau một thời gian dài ổn định. Tỷ giá bán tại nhiều NHTM hiện phổ biến vào khoảng 22.700 VND/USD, tăng khoảng 0,22% so với đầu năm.

“Nguyên nhân khiến tỷ giá là do đồng USD liên tục lên giá so với các đồng tiền chủ chốt, đặc biệt sau khi có kết quả chính thức của bầu cử Tổng thống Mỹ. Cùng với đó, nhu cầu ngoại tệ tăng trở lại theo yếu tố mùa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán về cuối năm (kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đã chấm dứt xu hướng giảm so với năm trước) và đón đầu khả năng FED tăng lãi suất vào tháng 12”, UBGS phân tích.

Ngoài ra, tín dụng ngoại tệ đang tăng lên cũng tác động tới biến động tỷ giá. Tính đến 30.10.2016, tín dụng ngoại tệ đã tăng 4,4% so với cuối năm 2015, trong khi cùng kỳ năm 2015 giảm 9%.

“Tuy nhiên, cán cân thương mại cả năm dự báo sẽ vẫn thặng dư, nên biến động tỷ giá trong tháng 11 chỉ là tạm thời”, UBGS nhận định.

Theo UBGS, việc điều hành tỷ giá thời gian tới cần lưu ý một số yếu tố không thuận lợi như Fed chắc chắn sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 và một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỷ giá giảm giá mạnh so với USD (Riêng trong tháng 11, EUR đã giảm tới 5,56% và JPY giảm 7,69% so với USD).

“Đặc biệt là đồng Nhân dân tệ (CNY) liên tục giảm giảm giá và đã lập đáy trong vòng 6 năm gần đây vào ngày 23.11 ở mức 6.92 CNY/USD, giảm mạnh 6,63% so với đầu năm. Nguyên nhân nữa là lạm phát có chiều hướng tăng”, UBGS phân tích.

Theo Danviet