Bánh kẹo Tết 2016: Hàng nội lép vế ở tạp hóa

Nhìn nhận về thị trường bánh kẹo năm nay, hầu hết tiểu thương cho rằng, bánh kẹo Việt đang chiếm lĩnh thị trường với tỷ lệ 70% song lại lép vế ở tạp hóa mặc dù thắng thế ở các siêu thị.

Nhìn chung, thị trường bánh kẹo trong mùa cận Tết khá sôi động với nhiều mặt hàng, từ bánh kẹo không nhãn mác đến bánh kẹo cao cấp, chất lượng. Tuy vậy, thị trường tiêu dùng năm nay được cho là khắt khe và kén chọn hơn mọi năm. Phần lớn hàng hóa chất lượng, có thương hiệu tập trung nhiều ở siêu thị, các cửa hàng lớn trong khi hàng không nhãn mác, nguồn gốc rất khó chen chân vào những nơi này, nên chỉ “đóng đô” ở các chợ, chủ yếu ở chợ đầu mối. Các loại bánh kẹo này được gọi là bánh kẹo “ba không”: không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không có hạn sử dụng và được bán với giá “siêu” rẻ.

Bánh kẹo Tết 2016: Hàng nội lép vế ở tạp hóa

Bánh kẹo Việt được bày bán chủ yếu ở các siêu thị

Theo khảo sát của phóng viên tại các siêu thị như Big C, Fivimart ... chiếm phần lớn vị trí trên các gian hàng bánh kẹo là những sản phẩm có xuất xứ từ các thương hiệu Việt như Kinh Đô, Hải Hà, Bibica ... Những mặt hàng này còn được trưng bày tại các khu vực bắt mắt và tiện lợi cho người tiêu dùng lựa chọn. Đặc biệt, trong lựa chọn giỏ quà Tết, tỷ lệ bánh kẹo nội đang chiếm đa số so với các thương hiệu cùng chủng loại đến từ nước ngoài.

Theo tính toán của Sở Công thương Hà Nội, sức tiêu thụ bánh kẹo mùa Tết Nguyên đán 2016 dự kiến tăng 10-13% so với năm trước. Tính đến thời điểm này, theo báo cáo của các doanh nghiệp bán lẻ về Sở, khoảng 80% bánh kẹo phục vụ Tết là hàng sản xuất trong nước, còn lại là hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản, châu Âu…

Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại  là trong khi hàng nội đang chiếm được lợi thế ở siêu thị thì tại các cửa hàng tạp hóa, đại lý "sân chơi" lại thuộc về hàng ngoại. Đây thực sự là vấn đề đáng lưu ý cho các doanh nghiệp bánh kẹo nội nếu biết, theo số liệu thống kê được Nielsen thực hiện tại Việt Nam hồi cuối năm 2015, kênh thương mại truyền thống như đại lý, cửa hàng tạp hóa tại các TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang chiếm đến 70% doanh số bán lẻ. Trong đó, tỷ lệ chọn mua các mặt hàng bánh kẹo tại các địa điểm này chiếm tới 39%, áp đảo so với còn số 12% tại các siêu thị lớn.

Một chủ cửa hàng tạp hóa tại Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) cho biết, từ cách đây gần 1 tháng, số lượng bánh kẹo bán ra đã bắt đầu tăng so với ngày thường, trong đó hàng ngoại được tiêu thụ nhiều hơn hẳn so với hàng nội. Hương vị lạ, đa dạng về chủng loại cùng mức giá không chênh quá lớn khiến người mua thường chọn hàng ngoại hơn, đặc biệt nếu mua để tặng thì hầu hết đều chọn hàng ngoại, người chủ này lý giải về sức tiêu thụ của bánh kẹo nhập khẩu.

Không chỉ sở hữu mẫu mã bắt mắt, sản phẩm ngoại còn khá đa dạng về khẩu vị, tạo cảm giác mới mẻ cho người mua. Mức giá của mặt hàng ngoại nhập cũng khá cạnh tranh, nếu như năm trước chỉ tập trung ở phân khúc trên 100.000 đồng thì hiện tại xuất hiện khá phổ biến các chủng loại có dưới 100.000 đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhờ những tín hiệu khả quan từ nền kinh tế nên sức mua trên thị trường Tết nay dự báo sẽ khởi sắc hơn năm 2015. Dự báo, sức mua các nhóm hàng thiết yếu trong Tết này có thể tăng 15-20%  Trong đó, lượng tiêu thụ các mặt hàng rượu bia, bánh mứt, kẹo tăng khoảng 30-50%. Song vấn đề còn tồn tại duy nhất đó là thị trường bánh kẹo nội vẫn chưa thắng thế ở các cửa hàng tạp hóa.

Theo Huyền Thương (NTD)