Bệnh viện Chợ Rẫy - Khuất tất đấu thầu thuốc

Là một trong những bệnh viện tuyến trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM có kết quả đấu thầu thuốc năm 2013 sớm hơn nhằm đáp ứng công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, giá thuốc trúng thầu vào Bệnh viện Chợ Rẫy khá cao, thậm chí có loại thuốc chưa được cấp phép cũng được dự thầu.

Bệnh nhân mua thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.

Trúng thầu giá… trên trời

Rà soát lại kết quả đấu thầu thuốc của Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2013 cho thấy có tới 1.566 mặt hàng trúng thầu. Đơn vị này đã mở thầu từ tháng 5-2013 và đến tháng 7 thì hoàn tất công tác đấu thầu thuốc phục vụ khám chữa bệnh, nhất là khám diện BHYT. Theo đó, thống kê cho thấy đã có 184 trong số 231 công ty dược tham gia “đấu” đã trúng thầu với tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Thế nhưng, vấn đề không khỏi băn khoăn và khó hiểu là so sánh với giá trúng thầu của các bệnh viện tuyến trung ương khác thì giá trúng của nhiều loại thuốc cung ứng cho Bệnh viện Chợ Rẫy cao ngất ngưởng, mặc dù cùng một loại thuốc, cùng tên hoạt chất, cùng nồng độ hàm lượng, cùng cơ sở sản xuất và cùng chỉ định điều trị.

Có thể dẫn ra dưới đây một loại thuốc như cùng hoạt chất Hydroxyurea 500mg loại 10 vỉ x 10 viên của cùng Công ty Haupt Pharma Amareg (Đức) sản xuất và cùng Công ty TNHH Dược phẩm Việt - Pháp trúng thầu nhưng giá trúng thầu vào Bệnh viện Chợ Rẫy là 105.000 đồng/hộp, trong khi trúng thầu vào Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương 100.000 đồng/hộp.

Hay như cùng loại thuốc Naloxone 0,4 mg/ml do Ba Lan sản xuất loại hộp 10 ống được Công ty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương 1 trúng thầu Bệnh viện Chợ Rẫy có giá 39.900 đồng/hộp, nhưng trúng thầu Bệnh viện Mắt Trung ương chỉ 38.325 đồng/hộp.

Tương tự, thuốc Cytarabine 1g dạng lọ của Belarus trúng thầu vô Bệnh viện Chợ Rẫy 315.000 đồng/lọ nhưng trúng thầu vô Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chỉ 300.000 đồng/lọ, chênh lệch lên tới 15.000 đồng/lọ…

Đó chỉ mới là so sánh với các cơ sở y tế cùng tuyến trung ương, còn khi xem xét giá trúng thầu thuốc vào Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM so với bệnh viện tuyến tỉnh khác thì mức chênh lệch còn cao hơn nhiều, thậm chí có loại thuốc cao hơn gấp 2 - 3 lần.

Trong đó có thuốc Esomeprazole Sodium 40mg của Ấn Độ do Công ty Dược Vĩnh Phúc trúng thầu vào Bệnh viện Chợ Rẫy có giá 8.500 đồng trong khi Sở Y tế Quảng Ninh mua chỉ hơn 4.300 đồng (chênh lệch gần gấp đôi); thuốc Ciprpfloxaci của Việt Nam sản xuất có hàm lượng 400mg/200ml trúng thầu Bệnh viện Chợ Rẫy giá 95.000 đồng trong khi trúng thầu ở Đồng Nai (hàm lượng 200mg/100ml) chỉ hơn 17.000 đồng.

Nếu nói do hàm lượng thấp hơn giá rẻ hơn thì đúng ra trúng thầu ở Đồng Nai cũng chỉ 34.000 đồng, trong khi ở Bệnh viện Chợ Rẫy tới 95.000 đồng, chênh lệnh cao gần gấp 3 lần.

Ai tiếp tay?

Ngoài việc thuốc trúng thầu giá cao, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM còn “ưu ái” cho thuốc chưa có số đăng ký trúng thầu! Mặc dù ngày 20-5-2013, Bệnh viện Chợ Rẫy mở thầu thuốc, nhưng có tới ba loại thuốc dự thầu chưa có giấy phép đăng ký vẫn duyệt “lọt” hồ sơ.

Đó là thuốc Cevirflo Infusion 400mg/250 ml VD-19017-13; thuốc Loviza 750mg infusion VD-19022-13 và Solmiran VD-19023-13 đều của Công ty Dược phẩm Pharbaco tham gia dự thầu. Mãi đến ngày 19-6, cả 3 loại thuốc trên mới được cấp phép (!?).

Dù giá thuốc trúng thầu vào Bệnh viện Chợ Rẫy cao ngất ngưởng, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan thanh tra, kiểm tra nào của Bộ Y tế hay Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát xử lý. Vấn đề đặt ra là vì sao có sự trúng thầu giá cao bất thường như vậy? Trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện cũng như hội đồng chấm thầu Bệnh viện Chợ Rẫy ở đâu hay có sự tiếp tay lợi ích nhóm?

Theo tìm hiểu của phóng viên, với việc chênh lệch giá cao này, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM có thể làm thiệt hại Quỹ BHYT hàng tỷ đồng, và đương nhiên đó là khoản tiền từ công sức mồ hôi của người bệnh đã đóng góp mua BHYT hàng năm.

Chưa hết, ngay sau khi Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM công bố kết quả trúng thầu thuốc, trong khi TPHCM chưa có kết quả trúng thầu năm 2013 - 2014, Sở Y tế TPHCM đã tham mưu cho UBND TPHCM áp kết quả trúng thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy trong năm 2013 mà không áp thầu kết quả năm 2012.

Điều này đã khiến Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam lo lắng sẽ “ôm nợ” vì giá thuốc trúng thầu Bệnh viện Chợ Rẫy quá cao. Do đó, BHXH Việt Nam đã có ngay công văn phản hồi, cho rằng áp dụng kết quả đấu thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ gây ra nhiều khó khăn cho cơ sở khám chữa bệnh trong việc lựa chọn mua thuốc có chất lượng với giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu điều trị. 

BHXH Việt Nam xác định và tạm thời thông báo giá thuốc phổ biến của 20 hoạt chất được sử dụng nhiều với chi phí lớn trên địa bàn TPHCM để lựa chọn thuốc phù hợp. Mặt khác, đề nghị TPHCM lựa chọn thuốc dựa trên kết quả trúng thầu thuốc của nhiều địa phương và sử dụng giá thuốc phổ biến để giúp tiết kiệm nguồn lực tài chính cho bệnh viện, đem lại lợi ích thiết thực cho người bệnh, đặc biệt người bệnh BHYT…

Như vậy, ngay từ đầu BHXH Việt Nam đã không đồng tình việc áp thầu giá thuốc của Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng không hiểu vì lý do gì Sở Y tế TPHCM lại tham mưu và hướng dẫn các bệnh viện trực thuộc áp thầu Bệnh viện Chợ Rẫy? Bộ Y tế cũng như các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ những khuất tất đằng sau đấu thầu thuốc của Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.

 Theo TƯỜNG LÂM (Sggp)